Tiến sĩ Lawrence E. Shapiro
Thường chúng ta hay nghe nhắc đến cụm từ chỉ số thông minh, tức Intelligence Quotient- viết tắt là IQ, chứ ít nghe nói đến Emotional Intelligence Quotient tức EQ. Thế nhưng càng ngày chỉ số EQ càng được nhắc tới nhiều hơn, không những chỉ trong lãnh vực giáo dục, mà còn trong nhiều lãnh vực khác.
Trong lĩnh vực nghiên cứu về chỉ số tình cảm, một nhà khoa bảng là Tiến sĩ Daniel Goleman có thể coi là người đi tiên phong. Quyển Emotional Intelligence của ông xuất bản năm 1995 đã gây nhiều tiếng vang đáng kể và là sách bán chạy nhất trong thập niên 90 và nằm trong danh sách New York Times Best Seller tgần 2 năm. Tiến sĩ Goleman từng có thời gian sống ở Ấn độ và Sri Lanka, do đó ý tưởng của ông về chỉ số tình cảm có thể nói đã được dựa trên nhiều lý thuyết về thiền của Phật giáo.
Người Việt thường nói’ cha mẹ sinh con trời sinh tính”, nhưng nói như thế không có nghĩa là chúng ta tự phó cho trời, cho diễn tiến tự nhiên mà không cố gắng uốn nắn tính tình trẻ để các em trở thành một công dân có ích, một người có đời sống tử tế sau này.
Như vậy chỉ số thông minh tình cảm là gì?
Theo tác giả Shapiro, thông minh tình cảm là giá trị tình cảm mỗi người trong chúng ta đã học hỏi được để dẫn đến thành công trên đường đời. Chỉ số thông minh tình cảm gồm có : sự thông cảm cho nỗi khó khăn cũng như cảm xúc của người khác, tính tự lập, khả năng thích nghi với môi trường thay đổi, sự bền chí, biết cách giải quyết vấn đề trong tất cả mọi quan hệ, lòng tử tế, tính tình vui vẻ, được mọi người yêu thích và cuối cùng là có lòng tự trọng cũng như biết tôn trọng người khác.
Thường khi biết một người nào đó vui hay buồn, chúng ta không cần đợi người đó hô to lên “ồ tôi vui quá” hay “ ôi, tôi buồn quá”, mà chỉ cần quan sát nét mặt của người đó là chúng ta có thể cảm nhận được mối cảm xúc vui buồn của người đối diện ngay.
Cùng lúc, khi trẻ giận dữ vì gặp điều gì đó, thay vì la hét bảo con nín, con im ngay, thì chúng ta có thể hướng dẫn, dạy con mỗi lần thấy bực bội, khó chịu chuyện gì, thì bắt đầu đếm từ 1 đến 10, hay đi rửa mặt bằng nước lạnh ngay. Đây là những phương pháp đang được một số nhà tâm lý áp dụng ở trường học với trẻ vị thành niên chưa học được cách tự kiểm soát cách thức bày tỏ cảm xúc của mình.
Người có chỉ số EQ cao nhìn chung có khả năng nhận thấy và diễn giải khá chính xác những biểu hiện cơ thể , cảm xúc và lời nói của người khác. Ví dụ một đưa trẻ có chỉ số tình cảm cao sẽ nhận biết được mối nguy đang rình rập khi thấy một người lạ đi trên đường có ý muốn tấn công mình. Em có thể quan sát nét mặt của người này, nghe tiếng chân bước, với sự bén nhạy, và đã được bố mẹ dặn dò trước, các em sẽ biết phải và nên làm gì trong trường hợp không an toàn.
Do đó, chúng ta có thể dạy cho con những thói quen tốt vì dù đã ở tuổi ngoài hai mươi, khả năng tiếp nhận của các em vẫn còn, nếu phương pháp dạy con của chúng ta đi đúng hướng.
Theo ông Shapiro, khi muốn sửa đổi tính tình của con mình hoặc dạy cho con những thói quen tốt mà chúng ta muốn các con hướng tới, thì điều đầu tiên cha mẹ phải làm là nhìn lại chính mình, xét lại những phản xạ tự nhiên của chúng ta trong đời sống hàng ngày.
Nghĩa là, phải chú ý xem cách chúng ta dạy dỗ con cái có khi nào mâu thuẫn với cách thức chính chúng ta cư xử với người chung quanh hay không?
Thí dụ như chúng ta dạy cho con đừng tham lam, đừng phí phạm thức ăn nhưng khi đến những nơi “all you can eat” thì chính chúng ta là người lấy một đĩa thức ăn thật đầy, rồi sau đó bỏ mứa không ăn hết. Có phải hành động đó đi ngược lại hoàn toàn với những gì chúng ta dạy con mình hay không?
Cũng theo tác giả Shapiro thì trẻ con hấp thụ giáo dục không phải qua lời nói mà qua hành động và cung cách cha mẹ cư xử với người khác.
Khi con còn nhỏ, chúng ta dạy con cách bày tỏ buồn vui không những chỉ qua lời nói mà cũng nên dạy cho trẻ biết cách thể hiện qua nét mặt .
Thí dụ chúng ta có thể nói với con rằng “Khi em xin ăn bánh với con, con chịu chia bánh cho em, con thấy em cười vui không kìa ”.
Việc dạy con trẻ nhận biết vui , buồn, hờn, giận và cách thể hiện những cảm xúc này sẽ giúp các em thành công trên đường đời về sau . Không những chỉ thành công không thôi, các em còn biết cách để bày tỏ cảm xúc nóng giận một cách hợp lý và có kiểm soát hơn.
Theo Phật giáo thì đó là quán niệm, khi giận, biết mình đang nóng giận, rồi biết lý do khiến mình nóng giận để tìm cách hạ ngọn lửa giận đó. Nếu trẻ không được chỉ bảo cách nhận thức được sự nóng giận của mình, thì các em cũng sẽ không kiểm soát được những hành vi của mình tiếp sau đó. Cảm xúc không phải là điều gì quá khó hiểu hay trừu trượng nhưng hiện hữu mỗi giây mỗi phút trong đời sống chúng ta.
Lawrence Shapiro cho rằng cha mẹ có thể dạy cho trẻ biết cách giảm căng thẳng khi gặp chuyện không vui qua hình thức tập thở và đếm tiếng thở của mình.
Khi tập trung vào hơi thở, dù mức độ tức giận có cao tới đâu cũng sẽ giảm bớt được một phần . Đồng thời, khi trẻ trải qua những kinh nghiệm không vui, gây mất thăng bằng trong cuộc sống hàng ngày, ví dụ như trong gia đình có người thân qua đời, cha mẹ có thể hướng dẫn cho các cháu nghĩ và nhớ về những kỷ niệm vui khi người thân còn sống, đồng thời khuyến khích các cháu vẽ hoặc viết ra những tâm tư tình cảm của mình, như một cách giảm bớt mức độ căng thẳng trong đầu óc.
Thế hệ trẻ ngày nay, em nào cũng biết dùng máy điện toán, ipad, iphone và có thể ngồi hàng giờ trước màn hình máy tính.
Có em có thể chơi game, mò mẫm sử dụng điện thoại iphone ngay cả trước khi biết nói thành câu, và khi cha mẹ để con mình tự do chơi games trên computer, thì chúng ta không thể đổ lỗi cho con tại sao lại chậm nói, hay không có khả năng giao tiếp với người ngoài.
Khi trẻ em hàng ngày được tự do giao tiếp với những nhân vật ảo trên máy điện toán, các em sẽ không có cơ hội tiếp xúc với xã hội bên ngoài, và do đó sẽ bị giới hạn về ngôn ngữ cũng như khả năng lắng nghe, đặt câu hỏi của trẻ sẽ dần dần bị mai một. Đến lúc đó, các em sẽ trở thành những người không thích giao tiếp với xã hội bên ngoài. Và lúc đó, việc trẻ trở nên trầm cảm hoặc lo lắng mỗi lần giao tiếp với người ngoài là chuyện không thể tránh khỏi. Trẻ em ngày nay thông minh hơn, trí tuệ phát triển nhanh hơn, nhưng tác giả Shapiro lại chỉ ra rằng, một điều khôi hài là qua các kết quả nghiên cứu, người ta thấy, trẻ càng thông mình thì khả năng giao tiếp càng thấp, tức chỉ số thông minh tình cảm lại không tích lũy được bao nhiêu.
Ông Shapiro dẫn chứng những thống kê về trẻ vị thành niên ở Hoa kỳ như sau:
Mỗi ngày ở Mỹ có:
-3 thanh niên chết vì bệnh liệt kháng HIV Aids trong khi có thêm 25 em mắc căn bệnh này.
- 6 trẻ em tự tử
-342 trẻ em bị bắt giữ vì phạm tội hành hung người khác
- 1,407 trẻ sơ sinh có mẹ vẫn còn trong tuổi vị thành niên
- 2,833 trẻ em bỏ học vĩnh viễn
- 135,00 học sinh mang súng tới trường học.
Và ông nhận định rằng, tình trạng xã hội, sự tuột dốc về đạo đức đã làm gia tăng tệ nạn xã hội ở Mỹ. Cũng theo Tiến sĩ Shapiro, thì khi trẻ em được dạy biết kiềm chế phản ứng theo bản năng, tập được những thói quen tốt như cảm thông nổi đau khổ của người khác, tự lập và biết cách giải quyết mọi vấn đề một mình , không ỷ lại, thì khi lớn lên, các em sẽ có khả năng tự vệ và kiểm soát cảm xúc cùng hành vi của mình tốt hơn.
Thực tế cho thấy những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình hạnh phúc sẽ phát triển được những tính tốt, có thái độ tích cực hơn trong suốt cuộc đời.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần tập cho trẻ thói quen biết chú ý quan tâm, chia sẻ với những người trong gia đình, bạn bè; giải thích cho các em hiểu sự liên quan giữa hành vi của trẻ với tâm tư tình cảm của những người xung quanh. Có như vậy, trẻ mới phát triển được sự thông cảm với người khác. Những thói quen tốt, dù rất nhỏ, sẽ giúp cho trẻ có được nhân cách đẹp và tâm hồn nhạy cảm.
Song song, lời khen là cách tỏ cho con biết con đã làm những việc tốt và cha mẹ rất hoan nghênh. Ví dụ như mỗi khi trẻ có những hành vi tích cực, cha mẹ cần khuyến khích và khen thưởng bằng lời nói và hành động. Chẳng hạn như nói với bé rằng: “Mỗi lần thấy con biết nhường nhịn em, mẹ vui lắm. Mà em cũng thương con hơn nữa”.
Đừng bao giờ cho rằng “nó còn con nít, đâu biết gì”.
Xin thưa, trẻ con rất nhạy cảm, chúng hiểu rõ ai thương hay ghét chúng mà không cần người đó nói nhiều.
Do đó, chúng ta đừng cho rằng con còn nhỏ không cần để ý làm gì, vì bỏ qua cơ hội để tập cho con những thói quen tốt, những tính tình tốt, thì sau này, nếu nhận ra rằng con mình đã có những thói hư tật xấu, lúc đó có muốn sửa e rằng đã quá trễ.
Cần tập cho trẻ biết quan sát cảm xúc của người xung quanh. Chẳng hạn cha mẹ có thể nói với con: "Hôm qua bà nội vui lắm, bà cười nhiều. Vì con biết nhường đồ chơi cho em đấy!" hoặc: "dì Ba đang giận đấy, cô cau mặt và không thèm bế con kìa, con biết tại sao không? Vì con nghịch làm vỡ lọ hoa của cô mà không xin lỗi. Cô giận, con có buồn không?".
Như vậy, bé không chỉ nhận biết cảm xúc của người khác mà còn hiểu nguồn gốc gây ra những cảm xúc đó, cũng như ảnh hưởng của cảm xúc đó cho người khác. Từ đó, trẻ sẽ biết điều chỉnh cảm xúc, hành vi của mình - một khả năng rất cần thiết để thành công trong cuộc sống.
Không nên đưa ra lời giáo huấn quá nhiều một lúc bởi trẻ sẽ không hiểu và khó nhớ. Khi còn nhỏ, nhận thức của trẻ bắt nguồn từ hành vi cụ thể, sau đó mới dần dần rút ra quy luật.
Thí dụ như nhìn thấy cha mẹ buồn, không nói chuyện, không niềm nở với mình như mọi ngày, trẻ biết ngay cha mẹ đang buồn mình. Cũng như khi con đã lớn một chút, có chuyện gì buồn, nếu con không muốn kể, chúng ta hãy cứ để cho con có thời gian im lặng, tự mày mò gỡ rối những tâm tư của em, rồi sau đó chúng ta mới tìm đến hỏi chuyện con. Khi thấy cha mẹ cư xử với mình như người lớn, thì phản ứng và hành động của em cũng sẽ trưởng thành hơn.
Còn nếu chúng ta bù lu bù loa la mắng thì con sẽ càng rối trí, rồi từ đó đi đến quyết định sai lầm lúc nào không biết.
*
Không có cách dạy con nào là hoàn toàn cả. Làm cha mẹ, chúng ta chỉ có thể cố gắng hết sức mình để trang bị cho con hành trang vững vàng để tự bước vào đời. Hành trang cần thiết không những chỉ là bằng cấp , mà còn là trí thông minh tình cảm.
Cha mẹ sinh con, trời có thể sinh tính, nhưng cha mẹ vẫn có thể góp phần vào việc sửa đổi những tính tình đó.
@Phương Chi
No comments:
Post a Comment