@pitch.com.au
Thiết nghĩ, hai câu này thật đúng với tâm trạng nhân loại trong thế kỷ 20 và 21.
Con người không bao giờ cảm thấy mình đã có đầy đủ mọi thứ và vì thế luôn luôn muốn có thêm đồ đạc vật dụng trong nhà, chính vì vậy mà lượng rác do con người thải ra ngày càng gia tăng.
Trong thế kỷ 20, điều làm cho con người lo âu nhiều nhất là những căn bệnh ung thư và dịch bệnh AIDS. Nhưng nay thì nhân loại có quyền hy vọng về một tương lai mới khi các tế bào ung thư và vi khuẩn gây bệnh AIDS sẽ không còn là mối đe doạ cho sự sống nữa.
Trong những năm gần đây, các khoa học gia đã tìm ra một loại thần dược sẵn có trong cơ thể con người – đó là các tế bào T cells. Mặc dù hiện nay chúng ta vẫn chưa có một phương pháp chắc chắn hay một phương thuốc mầu nhiệm nào để trị dứt ung thư và bệnh AIDS, nhưng, tìm ra cách để điều khiển các tế bào T cells để chữa bệnh cho con người sẽ là chuyện một sớm một chiều mà thôi.
Mối đe doạ to lớn nhất hiện nay, trong thế kỷ 21 cũng là một loại bệnh mà con người đang mắc phải nhưng không phải là những căn bệnh vừa kể. Căn bệnh mới này là hậu quả của sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia và của từng cá nhân. Căn bệnh này xuất phát từ sự ham muốn dư thừa của con người. Đó là bệnh xả rác.
Có bao giờ quý vị tự hỏi là rác trong nhà, sau khi được xe rác đem đi rồi sẽ đi về đâu hay không? Người ta sẽ làm gì với đống rác này? Và sau bao lâu thì rác từ nhà chúng ta mới tan biến hoàn toàn và trở thành cát bụi? Còn những loại rác không thể bị đào thải hoàn toàn như bao nylon thì sao? Làm cách nào để chúng ta tiêu huỷ hoàn toàn loại rác này?
@on the Net
Đa số rác trong nhà được đem đến các bãi rác hay hố chứa rác khổng lồ.
Trên thế giới có hai loại thiết kế bãi chứa rác. Chúng ta có thể tìm một khu đất trống để đổ rác và rác chồng chất lên nhau thành một ngọn đồi nhỏ hoặc, cách thứ hai là đổ rác vào một cái hố sâu như quặng mỏ bị bỏ hoang hay không được sử dụng nữa.
Tại tiểu bang Victoria của Úc đa số các bãi rác đều được lập từ những quặng mỏ đã không còn được dùng vào việc khai thác khoáng sản nữa.
Trước hết, đáy và tường thành chung quanh hố sâu này được tráng bằng một lớp đất sét dầy 1 thước. Lớp đất sét này sẽ được làm ẩm cho mềm rồi được nện chặt vào nhau lại thành một lớp đất rất cứng và không bị thấm nước.
Nước phải mất đến 25 năm mới có thể thấm xuyên qua lớp đất sét này để thấm vào lớp đất bên dưới và mạch nước ngầm.
Tuy nhiên để chắc ăn, bên trên lớp đất sét và chung quanh hố lại được phủ thêm một lớp nylon dầy khoảng 2 milimet. Nhờ thế, nước phải mất đến một ngàn năm mới có thể thấm xuyên qua lớp nylon này.
Bên trên lớp nylon là một lớp vải geotextile làm từ polyester để bảo vệ cho lớp nylon bên dưới không bị các vật nhọn bén bên trên đâm thủng hay làm rách.
Bên trên lớp vải geotextile là đá. Loại đá này tương tự như loại đá lót đường rầy xe lửa.
Lớp đá này giúp cho rác được khô ráo và nếu có nước thải hay rác bị chảy nước, nước sẽ chảy xuyên qua lớp đá xuống dưới và chảy vào 4 ống đựng nước thải lớn được đặt bên trong lớp đá này.
Và cuối cùng, lớp trên cùng là một lớp vải geotextile khác giúp lọc các chất bẩn và bụi cát trong nước thải để giữ cho lớp đá được sạch.
Mỗi một xe rác, trước khi vào đổ rác phải chạy ngang một chiếc cầu thiết kế để cân xem chiếc xe này sẽ đổ bao nhiêu rác vào bãi rác và từ đó, ban quản trị bãi rác sẽ tính tiền các Council hay hội đồng thành phố.
Cân xe rác @burdekin.qld.gov.au
Một phần của số tiền thuế quý vị phải đóng cho Council hàng năm (tức tiền rates) được dùng để trả cho chi phí nhân viên thu thu rác, đổ rác và trả tiền cho các bãi chứa rác.
Trong khi xe chở rác đang được cân, máy điện toán sẽ kiểm ra xem trong xe có chứa các loại rác không nên đổ vào bãi rác hay không
.
Như phương thức đã thành bắt buộc đương nhiên tại Úc hiện nay, mỗi nhà đều có ít nhất là 2 thùng đựng rác – một cho các vật phế thải có thể được tái chế (recyclable rubbish) ; thùng rác còn lại dùng để chứa các loại rác không thể recycle như thức ăn.
Tại một số khu vực khác ở Victoria, mỗi nhà có đến 3 thùng rác. Hai thùng để đựng những loại rác như vừa kể và một thùng đựng các loại rác từ cây cỏ và thực vật (green waste)
@on the net
Rác từ thức ăn, các loại bao nylon không có khả năng recyle hay quần áo cũ, vật dụng bằng gỗ, gạch đá, xi măng, v.v.. nói tóm lại, tất cả những vật dụng không thể tái chế đều có kết cục tại các bãi chứa rác.
Mỗi ngày, sau khi tất cả các xe đổ rác đã làm xong nhiệm vụ, lớp rác này sẽ được đè nén xuống và sau đó được phủ lên trên bằng một lớp đất sạch. Như thế rác sẽ không bị bay ra ngoài và cũng không bốc mùi hôi ra môi trường chung quanh.
Các hố chứa rác khổng lồ thường được chia thành từng ngăn một và mỗi ngăn có đáy dốc về một phía để nước thải có thể đổ về hướng các ống đựng nước thải.
Không ảnh bãi rác (landfill) ở Clayton, Victoria @jasmincolman.com.au
Cứ mỗi 2 năm rác sẽ lấp đầy 1 ngăn đựng rác. (Để hình dung ra lượng rác đổ vào các ngăn đựng rác này nhiều đến đâu, hãy tưởng tượng cứ mỗi hai ngày một hồ bơi có kích thước của một hồ bơi thế vận hội lại bị lấp đầy rác).
Vậy trong vòng bao lâu thì rác sẽ lấp đầy một bãi rác? Thông thường thì 700 ngàn mét khối rác sẽ lấp đầy 1 ngăn đựng rác với diện tích 3 hecta. Bãi rác Wollert có khoảng 50 ngăn đựng rác với diện tích này, do đó Wollert sẽ hoạt động trong thời gian khoảng 50 năm, tuỳ theo lượng rác đổ vào bãi Wollert nhiều hay ít.
*
Các loại rác hữu cơ sẽ bị phân huỷ nhờ việc gậm nhấm rác của các loại vi sinh. Đây là một trong những sinh vật lâu đời nhất trên hành tinh này và chỉ hiện hữu ở những môi trường hiếm khí (không có không khí).
Rác bị rữa sẽ tiết ra một lượng hơi nóng và khí methane và carbon dioxide. Sâu bên trong đống rác (ở các hố rác), nhiệt độ có thể lên đến 60 độ C. Khí methane và carbon dioxide sẽ thoát ra ngoài qua các kẽ hở của rác, của đất và bay lên không trung. Khí methane xuất phát từ rác nguy hiểm hơn cả khí carbon dioxide gấp 25 lần trong việc gây ra hiệu ứng nhà kiếng của trái đất.
Khí methane là một loại khí dễ cháy và vì thế bên cạnh các bãi rác thường có các nhà máy phát điện chạy bằng khí methane. Từ năm 2006 đến nay, bãi rác Wollert đã có nhà máy phát điện chạy bằng methane và có khả năng cung cấp điện cho khoảng 700 căn nhà chung quanh đó.
Trước khi có nhà máy phát điện sử dụng khí methane, khí methane thường được đốt theo định kỳ (trước khi thoát lên bầu khí quyển gây ra hiệu ứng nhà kiếng cũng như gây ra mùi hôi thối khó chịu).
*
Muốn lập một bãi chứa rác, công ty điều hành phải tuân thủ những điều kiện nghiêm nhặt của EPA (tức cơ quan bảo vệ môi sinh).
Để bảo vệ môi trường, tất cả các bãi chứa rác đều phải đạt tiêu chuẩn do EPA đặt ra và phải được EPA cấp giấy phép hoạt động.
Ban quản trị và điều hành các bãi rác hàng năm phải gửi báo cáo liên quan đến mọi hoạt động của bãi rác cho EPA kiểm tra.
Bên cạnh đó, chung quanh bãi rác cần phải có các hành lang (rộng ít nhất là 100 thước) để ngăn cách rác với thế giới bên ngoài.
Theo Sở Thống Kê Liên Bang Úc – tức Australian Bureau of Statistics/ABS- thì lượng rác do dân Úc thải ra tăng đều đều hàng năm. Thống kê cho thấy năm 2001 đã có tất cả 19 triệu tấn rác đổ vào các bãi rác. Đến năm 2007, con số này tăng lên trên 21 triệu 300 ngàn tấn rác.
Và thống kê cũng cho thấy là trên tổng số lượng rác thải ra trên toàn nước Úc trong vòng từ năm 2006 đến 2007 thì 48% –tức gần một nửa-đã đổ vào các bãi rác. Trong số này, 60% là rác từ tư gia, 44 % rác xuất phát từ các hãng xưởng và 42% từ ngành xây cất.
*
Thống kê Úc cũng cho thấy, lượng rác gia tăng song song với mức tăng trưởng kinh tế. Trong thời gian từ 2007 đến 2008 giới tiêu thụ Úc đã mua tới 31 triệu 700 ngàn món hàng điện tử (gồm tivi, computers và các sản phẩm phụ cho computers).
Với con số tivi và máy điện toán được tiêu thụ như vừa kể, con số máy tivi và điện toán bị đào thải vào cuối giai đoạn 2007-2008 này lên đến 16 triệu 800 ngàn là điều dễ hiểu. Tuy nhiên 84 phần trăm số máy móc này lại bị rơi vào các bãi rác.
@on the net
Vào cuối thập niên 90, hàng năm trung bình mỗi người dân Úc thải ra khoảng 1200 kilogram rác thôi, nhưng 10 năm sau đó, con số này tăng gần gấp đôi, lên đến 2100 kilogram rác mỗi người một năm.
Dân Úc là một trong số các dân tộc thải rác nhiều nhất trên thế giới. Với nền kinh tế thịnh vượng và sự ưa chuộng kỹ thuật hiện đại, người Úc là thuộc hàng những người đào thải các vật dụng điện tử nhiều nhất thế giới.
Vậy làm cách nào để chấm dứt hay ít ra giảm thiểu được tình trạng rác ngày càng gia tăng trên thế giới?
*
Bộ óc thông minh của con người là con dao hai lưỡi. Chúng ta quá thông minh nên có thể chế tạo ra vô vàn vật dụng tối tân, hiện đại, giúp con người tiết kiệm thời gian trong công việc và có thêm thời gian để hưởng thụ.
Và đa số mọi vật dụng hiện đại và thông minh đều nhằm mục đích giúp cho con người hưởng thụ nhiều hơn.
Vì mục đích hưởng thụ và kiếm lợi, hay nói đúng hơn vì con người vừa có lòng tham vô đáy lại vừa mau chán, ngày nay chúng ta có quá nhiều đồ vật nguy hiểm, và ngược lại, chúng ta cũng đã mua về quá nhiều thứ – quá nhiều thức ăn, đồ chơi, quần áo, tivi , tủ lạnh, bàn ghế, v.v... nhưng không tiêu thụ hết (hay bắt đầu thấy chán, muốn mua đồ mới) nên những vật dụng này trở thành rác thải.
Nếu con người không suy nghĩ lại, không thay đổi cách sinh hoạt và thói quen tiêu thụ thì chẳng mấy chốc, mỗi năm một người Úc sẽ thải ra ít nhất là 4 ngàn kilogram rác. Như thế, chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ phải bắt đầu xây dựng nhà cửa và thành phố ngay trên những bãi rác mình đã tạo ra.
*
Cách duy nhất để chúng ta thay đổi bộ mặt của trái đất là làm theo phương pháp theo tiếng Anh là Three R’s - Reduce, Reuse, Recycle.
@on the net
Reduce là giảm thiểu việc mua sắm, giảm thiểu đồ vật và thức ăn, từ đó lượng rác thải cũng sẽ giảm theo; Reuse là tiếp tục sử dụng hay đem những món đồ cũ ra dùng lại thay vì mua món mới – như thế lượng rác cũng sẽ ít đi;
Và cuối cùng là Recycle – tức tái chế những món đồ cũ thành vật dụng mới.
(Sau này nhiều nơi biến cải phương pháp Three R’s thành Four R’s: Reduce, Repair -sửa chữa những vật dụng bị hư hại thay vì vứt đi- Reuse và Recycle)
*
Bên cạnh đó, những thứ mà chúng ta không thể nào giữ lại được và bắt buộc phải trở thành rác, nên cố gắng tách ra thành các loại nào có thể đi vào lòng đất, loại nào có thể tái chế lại.
Những món đồ dùng điện tử như máy điện toán hay điện thoại di động, chúng ta không nên thải vào lòng đất vì những thứ này không thể tan biến mà ngược lại còn gây ô nhiễm nặng cho đất và nguồn nước. Chúng ta nên gửi những món đồ vật cũ này cho một số tổ chức chuyên nhận những loại hàng điện tử.
Những vật liệu có chứa hoá chất nguy hiểm như sơn, xăng dầu, v.v. nên đem đến các trạm đổ rác của Council tại địa phương để bỏ với cách thức có trách nhiệm và an toàn.
Những loại rác hữu cơ, dù có thể tiêu huỷ trong lòng đất, nhưng để giảm thiểu khí methane và carbon dioxide bay vào không khí, cũng nên đổ chúng vào những nơi chứa thức ăn thừa để biến thành phân bón giúp cho cây cỏ trong nhà tươi tốt (compost). Như thế vừa ít tạo ra rác vừa bảo vệ môi trường.
Về những loại rác không thể tiêu huỷ được trong tiến trình đào thải của các loại rác hữu cơ (như bao nylon) nên tránh dùng tối đa. Khi đi chợ nên đem theo các túi vải thay vì dùng bao nylon ở chợ.
Hiện nay có một số công ty (như Target) đã bắt đầu sử dụng các loại bao nylon có khả năng phân huỷ như vật liệu hữu cơ (gọi là biodegradable plastic).
*
Thế nhưng nói cho cùng, thì tri túc tiện túc – biết đủ là đủ . Như thế, nếu chúng ta cảm thấy mình đã có đầy đủ mọi thứ thì không việc gì phải mua sắm thêm nữa (ngoài những thứ thật cần thiết như thức ăn nhưng cũng không nên mua quá nhiều một lúc, ăn không hết lại đổ bỏ đi).
[Nếu muốn biết thêm chi tiết về cách giảm thiểu rác và tái chế -recycle- rác, có thể liên lạc với council tại địa phương của mình hay vào trang mạng Rethink Centre – Suy Nghĩ Lại – của chính phủ Victoria qua địa chỉ rethink.vic.gov.au]
© Trang Dung/ HVR
Đi shop đi chợ của người Việt mà xem : bao ni lông xài thả giàn, không hề có ý thức gì về việc cần phải bớt cái nào hay cái nấy - người mua cũng như người bán. Siêu thị Coles cũng mắc bệnh này nặng lắm (nói vậy là tại tôi it đi các siêu thị khác nên không biết rõ). Aldi có ý thức hơn về chuyện này.
ReplyDeleteNhà nào có làm thùng compost sẽ thấy giảm được hai phân ba lượng rác phải đổ mỗi tuần.
Nhiều khi nghĩ lại thấy ảnh người nghèo ở các nước nghèo
Nhiều khi thấy cảnh người nghèo ở các nươc nghèo sống bám vào bãi rác má đau lòng ; và trộm nghĩ họ góp phần cứu cho sức khoẻ quả đất này . Dân các nước giàu ân phung phí, xài phung phí, mua sấm phung phí , thừa mứa rồi thải ra ngập ngụa địa cầu. Trên đĩnh Hi Mã Lạp Sơn còn đầy rác nữa kìa.
ReplyDeleteBài nào của Trang Dung cũng rất giàu thông tin, cũng đặt vấn đề ý thức môi sinh. Tôi luôn luôn học được ít nhất một điều gì đó. Cám ơn người viết.
ReplyDelete