Tại buổi đấu giá hôm 12/11/2013 vừa rồi của tổ chức Christie chuyên đấu giá những món đắt tiền, tác phẩm tranh sơn dầu Three Studies of Lucien Freud của họa sĩ Francis Bacon đã bán được với giá 142 triệu-400 ngàn đô la. Đây là mức giá được cho là cao nhất đối với 1 họa phẩm, không phải thuộc hàng cổ điển hay những sáng tác của các danh họa trước thời kỳ Đệ Nhị Thế chiến, nghĩa là, nói đơn giản ‘chưa từng có trong lịch sử mỹ thuật đương đại’
Ngay sau đó, nhiều nhà phê bình và ý kiến công luận đã bàn tán râm ran về trị giá của tác phẩm gồm 3 bức tranh rời, đi cùng một bộ của Bacon, nhất là ý nghĩa của bức tranh, mà ngay cả nhiều nhà phê bình cũng cho là khó hiểu.
Nhân chuyện này, PC tự hỏi, giới phụ huynh VN chúng ta nghĩ gì về chuyện sáng tạo, và chuyện này có nằm trong những vấn đề thuộc hàng tối quan trọng về mặt dạy dỗ con cái của người Việt chúng ta không? Hay ‘sáng tạo’ là một chuyện đối với chúng ta là ‘xa vời, không thực tế và không nuôi sống mình được’?
Xin lạm bàn về vai trò của sáng tạo trong sự phát triển của trẻ em và cha mẹ có thể làm được gì để nuôi dưỡng sự sáng tạo đó nơi con em mình.
*
Vậy sáng tạo là gì? Sáng tạo là một điều gì đó mới mẻ, táo bạo và khác thường.
Hầu như đứa trẻ nào cũng có óc sáng tạo, điều quan trọng là chúng ta, những người làm cha mẹ có để ý và khuyến khích con mình bày tỏ sự sáng tạo đó hay không mà thôi.
Dĩ nhiên chúng ta không thể dạy trẻ làm thế này hoặc thế nọ để gọi là ‘sáng tạo’, mà chúng ta chỉ có thể tạo môi trường thích hợp để con cái thể hiện óc sáng tạo của các em.
Thí dụ, chúng ta không thể vì sợ con bày biện đồ chơi bừa bãi mà cấm không cho con được chơi những món đồ chơi mà em thích. Với trẻ con, óc sáng tạo có thể chỉ là lắp ráp đồ chơi một cách mới lạ hơn so với những gì các bạn cùng lứa thường làm; hoặc sắp xếp phòng ngủ, bàn học của em theo cách nhìn và ưa thích riêng của các cháu.
Chúng ta không thể cho con mình sự sáng tạo, mà chúng ta chỉ có thể chỉ dạy cho con cách sử dụng mắt , mũi ,tai và đầu óc một cách minh mẫn và thông minh hơn để có thể nhận thức mọi vật, mọi sự kiện và cuộc đời một cách sâu xa và chân thực hơn.
Chúng ta cũng có thể giúp con hiểu thế nào là tính lạc quan khi gặp thất bại, ý chí phấn đấu vượt qua khó khăn khi vấp ngã cũng như biết chú tâm vào những điều thật quan trọng trong cuộc sống, tránh không bị những điểm phù phiếm, vô nghĩa tác động tới lối suy nghĩ và phản ứng của em. Những điều đó sẽ giúp con em phát triển óc sáng tạo cần có, đó là không dễ dàng giơ tay chấp nhận đầu hàng hoàn cảnh mà luôn tìm cách giải quyết để vượt qua nỗi khó khăn.
*
Theo kết quả của một số nghiên cứu về sự sáng tạo của học sinh trung học thì nhiều giáo viên dạy hội họa thường ngộ nhận khi cho rằng học sinh học khá, làm bài đầy đủ ở các môn khác là những em có đầu óc sáng tạo.
Theo các giáo viên hội họa này nhận xét thì những em đó thường có một số ưu điểm tương tự như những em có óc sáng tạo, đó là có thể chú tâm vào một bài tập thật lâu mà không bị chia trí, cũng như có khả năng sắp xếp một dự án, sẵn sàng mạo hiểm khi phải đối đầu với một vấn đề khó khăn hoặc một ý tưởng khó thực hiện cũng như sự bền chí, nhẫn nại, không quản ngại khó khăn để hoàn thành công việc được giao phó.
Thật ra những học sinh như vậy chưa hẳn đã có kỹ năng sáng tạo, mà đó là tất cả những yếu tố một người có óc sáng tạo cần có. Hoặc nói cách khác, có những điều kiện cần nhưng chưa đủ.
Vậy làm thế nào để chúng ta có thể giúp con mình phát triển kỹ năng sáng tạo?
Các nhà tâm lý chuyên nghiên cứu về sự phát triển trẻ em đã đề nghị rằng
Thứ nhất , cha mẹ hãy để trẻ được tự do bày biện đồ chơi trong phòng chơi, trong nhà, ngoài sân; cứ để cho các em dùng cọ để sơn, dùng bút chì màu để vẽ, rồi sau đó hướng dẫn các cháu cách thức sắp xếp, thu dọn đồ chơi .
Theo những chuyên viên tâm lý, đặc biệt nghiên cứu về lĩnh vực phát triển sáng tạo nơi trẻ em, thì những em lớn lên trong một căn nhà quá tươm tất và quá gọn gàng thì không thể hoặc khó có thể phát triển sự sáng tạo được.
Thứ hai, những trẻ luôn bị cấm đóan đủ điều sẽ không học được cách khai phá và giải quyết vấn đề một cách tự tin, cũng như các em sẽ luôn bị gò bó trong những giới hạn mà cha mẹ đặt ra. Dĩ nhiên là khi các cháu chập chững tập đi, chúng ta cần phải dạy con biết những điều căn bản về an toàn như không chạm vào dao, không chạm vào bếp, những nơi có thể gây nguy hiểm cho các cháu. Nhưng chúng ta cần phải để cho con giúp mình dọn dep tủ sách, tủ bếp, hoặc sơn lan can, hàng rào vv để các cháu tập luyện, tận dụng và phát triển dần những kỹ năng đang còn trong giai đoạn phôi thai của mình.
Thứ ba, khi các cháu đang vẽ hoặc đang làm một việc gì đó, chúng ta nên tránh đừng hối thúc các cháu phải làm cho nhanh. Đừng quá chú tâm vào mục đích có một kết quả hoàn tất mà hãy để các cháu có thời gian hoàn thành sản phẩm đó. Điều quan trọng không phải là các cháu hoàn tất bao nhiêu bức tranh mà sự hứng thú trong công việc vẽ tranh mới là điều để chúng ta khuyến khích và nuôi dưỡng nơi con trẻ.
Thứ tư, là cha mẹ , chúng ta nên cho phép con mình được quyền khác biệt với những trẻ em khác. Có thể đối với các trẻ khác, con mình có hơi khác người thật đấy, nhưng hãy dạy cho con biết điều đó chẳng có gì sai cả.
Hãy giải thích cho con hiểu rằng sự khác người có nghĩa là cháu có thể nhìn sự việc qua một lăng kính khác, bày tỏ điều cháu cảm nhận, suy nhĩ một cách khác; và quan trọng nhất , giúp cháu biết tự tin về sự nhận thức khác biệt này của mình mà không ngại bị người khác chê cười hay trêu ghẹo.
Để phát triển cá tính riêng biệt , trẻ cần sự giúp đỡ và hướng dẫn của cha mẹ. Thường trẻ em hay bị áp lực của bạn bè ở trường lớp, chúng không thích và không muốn thấy có trẻ khác chúng, về hình thức bên ngoài cũng như không muốn bạn cùng lớp có những ý nghĩ khác hơn mình. Đó là chuyện áp lực của đám đông –peer group pressure mà giới phụ huynh chúng ta chẳng còn xa lại gì. (và cũng xin mở ngoặc, ngay người lới chúng ta cũng thường xuyên phải đối phó với cái áp lực của đám đông, của peer group pressure nơi sở làm, trong giới bạn bè quen biết, hay của xã hội bên ngoài)
Chúng ta có thể và cần giải thích cho con hiểu, mỗi người là một cá nhân biệt lập và do đó nếu cháu có những ý nghĩ khác bạn bè thì đó không có gì là lạ hay đáng phải lo lắng.
Điều quan trọng là chúng ta khuyến khích con nên và cần giữ vững lập trường của mình, chứ đừng vì áp lực của bạn bè mà bỏ hay cố quên đi những suy nghĩ cũng như lập trường của riêng mình.
*
Chuyện này thì liên quan đến sự sáng tạo thế nào ?
Xin nêu ra đây trường hợp của họa sĩ Frances Bacon. Những bức tranh của họa sĩ Bacon, theo giới hội họa luôn chứa đầy sự mâu thuẫn và rất khác người. Trên cùng một gương mặt, ông có thể vẽ cả nét đăm chiêu lẫn thỏa mãn, đau buồn lẫn hạnh phúc. Chính sự khác người này đã tạo nên một nghệ sĩ tài hoa được giới thưởng thức hội họa hết lời ca ngợi và sẳn sàng bỏ ra những món tiền thật lớn để có tranh của ông.
Xin trở lại với việc phát triển kỹ năng sáng tao nơi con trẻ.
Hãy tạo một môi trường thật thoải mái cho các cháu thí nghiệm với nhiều loại bút vẽ, cọ vẽ. Ở Úc không thiếu những trường hợp một số trẻ em đã trở thành những họa sĩ nổi tiếng, từng tham dự các cuộc triển lãm danh giá trên thế giới.
Thí dụ điển hình, cô bé Aelita Andre người Úc năm nay chỉ mới 6 tuổi đã là một họa sĩ có tranh triển lãm không những khắp cả nước Úc mà còn ở một số quốc gia khác trên thế giới như Hong Kong và Hoa kỳ. Aelita sinh tại Melbourne , cha là người Úc, mẹ là người Nga. Aelita bắt đầu làm quen với cây cọ từ lúc 9 tháng tuổi, tranh em vẽ thuộc loại trừu tượng và mang nhiều màu sắc sặc sỡ. Trước sinh nhật 2 tuổi, tranh của em đã được triển lãm tại một số phòng trưng bày tranh trên thế giới. Sau đó khi mới vừa lên 4 tuổi, Ailita đã có một cuộc triển lãm tranh riêng của mình tại New York vào tháng 6 năm 2011. Theo Mẹ Ailita cho biết thì Ailita bắt đầu vẽ trước khi biết đi. Bà cũng cho biết là Ailita thường nhìn thấy cha mẹ vẽ nên bắt chước. Ailita được Mẹ dạy sử dụng cọ và sơn thế nhưng sự sáng tạo là của riêng em, không cha mẹ nào có thể dạy được. Bức tranh đầu tiên của em bán với giá 24-ngàn đô la tại cuộc triển lãm ở Hong Kong , lúc đó Ailita chưa đầy 3 tuổi.
Hay như trường hợp em bé Úc gốc Việt Jacquelyn Ngô 6 tuổi, đã được báo Sydney Morning Herald ca ngợi trong bài báo ngày 28/11/2010 là một họa sĩ thần đồng đã làm kinh ngạc những nhà phê bình và nhiều họa sĩ tên tuổi. Bài báo viết, dù mới 6 tuổi nhưng các bức tranh màu sắc tươi vui và nét vẽ đặc biệt của Jacquelyn Ngô đã làm kinh ngạc mọi người đến dự cuộc triển lãm Through Young Eyes của riêng em do trung tâm nghệ thuật Casula House giới thiệu và tổ chức.
Gia đình em cho biết Jacquelyn Ngô bắt đầu vẽ từ năm 3 tuổi và khi thấy em đặc biệt ưa thích đến chuyện vẽ, gia đình đã tạo điều kiện cho em có cơ hội theo đuổi và phát triển năng khiếu của mình.
Giám đốc Trung tâm nghệ thuật Casula House, Steven Alderton, nói thoạt tiên khi mới dược giới thiệu 1 bức tranh của Jacquelyn Ngô ông rất ngạc nhiên và có chút hoài nghi về chuyện đó là tranh do 1 em bé chưa đầy 6 tuổi tự tay vẽ. Vì thế ông gửi 1 họa sĩ đến ngồi quan sát em sáng tác một bứ tranh khác suốt 2 tiếng rưỡi đồng hồ, và người nữ họa sĩ này cho biết, cô đã xúc động đến ứa nước mắt khi chứng kiến sức sáng tạo có thật của bé gái này
*
Sáng tạo là nhìn một sự việc hay một vật nào đó theo một góc độ khác, và góc độ đó có thể bị nhiều người cho là «không giống ai», tức đi ra ngoài khuôn mẫu thông thường của một người gọi là bình thường .
Trẻ có óc sáng tạo thường dễ nhận biết. Các em này thường ít bạn, hoặc nếu có bạn thì chính các em cũng không thích hòa vào đám đông. Những đặc tính này sẽ đậm nét hơn khi các em lớn hơn một chút.
Theo nhận xét của giới chuyên môn về tâm lý thì người có óc sáng tạo thường có đầu óc phản kháng, muốn nổi loạn và luôn muốn thoát ra khỏi những ràng buộc truyền thống để làm một việc gì đó khác người.
Thử đặt câu hỏi, ngoài việc cho con mình đi học chữ, học đàn, học bơi, học tennis, có mấy người trong chúng ta nghĩ đến chuyện tạo cơ hội để con mình phát triển óc sáng tạo?
Với đà tiến triển của khoa học cũng như sự cạnh tranh mạnh mẽ trong lãnh vực nhân dụng , giới trẻ ngày nay không những phải có bằng cấp chuyên môn mà cũng rất cần có kỹ năng sáng tạo trong công việc để biết cách giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng và khoa học .
Mặc dù đối với nhiều người, cách suy nghĩ và giải quyết vấn đề của một người có óc sáng tạo đôi khi có thể bị xem là quá phức tạp và khó hiểu, thế nhưng chính những cá tính khác người đó đã tạo ra những con người tài hoa. Họ là những người có thể nhìn sự việc qua nhiều lăng kính và góc độ khác nhau. Chính những suy nghĩ chồng chéo lên nhau ấy tạo ra một đầu óc đầy sáng tạo, có thể nghĩ ra nhiều giải pháp cho cùng một vấn đề.
Nếu có lúc con cái chúng ta có vẻ lưỡng lự khi phải quyết định một việc gì đó và không biết phải chọn giải pháp nào, xin đừng vội kết luận là các em thiếu quyết đoán, mà hãy khen ngợi cháu biết nhìn sự việc dưới nhiều góc cạnh khác biệt, rồi cùng bàn bạc để giúp con chọn một giải pháp thích hợp nhất.
*
Là một tác giả chuyên viết tiểu thuyết, nhà thơ và cũng là nhà viết truyện phim, Julia Cameron năm nay 65 tuổi, từng là vợ của đạo diễn nổi tiếng Martin Scorsese cho biết, cha mẹ nên để hẳn ra một tiếng đồng hồ mỗi ngày chỉ để chơi và nói chuyện với con.
Tác phẩm The Artists’s way phát hành năm 1992 của bà Cameron được giới nghệ sĩ , văn sĩ tương lai cho là thực dụng nhất trong việc phát triển óc sáng tạo . Các phương pháp về việc dạy trẻ kỹ năng sáng tạo này cũng được bà trình bày trong tác phẩm mới phát hành có tên “The Artist's Way for Parents: A Spiritual Approach to Raising Creative Children” tạm dịch “Cách nuôi dạy con của nhà nghệ sĩ: Nuôi con thành người sáng tạo qua phương thức chú trọng đến tâm hồn trẻ”
Tác giả Cameron khuyên giới cha mẹ nên trò chuyện với con trước giờ đi ngủ , nên bảo con kể lại cho mình nghe những chuyện vui trong ngày của cháu.
Nhiều phụ huynh cho biết, khi áp dụng thử phương pháp được cho là rất đơn giản này, con họ đã vui vẻ kể lại những chuyện vui các em đã gặp, đã có trong ngày, không chỉ một chuyện mà nhiều mẩu chuyện khác nhau.
Bà Cameron cũng nhắc đến nỗi lo lắng triền miên của người lớn về chuyện phải giữ gìn cho nhà cửa sạch sẽ gọn gàng. Bà cho rằng cha mẹ không không nên quá căng thẳng về những chuyện quá nhỏ nhặt như thế. Bà khuyên cha mẹ nên dành ra khoảng 15 phút mỗi ngày để giải quyết tình trạng bừa bãi này, nhưng chớ nên quá chú trọng đến nó vì có thể khiến trẻ mất hết hứng sáng tạo khi vui chơi.
Tác giả Cameron đề nghị cha mẹ trong những buổi ra ngoài du ngoạn với con, hãy để con chọn nơi muốn đến, ngoại trừ những tiệm bán thức ăn fast food như McDonalds hoặc các cửa hàng bán đồ chơi .
Ngày nghỉ hay cuối tuần, nếu cha mẹ có thói quen đưa con đến các thương xá thì sẽ tập cho trẻ quen với suy nghĩ cho những nơi đó là nơi để vui chơi lý tưởng. Thay vào đó, chúng ta nên đưa con ra công viên, đi thăm những nông trại dành cho trẻ em, viện bảo tàng, vv. để không những con có thể tiếp nhận kiến thức mới lạ mà còn được tiếp xúc với môi trường bên ngoài.
Tác giả Cameron nhận định, con trẻ ngày nay bị áp lực quá nhiều và quá sớm, từ việc học ở trường đến những giờ học thêm cuối tuần sau giờ học.
Một lịch trình học hành dày đặc như thế có thể giết mất những cơ hội sáng tạo nơi trẻ, khiến các em lúc nào cũng thấy tù túng và bị giới hạn.
*
Trong tác phẩm hướng dẫn cha mẹ tạo môi trường cho con phát triển những kỹ năng sáng tạo, bà Cameron đề nghị 3 điều căn bản mà bất cứ một ông cha bà mẹ nào cũng có thể dễ dàng thực hiện được.
Thứ nhất, tạo một khung cảnh an toàn cho trẻ có thể thoải mái chơi đùa, bày biện đồ chơi, mà không sợ bị cha mẹ la mắng, rồi sau đó dạy và cùng con dọn dẹp. Khi hướng dẫn và cùng con dọn dẹp, chúng ta không những dạy cho con biết tôn trọng bản thân mà còn biết tôn trọng người khác, tức không phải cứ chơi xong rồi để đó cho cha hoặc mẹ dọn dẹp.
Việc thứ nhì mà bà Cameron đề nghị cha mẹ nên làm là chúng ta nên chơi cùng với con, cũng như biết lúc nào nên để con tự khám phá và học hỏi, không can thiệp hay đòi hỏi con phải làm theo cách này hay cách nọ như ý mình là tốt nhất, nhanh nhất hay hợp lý nhất.
Người VN chúng ta luôn đặt việc học của con lên hàng đầu, thế nhưng óc sáng tạo của trẻ thì hầu như chưa được giới cha mẹ VN lưu tâm đúng mức?
Xin kể một câu chuyện nhỏ hầu quý vị để thấy quan niệm của một số đông cha mẹ người Việt chúng ta vẫn còn hạn hẹp và chưa thoát ra ngòai những suy truyền thống thường tình về việc học.
Có lần PC được nghe một người bạn Úc có chồng là người VN kể rằng, người em họ của chồng cô hỏi cháu gái, là con của cô, vừa tốt nghiệp lớp 12 rằng định chọn học ngành gì. Khi cô bạn Úc cho biết là cháu sẽ học Arts tức nghệ thuật, người em họ này nhăn mặt nói « ngành đó học ra để chết đói à ? ». Cô bạn Úc nói rằng, nghe người em họ của chồng mình bình phẩm như vậy xong, cô chẳng buồn giải thích, vì cô biết vừa mất thì giờ, vừa không thể nào làm người em họ chồng thay đổi dược cái nhìn của ông ta.
Không biết người đưa ra lời bình phẩm đó có biết về trường hợp của nhà văn Úc gốc Việt Nam Lê, người đã được cả thế giới biết đến sau khi đoạt giải văn chương Dylan Thomas (trị giá 60 000 bảng Anh) năm 2008 cho các tác phẩm viết bằng tiếng Anh với tập truyện ngắn The Boat (Con Thuyền). Trước đó, tổ chức National Book Foundation tại Hoa Kỳ đã tuyên dương Nam Lê là một trong số 5 nhà văn trẻ dưới 35 tuổi có nhiều triển vọng nhất thế giới. Ngoài nguyên tác tiếng Anh, tác phẩm The Boat đã được dịch sang nhiều thứ tiếng như Đức, Ý, Hoà Lan, Pháp, Phần Lan, Tây Ban Nha. Các nhà phê bình văn chương hàng đầu thế giới đã không tiếc lời khen ngợi tài năng hiếm thấy của Nam Lê.
Điều đáng nói ở đây, trong trường hợp Nam Lê, anh từng tốt nghiệp Trung học với điểm số gần như tuyệt đối, tốt nghiệp ngành Luật, làm việc tại một công ty Luật hàng đầu của Úc , nhưng một ngày , vì nhu cầu sáng tạo trong anh thôi thúc, Nam Lê đã làm cha mẹ, người thân và biết bao người ngạc nhiên khi tuyên bố bỏ nghề Luật sư đầy hứa hẹn, theo học ngành viết văn, Creative Writing …
*
Ước mong quan niệm cổ hủ đó sẽ giảm dần trong tương lai , nếu người lớn chúng ta có can đảm mở rộng vòng tay để học hỏi và thử những điều mới lạ thì chính chúng ta đang khuyến khích con mạo hiểm trong việc khám phá, phát triển và thí nghiệm sáng tạo. Như nhà tâm lý nổi tiếng của Đức Erich Fromm từng nói:
Creativity requires the courage to let go of certainties.
Tạm dịch
Đôi khi sự sáng tạo đòi hỏi lòng can đảm dám từ bỏ những điều thật chắc chắn để theo đuổi những điều vẫn còn mơ hồ.
*
@Phương Chi
@Phương Chi
cám ơn Hồn Việt
ReplyDelete