Đảo
Kangaroo, tức Kangaroo Island nằm cách thành phố Adelaide 112 cây số về hướng tây
nam.
Kangaroo Island là hòn đảo lớn thứ ba của Úc sau tiểu bang
Tasmania và Melville Island. Đảo Kangaroo có chiều dài 150 cây số, chiều
ngang hẹp nhất là 57 cây số và chiều ngang rộng nhất là 90 cây số.
Như thế diện tích của Kangaroo Island là 4 ngàn 405 cây số vuông. Điểm gần đất
liền nhất từ đảo Kangaroo là Snapper Point cách vịnh Fleurieu Peninsula
13 cây số rưỡi.
Vào khoảng 16 ngàn năm trước, nhiều bộ lạc thổ
dân đã từng sinh sống trên đảo này và mãi cho đến cách nay khoảng hai
ngàn năm thì hòn đảo này trở thành một nơi hoang vắng vì thổ dân đã
di tản hết vào trong đất liền.
Lý do là vì trước đây, con người vẫn thường qua
lại bằng đường bộ trên một dải đất thấp nối liền đảo Kangaroo với
tiểu bang Nam Úc ngày nay. Vào khoảng mười ngàn năm trước, sau khi thời
kỳ băng giá cuối cùng biến mất, nước biển dâng cao làm ngập dải đất
thấp này và cùng lúc tách rời đảo Kangaroo ra khỏi đất liền.
Những vật dụng làm bằng đá của các bộ lạc thổ
dân cổ xưa sống trên đất liền, được tìm thấy sau này, mang dấu vết
làm bằng đá trên đảo Kangaroo.
Khi nước biển dâng lên làm cho đảo Kangaroo bị cô
lập, thổ dân đã từng gọi hòn đảo này là Karta – tức Hải Đảo của
những kẻ chết.
*
Vào ngày 23 tháng 3 năm 1802, nhà thám hiểm người
Anh Matthew Flinders, lúc ấy đang là thuyền trưởng con tàu Investigator
của hải quân hoàng gia Anh, đảm nhiệm trọng trách khảo sát địa hình
và lập sơ đồ cho tất cả vùng duyên hải bao quanh nước Úc, đã phát giác
ra hòn đảo này.
Ông đặt tên cho vùng đất này là đảo Kangaroo khi
nhìn thấy vài chú kangaroo màu xám tại đây.
Theo sát sau tàu của thuyền trưởng Flinders là tàu
Le Geographe, của thuyền trưởng và cũng là nhà thám hiểm người Pháp,
Nicolas Baudin. Thuyền trưởng Baudin đặt chân lên đảo Kangaroo vào ngày 8
tháng 4 năm 1802.
Mặc dù Anh và Pháp lúc bấy giờ đang có chiến
tranh với nhau, nhưng hai con tàu Investigator và Le Geographe đã không
khai hoả mà cùng trao đổi tin tức và dữ kiện thâu thập được về các
cuộc thám hiểm của nhau. Sau đó, thuyền trưởng Flinders chỉ cho thuyền
trưởng Baudin đi về hướng một hòn
đảo lớn gần đó để lấy thêm lương thực và nước uống.
Vào mùa hè 1802 – 1803, tức từ khoảng tháng 12,
1802 cho đến tháng 2, 1803, Baudin
trở lại Kangaroo Island và đánh một vòng quanh đảo. Ông trở thành
người Âu châu đầu tiên du hành vòng quanh đảo Kangaroo. Thuyền trưởng Baudin cũng đã lập bản đồ cho phần
lớn các vùng duyên hải hiểm trở, đầy những ghềnh đá nhọn ở hướng
nam và tây của hòn đảo. Và vì thế mà rất nhiều địa danh ở miền nam
và miền tây của Kangaroo Island lại có tên Pháp như bãi biển Baudin,
Cape du Couedic và Cape Bougeur.
Thuyền trưởng Nicolas Baudin đặt tên cho hòn đảo
này là Ile Borda để tưởng nhớ đến một người Pháp nổi tiếng vừa là
thuỷ thủ, vừa là một nhà toán học, vật lý học và nhà khoa học
chính trị. Đó là Jean-Charles de Borda. (Xin nói thêm là trong lịch sử
Pháp đã có năm con tàu được mang tên Borda để vinh danh ông).
Mặc dù Nam Úc là tiểu bang duy nhất không có tù
nhân từ bên Anh gửi sang, Kangaroo Island lại là nơi ẩn náu của một số
tội phạm trốn ra từ đất liền. Đến năm 1836 con thuyền đầu tiên chở những người
định cư tự do mang tên Duke of York cặp bến Kangaroo Island. Và cũng từ
đó trở đi, Kangaroo Island chính thức trở thành một phần của tiểu bang Nam Úc.
*
Chỉ có hai cách duy nhất để đặt chân lên đảo này là hoặc bằng đường hàng không hay đường biển. Trong hai loại phương tiện di chuyển ra đảo– tức
máy bay hai động cơ hoặc phà – thì phương tiện chuyên chở được du
khách ưa chuộng nhất là chuyến phà mang tên Sealink vì cuộc hải trình từ đất
liền ra đảo bằng phà đầy tiện nghi và ngoạn mục.
Những người yêu
thích biển sẽ rất thích đi phà. Vào ngày đẹp trời, mặt biển trong xanh thật đẹp và trên trời
không một gợn mây, bầu trời xanh ngắt như tranh vẽ. Nếu may mắn hơn khách sẽ được nhìn
thấy những con cá heo nhào lộn trên biển ngay trước mũi phà khiến cả chuyến phà
xôn xao náo động hẳn lên khi cá heo xuất hiện.
Nếu du khách không có xe và sợ say sóng thì
tốt nhất nên ra đảo bằng đường hàng
không. Phi
cơ sẽ hạ cánh ở phi trường Kingscote, thuộc
thị trấn
Kingscote, là thị trấn lớn nhất và
cũng là
trung tâm thương mại của đảo cũng như nơi đặt trụ sở hành chánh của
Hội đồng thành phố Kangaroo Island. Giá mỗi chuyến bay từ Adelaide sang
đảo, dù chỉ có khoảng 112 cây số nhưng lại có thể đắt bằng từ
Adelaide đi Melbourne. Và khi đến Kingscote, du khách có thể mướn xe để đi lại trên đảo.
Nếu muốn đem xe nhà sang đảo (để có xe di chuyển) thì cách duy nhất là đi
bằng phà. Hãng phà Sealink có hai con
tàu, mỗi cuối ngày thì một chiếc đậu
ở đất liền và chiếc kia đậu ở bên đảo. Sáng
ra, chiếc phà bên đất liền sẽ khởi hành trước chiếc phà bên Kangaroo Island nửa giờ đồng hồ.
Trong những mùa ít du khách, Sealink có thể
cho trẻ em từ 3 đến 14 tuổi đi miễn phí nếu có ít nhất hai người
lớn đi cùng. Giá vé đi phà cho mỗi người lớn khá rẻ so với vé máy
bay – chỉ có 47 úc kim một chiều. Tuy nhiên giá vé cho mỗi một chiếc
xe nhà là 90 úc kim một chiều.
Nếu đi phà mà không mang theo xe, khách sẽ phải đi shuttle bus từ Adelaide đến Cape Jervis
rồi mới lên phà. Từ Adelaide đến Cape Jervis mất khoảng 2 tiếng đồng
hồ, tốn hết 26 Úc kim, và khi sang đến đảo khách sẽ không đi đâu được
cả vì trên đảo không có phương tiện di chuyển công cộng. Cách duy nhất
là phải mua thêm vé shuttle bus từ phà đến Kingscote và xuống đó mướn
xe.
[Có một điều mà du khách
đến Kangaroo Island phải để ý là nếu mướn xe ở Adelaide, cần xem kỹ các điều kiện mướn xe. Hầu như tất cả các hãng cho mướn xe đều có một
kiện là “người
mướn không được đem xe ra khỏi đất liền tức không được đem xe lên một
hòn đảo nào đó nếu hòn đảo này không được nối với đất liền bằng
một cây cầu”. Do đó, đem xe mướn sang Kangaroo Island bằng phà là vi phạm điều kiện
mướn xe. Dĩ nhiên chúng ta vẫn có thể đem xe (mướn) đi qua phà nhưng lỡ có chuyện gì xảy ra, xe bị hư hỏng hay phà bị chìm thì hãng bảo hiểm sẽ không trả tiền bồi thường cho công ty cho mướn xe và do đó, người phải chịu hoàn
toàn mọi chi phí chính là người ký tên trong giao kèo mướn xe.]
*
Trước khi đặt chân lên đảo, tất cả hành
khách trên chuyến phà Sealink này đã có cơ hội tìm hiểu thêm về hệ
sinh thái trên đảo Kangaroo và những khuyến cáo cần thiết nhằm bảo
đảm cho hệ sinh thái và môi trường thiên nhiên của Kangaroo Island được
duy trì trong tình trạng tinh khiết nhất.
Kangaroo Island là một địa điểm cắm trại
rất hấp dẫn và được rất nhiều người đến đây cắm trại. Trước khi đem
lều trại lên phà, du khách được khuyến khích rửa sạch vật dụng cắm
trại để tránh đem theo mầm mống cỏ dại lên
đảo làm huỷ hoại hệ sinh thái thực vật trên đảo.
Với diện tích khoảng 4 ngàn 4 trăm cây số vuông và
dân số 4 ngàn 6 trăm người, tính ra trung bình mỗi người sống trên một
mảnh đất với diện tích khoảng một ngàn cây số vuông, theo mật độ dân số
vừa kể, Kangaroo Island là một nơi dân cư vô cùng thưa thớt.
Chỉ có các con đường chính ở mỗi thị trấn,
những con đường ngay trước mặt nhà của người dân và các con đường
chính như xa lộ chạy xuyên qua hòn đảo là được tráng nhựa. Còn lại đều là đường đất.
Hội đồng địa phương không có tiền để tráng
nhựa tất cả mọi con đường trên đảo.
Những con đường xuyên đảo, từ thị trấn này đến
thị trấn khác thì chỉ có một lane mỗi chiều, tương tự như những con
đường đi đến các thị trấn vùng quê hay xuyên tiểu bang; không có lane qua mặt ... (và có lẽ
cũng không cần phải có lane qua mặt làm gì vì trên đoạn đường dài
hai tiếng đồng hồ vỏn vẹn chỉ có vài chiếc xe qua lại). Hơn nữa người dân ở đây không ai
trông có vẻ gì là vội vã cả.
Di chuyển từ thị trấn này đến thị trấn khác trên
Kangaroo Island là những cuộc hành trình khá đơn độc
trong một thời gian ngắn nhất là ba mươi phút.
Những ngôi nhà của người dân trên đảo Kangaroo trông
rất sơ sài như nhà tiền chế. Dĩ nhiên bên cạnh đó cũng có những ngôi
nhà bằng đá được cất từ lâu và những ngôi nhà lầu bằng gỗ, tuy nhiên tất
cả đều có vẻ đơn giản không cầu kỳ như những ngôi nhà trong đất
liền.
Hai bên đường, hoặc là những hàng cây khô cằn của vùng
đầm lầy nước mặn, hai là ... chẳng có gì cả.
Trung tâm thương mại là các cửa tiệm tạp hoá bán
những vật dụng cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó là
một vài tiệm ăn hay quán bia rượu, pharmacy, bưu điện, và trạm đổ
xăng.
Tại Kingscote thì còn có một vài cửa tiệm bán
quần áo, nữ trang và quà lưu niệm. Còn những nơi khác thì chỉ có
mỗi một tiệm tạp hoá vừa bán các vật dụng căn bản và vừa bán
xăng.
Người dân trên đảo Kangaroo rất hiền hoà chất phác
– khác xa những người Âu châu
đầu tiên đặt chân đến đảo này.
*
Những du khách vốn quen sống với tiện nghi
vật chất thì khi đặt
chân đến Kangaroo Island đều than rằng nơi đây thật hết sức nghèo nàn
và thật là chán vì chẳng có gì để làm cả. Có tiền muốn đi shopping, mua sắm hay đi xem chiếu bóng cũng không có
chỗ mà tiêu xài, trong khi đó
thức ăn và xăng lại đắt vô cùng.
Khách có thể
tự hỏi tại sao người dân ở đây và chính quyền địa phương lại có
sự lựa chọn như thế?
Phải chăng chính
quyền địa phương trên đảo Kangaroo tham nhũng (?) nên không còn tiền để tráng nhựa đường đi
nữa? Nếu đây là một tỉnh thành ở Việt Nam thì có lẽ giả thuyết này đúng nhất và
hợp thời nhất.
Có phải người dân sống trên đảo toàn là những
người nghèo nên không có tiền mua sắm, do đó không có cửa tiệm hàng quán nhiều?
Nếu đây là một khu vực ở Việt Nam thì giả thuyết này cũng đúng luôn.
Nhưng, nếu bảo rằng Kangaroo Island là một nơi
nghèo nàn thì lầm to.
Kangaroo island là một nơi rất giàu có và có
những thứ quý giá mà có tiền cũng không mua được.
*
Gần một nửa hòn đảo này vẫn còn trong tình
trạng nguyên thuỷ, các khu rừng chưa bị con người đụng đến. Một phần tư
của khu vực hoang dã này được bảo vệ trong các lâm viên quốc gia (national park) và lâm viên hoang dã (wild park) như Flinders
Chase National Park, Seal Bay Conservation Park, Cape Bougeur Wilderness
Protection Area.
Trên đảo Kangaroo có những tảng đá được nước
và gió xoáy mòn
thành những hình dạng vô cùng ngoạn mục.
Nằm phơi nắng trên những bãi đá bên dưới chân núi dọc bờ biển
là hàng trăm chú hải cẩu.
Cũng chính vì tình trạng cô lập giữa biển của
Kangaroo Island mà các loại thú chuyên phá hoại môi trường như thỏ và cáo đã biến mất trên
đảo. Hai loại thú này cũng không được phép đặt chân lên đảo. Nếu ai bị bắt gặp
đem chúng sang đảo sẽ
bị phạt tiền rất nặng.
Trên đảo Kangaroo cũng hầu như không có mèo hoang.
Tất cả những con mèo nuôi trong nhà đều bắt buộc phải gắn microchip.
Những cư dân lâu đời nhất trên đảo và cũng là
những cư dân được bảo vệ là các chú Kangaroo, những con kỳ đà sống
trên cát – tức Rosenberg’s Sand Goanna, những con chuột hoang màu nâu đặc
thù của Úc – Southern Brown Bandicoot, Tammar Wallaby, những con possum
đuôi sù – brushtail
possum, nhím mũi ngắn, hải cẩu có lông của Tân Tây Lan cùng với sáu
loại ếch và dơi. Khi lái xe trên đường đi ngang những khu rừng hai bên
đường, lâu lâu du khách
lại gặp một
chú nhím chầm chậm
băng qua đường.
Bên cạnh đó là một số loại kangaroo, possum và
koala khác được đem từ đất liền lên đảo và vì môi trường sinh thái
rất thích hợp và lại được bảo vệ nên chúng đã sinh sản rất nhanh.
Nhanh đến nỗi loại cây gum manna là loại koala thường ăn đã gần bị
tuyệt chủng.
Trên đảo còn có vô số giống chim rất đẹp. khi đi
dạo trong các công viên quốc gia, du khách tha hồ ngắm chim chóc nhảy nhót tự nhiên
chung quanh mình.
Ở hướng bắc của đảo, người ta còn tìm được các
sinh vật hoá thạch đến 500 triệu năm như tại Emu Bay Shale.
*
Nền kinh tế của Kangaroo Island sống nhờ vào chăn
nuôi, nông nghiệp và ngư nghiệp.
Kangaroo Island là nơi cung cấp một phần lớn thịt bò và trừu, cộng
với lông trừu cho tiểu
bang Nam Úc. Trên mỗi chuyến phà Sealink đều có hai chiếc xe tải chở
trừu. Chuyến đi tới đảo là các xe trống và khi trở lại đất liền
thì chất đầy trừu trên đó.
Gần đây, Kangaroo Island còn trồng thêm khoai tây và hạt canola.
Đảo Kangaroo
cũng là nơi
sản xuất rượu nho và mật ong rất nổi tiếng. Trên đảo có tất cả 26
hầm rượu.
Khi lên đảo, du khách được yêu cầu tránh không đem theo mật ong
hoặc ong từ đất liền vì ong và mật ong từ đất liền có thể đem theo những loại côn
trùng nguy hiểm huỷ hoại kỹ nghệ làm mật ong trên đảo. Mật ong của
Kangaroo Island do ong mật Liguria tạo ra. (Liguria là tên một thị trấn
ven biển nằm ở hướng tây bắc của Ý đại lợi, giáp ranh với Pháp).
Hào (oyster) và tôm hùm (lobster) sống dưới các ghềnh đá của
Kangaroo Island là hai loại hải sản nổi tiếng ngon và được cả nước Úc ưa chuộng.
Và kỹ nghệ cuối cùng của đảo Kangaroo cũng đang phát
triển không ngừng là kỹ nghệ du lịch. Hàng năm có khoảng 180 ngàn
người đến đảo viếng cảnh.
*
Với dân số ít ỏi và thưa thớt, cộng với lối
sống đơn giản và gần gũi thiên nhiên của người dân, môi trường thiên
nhiên của Kangaroo
Island không bị con người dẫm nát. Thú vui của người dân
ở đây là tắm biển và câu cá thay vì đi xem cine và shopping.
Nếu ai đã từng đến đảo Kangaroo thì đều thấy ngay những
bãi biển tuyệt đẹp, chỉ cần một ngôi nhà nhỏ nhìn ra biển là đủ thấy hạnh
phúc.
Với quyết định chỉ tráng nhựa những con đường
chính hoặc thật cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày, đảo Kangaroo ít bị
ô nhiễm, không bị tiến trình kỹ nghệ hoá của con người làm hư hại
môi trường thiên nhiên.
Trở lại với câu hỏi là tại sao chính phủ không
xây một câu cầu nối liền đảo Kangaroo với Nam Úc? Nhiều người cho rằng, phí
tổn di chuyển hàng hoá từ đảo lên đất liền hiện nay khá tốn kém và
không tiện lợi. Bao nhiêu là kỹ nghệ trên đảo đều phải dựa vào các
chiếc phà, những
ngày mưa gió lớn và thời tiết xấu thì hàng hoá coi như bị ứ đọng,
không đi đâu được cả.
Do đó khi mua vé phà sang Kangaroo Island, nếu đi
trong những mùa thường có thời tiết xấu gây biển động thì du khách nên mua bảo
hiểm du lịch vì phà có thể không chạy và nếu bị hủy vì thời tiết xấu thì tiền vé sẽ
không được bồi hoàn. (Bên cạnh đó,
kế hoạch du lịch sẽ bị lỡ dở, du khách còn bị mất tiền
đã book khách sạn và các chuyến đi tour nếu không có bảo hiểm du
lịch). Nếu
có bảo hiểm du lịch thì sẽ được bồi thường hết tất cả những chi phí này, trừ thứ duy nhất không
thể bảo hiểm và lấy
lại được là
thời gian.
*
Những người tranh đấu bảo vệ cho môi trường thiên
nhiên của Kangaroo Island thì cho rằng không có một chiếc cầu nối liền
Nam Úc và đảo là điều vô cùng thuận lợi cho môi trường thiên nhiên.
Nhờ sự tách
biệt này mà đảo Kangaroo
không bị sự xâm nhập của côn trùng, cỏ dại, và quan trọng nhất là
sự xâm lấn và dày xéo đất đai của con người, kẻ thù nguy hiểm nhất
của thiên nhiên.
Thiếu điều kiện qua lại dễ dàng, con người sẽ
ngại không muốn sống trên đảo, nhờ vậy mật độ dân số trên đảo được bảo đảm duy trì ở mức
thấp nhất và do đó bảo vệ được môi trường thiên nhiên tại đây.
*
Đảo
Kangaroo là một trong những môi trường sinh thái hoang dã lành mạnh
nhất thế giới vì những công dân yêu thích thiên nhiên và hết lòng bảo
vệ thiên nhiên sinh sống tại đây.
Điều đáng
nói nhất là trong suốt hành trình từ đầu đến đuôi Kangaroo Island, người viết không hề nhìn
thấy một cọng rác nào cả. (Không như cuộc hành trình bằng xe lửa từ Đà
Nẵng vào Saigon, trên xe đầy rác và khi nhìn thấy nhân viên hoả xa đi
dọn rác thì chưa kịp mừng thầm rằng Việt Nam nay đã khá
hơn một chút, niềm
vui chưa kịp nở thành nụ cười thì chứng kiến tận mắt nhân viên hoả xa này mở cửa
sổ xe lửa và vứt bọc rác ra ngoài!).
Nếu con người ở khắp nơi biết sống đơn giản và
gần gũi với thiên nhiên hơn thì trái đất này sẽ tồn tại thêm một
thời gian dài hơn.
Đối với đất nước Việt nam chúng ta, người viết không dám cầu mong điều lớn lao là thiên nhiên
được bảo vệ mà chỉ ước mong sao khi đối xử với nhau, người dân trong
nước có được một phần nhỏ tấm lòng thương mến và bảo vệ nhau như
người dân sống trên Đại Thử Đảo đối với thiên nhiên.
@Trang Dung
No comments:
Post a Comment