Friday, February 21, 2014

Ngựa Chết Hết Chuyện? - HVR


Thứ Ba 18/2, trang mạng của Bộ Công an CSVN chính thức loan báo Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an từ trần lúc 9 g 05 phút tối tại Bệnh viện Quân đội 108.
Tin này được đưa ra chẳng bao lâu sau khi Ban Nội chính Trung ương (cơ quan quyền lực cao nhất về chống tham nhũng) úp mở nói đến ý định tạm ngưng chức của Ngọ, người đã bị Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, chính phạm vụ án Vinashin, tố cáo đích danh là đã báo tin cho y biết trước sẽ bị bắt để bỏ trốn, cũng như đã nhận của Dũng khoản hối lộ tới 500-ngàn Mỹ kim. Ngoài ra Dũng còn khai thêm rằng Ngọ đã nhận hối lộ tới 1 triệu đô la của một tư bản đỏ, Trương Mỹ Lan, ‘đại gia hàng đầu về bất động sản tại Saigon’ (em gái của cựu Phó chủ tịch nhà nước Trương Mỹ Hoa).


Tin về cái chết của Ngọ, tuy đột ngột, nhưng không làm cho dư luận ngạc nhiên. Điều khiến dư luận bàn tán nhiều tới  ‘cách loan tin về cái chết của Ngọ’ để đi tới nhận định rằng ‘đây là cái chết không bình thường'.

Nhiều bài viết, nhiều nhà báo tự do, trang blog đã vạch ra những 'mâu thuẫn, bất nhất' đến độ ngờ nghệch của các bản tin trên báo (đặc biệt là tờ Petrotimes).

Và vì vậy, cái chết của Phạm Quý Ngọ là nguyên nhân dẫn đến rất nhiều suy luận (hợp lý) rằng đây là cái chết bắt buộc phải có để bịt lỗ thủng đang đe dọa làm đắm chiếc thuyền CSVN.

Có tin nói Phạm Quý Ngọ không phải chết vì ung thư mà là 'bị bắn vào đầu':

Và cũng có người tin rằng Phạm Quý Ngọ  chỉ …'chết giả'  theo kế ‘kim thiền thoát xác’ mà thôi.

Nhưng Ngọ chết (nếu chết thật) cũng chưa phải là đã 'hết chuyện' bởi vì 
vì Ngọ không phải là mục tiêu duy nhất hay cuối cùng mà những thế lực, phe cánh khác nhau  trong Đảng CSVN nhắm tới.

*

Chuyện Ngọ chết thật hay chết giả, chết vì ung thư hay bị hạ sát, bị đánh thuốc độc vv có lẽ sẽ phải còn lâu mới được phơi ra ánh sáng. Tuy nhiên chuyện Ngọ chết khiến không thể không nhớ lại biết bao cái chết bí ẩn, đột ngột, không lý do –hoặc với lý do không tin nổi- của các đảng viên cao cấp trong chế độ CSVN. Những cái chết đó, tương tự như từng xảy ra ở tất cả các nước trong thế giới Cộng Sản xưa nay, đều là hậu quả của những cuộc  đấu đá thanh trừng nội bộ vì tranh giành quyền bính.

Có thể kể ra những cái chết bí ẩn –gọi là đột tử- ấy như sau:

Dương Bạch Mai: Đại biểu Quốc Hội, từng du học bên Pháp, Liên Xô, năm 1964 bị đột tử sau khi uống ly bia giữa 2 phiên họp Quốc Hội,  trước khi đọc diễn văn phản đối xã hội kiểu trại lính của Trung Cộng.

Dương Bạch Mai

Nguyễn Chí Thanh: Đại Tướng, Ủy viên BCT, Bí thư Trung ương Cục Miền Nam kiêm Chính ủy Quân GPMN. Bị đột tử gần sáng ngày 6/7/1967. Sau bữa cơm chia tay (trước khi trở vào miền Nam lần thứ hai) với Hồ Chí Minh ở Phủ Chủ Tịch, về nhà ngay đêm hôm đó, ói ra máu chết.
Nguyễn Chí Thanh

Đinh Bá Thi: cựu Đại sứ MTGPMN tại Paris, sau khi hoạt động tình báo tại Hoa Kỳ bị lộ (vụ Trương Đình Hùng), bị sát hại bằng một tai nạn xe hơi năm 1978 tại Phan Thiết.

Đinh Bá Thi

Chu Văn Tấn: Đại Tướng, nguyên là Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng trong chính phủ lâm thời VNDCCH, chết bí ẩn năm 1984 vì bị cho là theo phe Hoàng Văn Hoan.

Chu Văn Tấn


Hoàng Văn Thái: Đại Tướng, Tổng TMT quân đội (thông gia với Võ Nguyên Giáp). Khi chuẩn bị thay Văn Tiến Dũng trong chức Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng thì chết đột ngột đêm rạng ngày 2/7/1986. Có tin nói, Thái bị Lê Đức Thọ thanh trừng trước kỳ  Đại hội Đảng VI (15/12/1986) để chặt đứt mọi vây cánh của Giáp. Trước khi chết, Thái nói với vợ “người ta giết tôi”

Hoàng Văn Thái

Lê Trọng Tấn: Đại Tướng, Tổng TMT quân đội, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng. Chết thình lình ngày 5/12/1986. Có tin nói Tấn cũng bị Lê Đức Thọ thanh toán (sau khi đã giết Hoàng Văn Thái) để dẹp tan mọi chống đối trong quân đội ngay trước ngày họp Đảng.

Lê Trọng Tấn

Đinh Đức Thiện: Thượng Tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu Cần quân đội. Họ tên thật là Phan Đình Dinh, em ruột của Lê Đức Thọ (Phan Đình Khải) và anh ruột của Mai Chí Thọ (Phan Đình Đống). Năm 1987 bị “lạc đạn” chết trong lúc đi săn, nhưng tin chính thức loan báo là vì “tai nạn giao thông”. Có tin nói, Thiện bị người con trai duy nhất (lúc nhỏ bị Thiện đánh đến mù một mắt, điếc một tai đến dở điên dở khùng) bắn chết; và đây là sự dàn xếp trả thù của những người thân tín với Hoàng Văn Thái và Lê Trọng Tấn.

Đinh Đức Thiện

Phan Bình: Trung Tướng, Cục trưởng Cục Quân Báo, sau khi vừa bị Lê Đức Anh tước quyền binh, bị giết ngày 13/12/1987 tại Sài Gòn (bắn vào đầu) nhưng nhà cầm quyền nói là đương sự tự sát. (Có tin nói nhiều tướng lãnh QĐCSVN phản đối, cho rằng ông ta bị ám sát, dựa theo chứng cớ tại hiện trường và nhất là việc ông ta đã bị tước súng ngắn trước đó khiến  không thể tự vệ và lại càng không thể tự sát . Chuyện chưa ngã ngũ thì một tháng sau con trai của tướng Bình, cũng là một sĩ quan cao cấp của Cục Quân Báo, bị đưa vào bệnh viện tâm thần và cũng đã … đột tử tại đó không rõ lý do.) [không tìm được ảnh].

Phạm Hùng: Thủ Tướng: chết đột ngột vì bệnh tim tại Sài Gòn, ngày 10/3/1988 khi đang tại chức. (Có giai thoại kể, khi có tin Phạm Hùng chết, trong xã hội người dân truyền tụng câu thơ -nói là của nhà thơ Bút Tre Đặng Văn Đăng - rằng

“Nghe tin đồng chí Phạm Hùng
Chết ngã lăn đùng, chưa rõ nguyên nhân”

Phạm Hùng

Thi Văn Tám: Thượng Tướng Công An, đặc trách tình báo gián điệp, đột tử vào ngày 12/12/2008 trong lúc khỏe mạnh và vẫn liên tục đi công tác, nhưng đến ngày 15/12/2008, các cơ quan truyền thông mới đồng loạt loan tin là chết sau một thời gian dài lâm bệnh, nhưng  không nói là bệnh gì. Có rất nhiều tin đồn cho rằng bị đầu độc.

Thi Văn Tám

Nguyễn Khắc Nghiên: Thượng Tướng, Tổng TMT Quân đội, Thứ trưởng Quốc Phòng, chết bất ngờ ngày 13/11/2010. Tin chính thức nói là ‘sau thời gian lâm bệnh hiểm nghèo’ nhưng nhiều tin nói bị sát hại trước  khi diễn ra Đại hội XI của đảng CS (12/1/2011). Có tin nói Nghiên bị sát hại vì thân Giáp và vì lên tiếng phản đối việc tăng cường quyền lực của cơ quan đăc trách tình báo quân đội (Tổng Cục 2).

Nguyễn Khắc Nghiên
*

Thành ngữ Việt nam có câu ‘chó chết hết chuyện’.

Vì thế nhiều người cho rằng, với cái chết của Phạm Quý Ngọ, cuộc điều tra về lời khai của Dương Chí Dũng  nay sẽ bị xếp xó để tạm thời khép lại một giai đoạn đấu đá giữa các phe phái trong Đảng hiện nay, cụ thể là giữa  một bên là Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang đối đầu với Nguyễn Tấn Dũng.

Báo Thanh Niên, số ngày 19/2 loan tin “thẩm phán Trương Việt Toàn - Phó chánh tòa hình sự thành phố Hà Nội - cho biết vụ án “Làm lộ bí mật Nhà nước” sẽ phải đình chỉ. Theo thẩm phán Trương Việt Toàn, thời gian và quyết định chính thức đình chỉ vụ án “Làm lộ bí mật Nhà nước” sẽ do Cơ quan Cảnh sát điều tra thực hiện. Ông Trương Việt Toàn nói rằng trong trường hợp thượng tướng Phạm Quý Ngọ qua đời, vụ án “Làm lộ bí mật Nhà nước” sẽ đình chỉ theo Điều 107 của Bộ luật Hình sự.”

Thế nhưng hiện tình đấu đá trong  nội bộ ở thượng tầng Đảng và nhà nước CSVN hôm nay hoàn toàn khác xa, rất xa với tình hình Việt nam ngay cả 10 năm trước đây.

Ngọ chết chưa phải là đã yên, là hết chuyện.

Vì vậy có thơ rằng:


Mở mắt xem kìa chúng giết nhau 
Giết nhau bịt mối, khỏi lộ ‘sâu’ 
Chưa hết, nhiều thằng đang … thấp thỏm
Rình mò, soi mói đợi … thịt nhau

@Hồn Việt

1 comment:

  1. Bài phân tích của HV nhiều chi tiết dẫn chứng vừa lý thú, vừa súc tích; hứa hẹn nhiều màn, nhiều pha gay cấn sau khi ngựa chết...chưa hết chuyện, Cám ơn Hồn Việt.

    ReplyDelete