Hôm qua 14 tháng 2 là ngày Valentine tức Ngày Lễ Tình Yêu. Valentine’s Day là một ngày lễ trước đây chỉ có ở Châu Âu và Bắc Mỹ nhưng dần dần trở thành một ngày có tính cách quốc tế phổ biến ở khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt đối với cộng đồng tị nạn VN chỉ mới làm quen với ngày Valentine sau khi định cư ở các quốc gia Âu Mỹ vì thế ở bầu thì tròn ở ống thì dài, nhiều người Việt cũng hội nhập vào văn hoá xứ người để cùng mừng ngày 14 tháng 2 hàng năm bằng những đóa hoa hồng và những tấm thiệp mang ý nghĩa tình yêu đôi lứa.
*
Có thể có những người không có nhu cầu tham gia vào sinh hoạt của ngày Valentine và cũng chẳng nhớ ngày 14 tháng 2 là ngày mang ý nghĩa gì nhưng sắp đến ngày này, bước ra chợ nhìn vào số lượng hoa và thiệp bày bán đầy rẫy tương tự như mùa giáng sinh và tết tây, thì không thể nào không chợt nhớ ra rằng ngày Valentine đã đến.
Số thiệp bán ra trong ngày Valentine chỉ đứng sau số lượng thiệp chúc mừng Giáng Sinh. Trong số 1 tỷ tấm thiệp Valentine bán ra trên toàn thế giới, phụ nữ chiếm khoảng 85% trên tổng số người gửi thiệp Valentine tức rất nhiều hơn quý ông. Các bà cũng mong nhận được thiệp nhiều hơn là hoa. Tại sao vậy? Vì một lý do giản dị. Mua thiệp rẻ tiền hơn mua quà tặng cho các ông, và nhận thiệp của các ông thích hơn là nhận hoa. Hoa chóng tàn, lại chẳng nói lên được điều gì ngoài những ý nghĩa trừu tượng khác nhau của các loài hoa. Khi gửi thiệp, quý ông bắt buộc phải viết vào đó những lời lẽ nồng nàn bày tỏ tình yêu sâu đậm với người mình yêu thương, và đó chính là điều mà phụ nữ luôn mong đợi nhận được. Sau này, ai mà thay lòng đổi dạ thì cứ đưa tấm thiệp đó ra như một bằng chứng hùng hồn (của tình yêu) để trách kẻ bạc tình.
Ngược lại 70% quý ông có khuynh hướng chọn mua hoa thay vì thiệp trong khi hoa đắt tiền hơn thiệp rất nhiều. Là bởi vì hoa dễ mua hơn và nhanh chóng hơn, vì các ông không thể đứng hàng giờ đồng hồ trong tiệm như quý bà để chọn ra trong hàng trăm tấm thiệp, một cái ưng ý nhất với hình ảnh và những dòng chữ in sẵn. Đối với quý ông, mua hoa tặng cho vợ hay người yêu trong mọi dịp đặc biệt là một hành động có tính cách máy móc theo thói quen nhiều hơn.
Hãy thử nhìn qua con số mà National Retail Federation của Hoa kỳ đưa ra. Người dân Mỹ tiêu 17 tỷ để mua quà cho người họ yêu thương, và số tiền này chỉ chi ra trong một ngày, nhân danh tình yêu.
Valentine’s day có ý nghĩa gì đặc biệt đến độ hàng năm, người ta phải chi ra đến cả chục tỷ dollars để tặng nhau thiệp, hoa và những món quà đắt tiền? Và ngày Valentine có thực sự mang ý nghĩa của tình yêu hay chỉ là mánh lới quảng cáo của các nhà buôn để bán hàng.
*
Có lẽ hầu như ai cũng biết nguồn gốc lịch sử của ngày Valentine. Valentine là tên của một vị thánh sống ở La Mã vào thế kỷ thứ ba. Vào thời điểm đó người trị vì La Mã là bạo chúa Claudius. Claudius mang tham vọng bành trướng binh lực nên ông bắt tất cả đàn ông trai tráng phải đăng lính. Khi nhận thấy những người đàn ông có gia đình từ chối không gia nhập quân đội, Claudius ban lịnh cấm kết hôn để nam giới không còn có lý do từ chối không đi lính vì lý do gia đình nữa. Nhưng vị tu sĩ Valentine đã cưỡng lại lịnh cấm của Claudius bằng cách tiếp tục lén ban phép cưới cho những cặp tình nhân trẻ. Khi Claudius khám phá ra sự việc, tu sĩ Valentine bị bắt và bị tuyên án tử hình. Hay tin tu sĩ Valentine bị giam, những người trẻ tuổi ngưỡng mộ ông tìm cách ném hoa tươi và thư qua cửa sổ ngục thất để nói cho ông biết rằng họ tin tưởng vào sự bất diệt của tình yêu. Trong số những người trẻ đó có có cô con gái của viên chúa ngục. Cô được cha cho phép vào thăm tu sĩ Valentine thường xuyên và họ trở thành đôi bạn thân thiết. Đến ngày ông lên đoạn đầu đài, ông gửi một lá thư vĩnh biệt đến cô gái, để nói lên lòng cảm kích của ông đối với tình bạn chân thành của cô. Cuối lá thư ký dòng chữ, Love from your Valentine. Ngày tu sĩ Valentine bị xử tử là ngày 14 tháng 2 năm 269. Năm 496 sau Thiên Chúa, tức khoảng hơn 200 năm sau, Đức Giáo Hoàng Gelasius I chọn ngày 14 tháng 2 là ngày lễ Thánh Valentine.
Theo bộ tự điển Bách khoa Catholic Encyclopedia xuất bản năm 1908, thì có ít nhất ba câu chuyện khác nhau về lịch sử ngày lễ Valentine và câu chuyện giữa tu sĩ Valentine và cô con gái viên cai ngục chỉ là huyền thoại chung quanh cái chết của một vị thánh tử đạo.
*
Ngày lễ Valentine xuất phát từ Âu Châu ghi dấu một giai đoạn lịch sử của Thiên chúa giáo, nhưng do hệ thống quảng cáo thương mại ngày nay, hầu hết tất cả những người yêu nhau trên thế giới đều lấy ngày Valentine như một ngày biểu tượng cho tình yêu đôi lứa.
Ở Nhật và Đại Hàn, vào ngày Valentine, phụ nữ tặng kẹo cho những người đàn ông mà họ có cảm tình. Và thói quen này, thay vì là một hành động tự nguyện lại là một việc làm bắt buộc, nhất là đối với những người làm việc hành chánh. Các phụ nữ làm việc ở văn phòng phải tặng kẹo chocolat cho nam đồng nghiệp. Loại chocolat này có tên gọi là giri-choco, giri là bắt buộc, choco từ chữ latin chocolat.
Nhưng để đáp lễ lại các bà các cô, đến ngày 14 tháng 3, nam giới tặng lại những phụ nữ đã tặng kẹo chocolat cho họ bằng một món quà khác. Ngày này được gọi là Bạch nhật tức White day, và những viên kẹo chocolat mang màu trắng sữa.
Trong khi đó ở Đại Hàn lại có ngày Black Day vào ngày 14 tháng 4. Những ông nào không nhận được quà tặng của các bà, tụ tập nhau lại để thưởng thức một món mỳ nấu với hắc tương.
(Các ông không có quà tặng vào ngày Valentine, tức là không có vợ hoặc người yêu, nghĩa là không có ai nấu nướng cho ăn, thì ăn mỳ nấu tương đen mỗi ngày là chuyện bình thường chứ cần chi phải đợi đến ngày Black Day!).
Riêng ở Việt Nam, do ảnh hưởng văn hóa Trung hoa, chúng ta có ngày 7 tháng 7 âm lịch là ngày mà Ngưu lang Chức nữ được Ngọc Hoàng thượng đế cho phép vợ chồng đoàn viên với nhau. Tháng 7 ở Việt Nam nhằm vào mùa mưa nên dân gian gọi là tháng bảy mưa ngâu vì mưa tượng trưng cho những giọt nước mắt của vợ chồng Ngưu lang Chức nữ nhỏ xuống trong ngày trùng phùng.
Những câu truyện nói lên tình yêu bất diệt giữa hai người yêu nhau có rất nhiều trong kho tàng văn chương thế giới cũng như trong đời thường. Một trong những truyện tình hay nhất có thể được chọn là câu chuyện trong phim Note Book trình chiếu năm 2004, dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của tác giả Nicholas Sparks, kể lại mối tình của một thanh niên nghèo với cô tiểu thư con nhà giàu. Họ xa nhau vì hoàn cảnh khác biệt, vì gia đình cô gái tìm đủ mọi cách chia rẽ hai người. Sau nhiều năm xa cách, vượt qua mọi trở ngại, họ tìm về với nhau, lập gia đình, có con, và khi người vợ bị bịnh mất trí nhớ phải nhập viện dưỡng lão, người chồng đã cùng vào ở trong đó với bà, hàng ngày kể lại câu chuyện tình của họ viết trong cuốn nhật ký để gợi lại cho bà phần ký ức đã bị căn bịnh cướp đi mất. Có lúc trí nhớ trở lại với bà trong giây phút rồi lại biến mất. Một đêm khi bà tỉnh táo, bà hỏi ông chuyện gì sẽ xảy ra nếu bà hoàn toàn mất hết trí nhớ. Ông trả lời ông sẽ không bao giờ rời bỏ bà. Bà nói với ông “Em sẽ gặp lại anh”. Đoạn kết truyện phim chiếu cảnh người nữ y tá bước vào phòng sáng hôm sau, tìm thấy ông và bà nằm chết trên giường với đôi bàn tay vẫn còn xiết chặt vào nhau.
Tuy vậy, ngày Valentine không nhất thiết chỉ dành cho đôi lứa yêu nhau hay cho những cặp vợ chồng. Bởi ngoài ý nghĩa tình yêu giữa hai người nam và nữ, còn có tình bằng hữu, tình gia đình, tình đồng bào và tình yêu đối với tha nhân.
Thí dụ như câu chuyện một thanh niên trẻ là huấn luyện viên môn Đài Quyền Đạo người Đại Hàn đi trên một chuyến xe buýt ở Singapore, tình cờ nhìn thấy trên xe một cụ già đi chân đất. Người thanh niên này qùy xuống tháo đôi dép của anh ra đặt vào chân bà cụ tặng bà đôi dép. Singapore không phải là một quốc gia nghèo đến độ dân không có đôi dép để đi, và có thể bà cụ thích đi chân đất cho thoải mái, và cũng không phải bà cố tình không mang dép để làm dáng như cô ca sĩ đi chân đất để được gọi là nữ hoàng chân đất, nhưng chính hành động của người thanh niên trẻ ở thời đại ngày nay mới đáng được chú ý. Hành động thật nhỏ của người thanh niên trẻ nói trên mang ý nghĩa thật lớn về cách hành xử văn minh và nhân bản đối với đồng loại. Ngược lại ở đất nước VN ngày nay, câu ca dao được người ta thực hiện nhiều nhất như một nguyên tắc sống để tồn tại trong xã hội là “Sống Chết Mặc Bay”. Ai nghèo mặc ai, ta giàu ta cứ ăn chơi phè phỡn bên cạnh những đứa trẻ đói ăn và những cụ già đau yếu đi bán vé số nuôi thân. Hoặc như ở bên Tàu, người qua kẻ lại tấp nập trên đường phố không một ai đứng lại quan tâm đến thân xác nhỏ nhoi của đứa bé gái nằm chết bên lề đường như một con vật, vì nếu bầu thương lấy bí cùng, thì chính bầu cũng có thể mang họa vào thân. Đó là chuyện xảy ra hàng ngày ở bên Ta và bên Tàu.
Trong mục giải đáp tâm tình Dear Abby, có hai lá thư độc giả viết cho ký mục gia Jeanne Phillips cho thấy tình yêu trong Valentine bao la hơn tình yêu bình thường giữa đôi trai gái.
Một em nhỏ viết: Thưa bà, cháu là một người may mắn nhất. Cháu có bố và mẹ luôn chăm sóc cho cháu, một người chị mà bất cứ ai cũng muốn có, một người bà hiền như thiên thần. Xin bà cho đăng thư của cháu lên báo để gia đình cháu biết rằng cháu yêu họ biết bao. Cháu không biết cháu sẽ ra sao nếu không có những người thân yêu đó trong cuộc sống của cháu. Cháu biết là đôi lúc cháu làm mọi người khó chịu, nhưng những người thân yêu luôn luôn ở bên cháu khi cháu cần đến họ.
Và một người lính viết: Thưa bà, tôi là một trung úy chuyên về kỹ thuật đang đồn trú ở Nam Hàn. Tôi mang một món nợ lớn đối với một người. Người đó đã hy sinh cho tôi và chấp nhận mọi thử thách không một lời than vãn. Người đó sẵn sàng rời bỏ quê hương để theo tôi đến những quốc gia xa lạ và luôn mang lại cho tôi cảm giác ấm cúng như tôi đang sống trong căn nhà quen thuộc của gia đình. Người đó đảm nhiệm trách vụ của một người mẹ độc thân khi tôi phải xa nhà vì công vụ, sẵn sàng rời bỏ công việc làm chuyên môn nhiều lương bổng khi chúng tôi phải di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Trong thời gian tôi xa nhà, tôi ý thức được rằng chính người đó đã mang lại thành công cho cuộc sống của tôi cũng như tạo cơ hội cho tôi thi hành bổn phận đối với tổ quốc.
Người đó là vợ tôi, một người đã vì tôi trải qua bao nhiêu những thăng trầm, gian khổ, và mỗi khi tôi cần đến thì bà ấy luôn sát cánh bên tôi.
Xin bà cho đăng lá thư này để những người vợ lính, nhất là vợ tôi, biết được rằng họ là những người đặc biệt quan trọng và cần thiết nhất trong cuộc sống của những quân nhân như bản thân tôi, cũng như đối với quốc gia.
*
Từ lá thư của người chồng quân nhân viết về vợ mình, bà Jeanne Phillips tức Abby , đưa ra nhận xét “tất cả những người lính có thể được gắn huy chương, nhưng gia đình của họ ở hậu phương mới chính là những anh hùng.”
Khi Abby cho rằng những người vợ lính mới chính là những anh hùng, thì có thể nói gần như chắc chắn rằng không có người vợ lính nào có thể anh hùng hơn những người vợ lính Việt Nam Cộng Hòa, trong suốt thời gian chiến tranh với CSVN cũng như sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 khi chồng bị bắt giam vào trại tù cưỡng bách lao động của CS.
*
Ngày Valentine 14 tháng 2 năm nay đã qua, nhưng nếu muốn chúng ta vẫn có thể có bất cứ một ngày Valentine nào trong năm chứ không cần đợi đến tháng 2. Hãy thử tặng cho người mà chúng ta thương yêu nhất một món quà thật quý giá không thể mua được bằng tiền bạc. Một lá thư vợ chồng gửi cho nhau tràn đầy tình yêu thương, một bài hát hay cùng thưởng thức với nhau, những bữa cơm ngon mời cha mẹ ăn, một ngày làm việc thiện nguyện ở những trung tâm giúp những người kém may mắn...v.v... Tất cả chỉ là những điều rất bình thường mà chúng ta làm hàng ngày và như thế không cần phải có Ngày Lễ Tình Yêu vào ngày 14 tháng 2 mỗi năm.
Ý nghĩa nổi bật nhất của ngày Valentine phải được hiểu là bạo lực không bao giờ có thể tiêu diệt được tình yêu thương của con người đối với đồng loại.
Happy Valentine!
@Khanh An
No comments:
Post a Comment