Wednesday, March 5, 2014

WORLD CUP 2014 - Kỳ 1 - Khôi Nguyên


@fifa.com

 Ba Tây Luận Cước, Thiên Hạ Náo
World Cup So Chân, Quần Hùng Tranh

Theo đúng chu kỳ bốn năm một lần, năm nay giải đấu Vô Địch Túc Cầu Thế Giới sẽ diễn ra tại quốc gia Ba Tây với lịch trình khởi tranh từ ngày 12/6/2014 và kéo dài suốt một tháng tranh tài trên các sân cỏ của 12 thành phố: Belo Horizonte, Brasília, Cuiabá, Curitiba, Fortaleza, Manaus, Natal, Porto Alegre, Recife, Rio de Janeiro, Salvador và São Paulo. So với các bộ môn khác, túc cầu luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong lòng giới ái mộ thể thao nên danh xưng vắn tắt “World Cup” nghiễm nhiên đã trở thành cách gọi chỉ dành riêng cho giải vô địch thế giới mà không cần phải thêm vào hai chữ “Túc Cầu”.

Ngoài ý nghĩa đánh dấu con số tròn trịa lần thứ 20 sau khi World Cup đầu tiên tổ chức tại Uruguay vào năm 1930, Wolrd Cup 2014 kỳ này được giới bình luận đánh giá là một trong những giải đấu hấp dẫn hấp dẫn nhất với những dự đoán về thế tương tranh khốc liệt giữa các đội bóng hùng mạnh và thế lực của những đội cầu thuộc đẳng cấp khá, kèm theo nhiều diễn tiến khó lường. 

Điển hình, ngoài đương kim vô địch thế giới là Thiết Ngưu Đại Huynh Tây Ban Nha, chiến trường “Ba Tây Luận Cước” còn quy tụ đầy đủ nhóm “Ngũ Bá Châu Âu” với Hòa Lan, Anh, Pháp, Đức, Ý, trong khi Bỉ Quốc đang vững vàng trên đường hồi phục phong độ thuở nào từng khét tiếng với biệt danh “Quỷ Đỏ”. Kế đến, hai tên tuổi ngang tầm với võ công chiêu thế tương khắc lẫn nhau là Bồ Đào Nha, Cộng Hòa Nga chính là những đợt sóng ngầm với nhiều khả năng tạo thành cục diện bất ngờ. Còn lại Thụy Sĩ và “tân binh” Bosnia & Herzegovina tuy chỉ thuộc đẳng cấp tầm trung nhưng vẫn lôi cuốn sự chú mục từ dư luận do những thành tích khả quan gần đây. Riêng thực lực của đội Croatia dù không thể so sánh với thế hệ của các bậc đàn anh thời hoàng kim từng đứng hạng Ba giải World Cup 1998 như Boban, Suker, nhưng với đội hình trẻ đầy thể lực và sở trường lối đá phản công chớp nhoáng nên những cánh áo ca rô đỏ- xanh-trắng cũng được coi là một ẩn số thú vị. 

Kế đến, thế lực Châu Á càng nhiều phần lý thú hơn khi nhóm “Tứ Hổ” hàng đầu khu vực này đều đoạt vé đến Ba Tây gồm Úc, Nhật Bản, Đại Hàn và Iran, đã cho thấy được viễn ảnh rõ nét về thế tương tranh sôi động, hào hứng vì trình độ nhồi bóng của nhóm “Tứ Hổ Châu Á” hiện nay đã không còn chênh lệch quá xa so với các đội mạnh thế giới. 

Trong khi đó, lục địa đen vẫn thấp thoáng bóng dáng kiêu hùng của ba khuôn mặt lợi hại khó lường là Hắc Quái Thần Điêu Nigéria, Voi Rừng Bờ Biển Ngà và Hùng Sư Quan Ngoại Cameroon. Nhớ lại năm xưa, khi bầy sư tử Cameroon từ vùng rừng núi hoang dã Phi Châu ào ạt kéo về dẫm nát sân cỏ Ý tại giải đấu 1990, tạo thành một “đợt sóng đen” hung hãn, đưa họ tiến thẳng vào vòng tứ kết, và nếu không ngã gục trước Anh Quốc trong một trận chiến căng thẳng với tỷ số 2-3, có lẽ tuyệt chiêu “Sư Tử Hống” của Cameroon sẽ còn khiến nhiều đối thủ sừng sỏ khác phải cười đau, khóc hận. Từ đó đến nay, trường phái túc cầu Châu Phi được nhìn nhận là một thế lực đối trọng với quần hùng thế giới, tạo hiệu quả có đến 5 đội thuộc khu vực này được tham dự World Cup. 


Tiếp theo, vùng Trung Nam Mỹ với Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ đã trở thành những tên tuổi quen thuộc trên sân cỏ World Cup. Tuy cả hai đội Mỹ-Mễ đều sở hữu không nhiều chân sút mang tầm vóc nổi bật làng cầu quốc tế nhưng bù lại, họ có lối chơi toàn đội gắn bó qua chiến thuật chọi thẳng, không ngại va chạm trước bất cứ đối thủ nào. Nhất là Hoa Kỳ hiện đang được cựu tiền đạo khét tiếng người Đức Klinsmann dìu dắt với chiến pháp thực dụng theo chiều hướng trẻ trung hóa đội hình nên chắc chắn họ sẽ trở thành một trở lực đáng quan ngại cho các đội bóng Âu Mỹ. Còn lại, thực lực của Honduras và Costa Rica chỉ thuộc hàng thứ yếu nên có thể nói đây là hai đội tuyển chưa đủ chiến lực để tranh bá.

Đương nhiên, không thể không đề cập đến yếu tố “địa lợi” của các đội bóng vùng đất Nam Mỹ khi Wolrd Cup 2014 được tổ chức tại Ba Tây. 

Điều này căn cứ vào lịch sử các giải đấu trong quá khứ, cho thấy qua 4 lần World Cup tổ chức tại Nam Mỹ vào những năm 1930, 1950, 1962 và 1978, các đội bóng của khu vực này gồm Uruguay, Ba Tây và Á Căn Đình đã thay phiên nhau đoạt cúp vô địch. Mặt khác, qua 10 giải World Cup từng diễn ra ở Châu Âu cũng có đến 9 lần các đội bóng phương Tây lên ngôi bá tể thiên hạ. Ngoại trừ một lần hiếm hoi là tại giải năm 1958 diễn ra ở Thụy Điển, đội bóng Ba Tây mới có thể tạo được tiền lệ khác biệt nhờ vào phong độ quá xuất sắc của vua tung lưới Pelé (tên thật là Edson Arantes do Nascimento).



Pelé@wikipedia.org

Do đó, nếu dựa theo “truyền thống lịch sử” của World Cup với định luật “vùng nào vua nấy” thì lần này các đội bóng Nam Mỹ sẽ có nhiều cơ hội đoạt cúp hơn thế lực quần hùng Tây Phương, đặc biệt là đội chủ nhà Ba Tây. Ngoài ra, còn có Á Căn Đình từng 3 lần chế ngự thế giới, cộng thêm Uruguay đã 2 lần đăng quang ngôi vị Cầu Vương và Colombia cùng Ecuador nổi danh với lối chơi phòng thủ nghiêm mật, biến đổi chiến thuật rất tinh quái. Trên lý thuyết, so với Ba Tây và Á Căn Đình vốn luôn là hai ứng viên vô địch hạng nặng, tuy Uruguay không được sánh ngang tầm đẳng cấp nhưng thực tế họ cũng có nhiều nhân tài có thể xoay chuyển cục diện bất ngờ như chân làm bàn sắc bén Luis Suarez hoặc “khẩu đại bác di động” Edison Cavani chuyên về những cú “trường cước xuyên rào cản”.

Tóm lại, để đi đến cách nhìn cụ thể hơn về cục diện tương tranh World Cup 2014, có lẽ cần phải bước vào sân cỏ của 8  bảng đấu nhằm tìm hiểu chiến lực của các đội bóng tham chiến lần này.


@fifa.com

Bảng A:  Ba Tây, Croatia, Mễ Tây Cơ, Cameroon



Nhất Hùng Tam Kiệt tranh quyết liệt
Cầu Vương Ưu Thế Nước Đăng Cai

BA TÂY


Vốn được mệnh danh “Cầu Vương” với thành tích là đội bóng duy nhất 5 lần đoạt cúp thế giới, Ba Tây luôn là một ứng viên sáng giá cho ngôi vô địch nhờ vào nền tảng xây dựng đội hình vững chắc với các thế hệ tuyển thủ thân mang tuyệt nghệ kỹ thuật cá nhân gần hoàn hảo, được nối tiếp một cách lâu dài và đều đặn từ sau thập niên 1950, tức thời kỳ lần đầu tiên họ mang về nước chiếc cúp “Nữ Thần Vàng”  Jules Rimet Trophy. 

Trước đó, chiếc cúp vàng này có tên là “Victory” hoặc còn được gọi tắt là “Wolrd Cup” hay “Coupe du Monde” theo tiếng Pháp, nhưng từ năm 1946 đã đổi tên thành Jules Rimet với ý nghĩa tôn vinh tên họ của vị chủ tịch Liên Đoàn Túc Cầu Quốc Tế FIFA đương thời khi ông đạt thành công trong cuộc bỏ phiếu năm 1929 để tổ chức giải World Cup. Sau khi Ba Tây đoạt ngôi vương lần thứ ba vào năm 1970, theo điều lệ họ được giữ luôn chiếc cúp tạc hình nữ thần chiến thắng Nike của thần thoại Hy Lạp mang tên Jules Rimet này, nên chiếc cúp sử dụng hiện nay được gọi là FIFA World Cup nhưng với hình thức luân lưu và không đội bóng nào được trao tặng vĩnh viễn bất kể số lần tạo thành tích vô địch.

Ngoài thực lực luôn duy trì được vị thế hùng mạnh, Ba Tây còn chinh phục giới ái mộ qua lối đá chuyền bóng hoa mỹ, ngắn gọn, nhanh nhẹn và luôn mang tính cách mạo hiểm nơi các pha đột phá cấm địa theo thế “truy tìm kẽ hở nơi tử lộ” nên thường tạo nhiều pha bóng đột biến rất khởi sắc, đa dạng. 

Tuy vậy, gần đây lối đá này đã không còn được HLV đương nhiệm Luiz Felipe Scolari ứng dụng, thay vào đó là chiến thuật kết hợp cả các đường chuyền bóng dài và bổng để tấn công chớp nhoáng, khá tương cận với trường phái phản công trực diện “counter attack” của Đông Âu. Điều này phản ảnh triết lý chiến pháp của ông Scolari là nhắm vào mục tiêu đạt hiệu quả làm bàn hơn là tiếp nối truyền thống lối chơi đan bóng ngoạn mục, từng bước lấn sân, bao vây khu cấm.

Qua thành tích vô địch giải đấu liên lục địa “Confederations Cup” lần thứ Tư diễn ra trên sân nhà vào tháng 6/2013 kèm theo chiến thắng đè bẹp đương kim vô địch thế giới Tây Ban Nha 3-0, đã chứng tỏ phương pháp tổng hợp chiến thuật của ông Scolari rất phù hợp với tính cách cơ động nơi dàn cầu thủ trẻ trong đội tuyển quốc gia hiện nay. 

Tuy không thể phủ nhận Ba Tây có lợi thế sân nhà, nhưng nếu xét về cục diện áp đảo gần như toàn diện và khống chế các tuyến đường tiếp vận huyết mạch của cường địch Tây Ban Nha trong trận chung kết ngày 30/6/2013, có thể nhận định rằng đội hình Ba Tây hiện nay là một tập hợp rất đều đặn và sắc sảo cả hai mặt công thủ.

Ra quân lần này, đội hình Ba Tây được xây dựng trên nền tảng của lớp cầu thủ có số tuổi trung bình là 24 và tất cả danh thủ của họ đều đang chơi cho các câu lạc bộ nước ngoài, với thủ môn xuất sắc Julio Cesar cùng hai hậu vệ trụ cột là Dani Alves trấn giữ cánh phải và trung vệ Thiago Silva kiêm vai trò thủ quân, vốn là hai tuyển thủ thường tích cực dâng cao để phối hợp cho thế công rất lợi hại. 

Bên cạnh đó, hàng thủ còn có sự góp mặt của các “khối bê tông” David Luiz, Marcelo, Dante đều là những danh thủ trong đội hình chính của những đội bóng chuyên nghiệp danh môn trời Âu như Chelsea, Real Madrid và Bayern Munich. Trong khi đó, nơi trục xương sống là tuyến tiếp ứng chiến lược quan trọng, nổi bật nhất là tiền vệ tấn công Oscar được ví như một “hỏa tiễn tàng hình” luôn ẩn hiện trước vạch cấm đối phương để tung ra những cú sút sấm sét xuyên thủng hàng rào phòng ngự, cộng thêm Ramires, Paulinho, Fernandinho, tạo thành những trục nối bóng mạch lạc. 

Kế đến, hàng tiền đạo do cặp “Thần Long Song Sát” khét tiếng thế giới hiện nay đảm nhiệm là Neymar cùng Hulk đã chứng tỏ mức độ công phá sắc bén và góp phần đưa đội nhà đoạt cúp vô địch giải Confederations vừa qua.

So với ba đối thủ cùng bảng A gồm Croatia, Mễ Tây Cơ và Cameroon vốn chưa phải là những thế lực quá lớn để có thể ngăn chận được bước tiến của Ba Tây. Hơn nữa, họ còn có ưu thế nhất định là quen thuộc địa hình, thời tiết và được sự ủng hộ cuồng nhiệt của khán  giả sân nhà. Đối với một quốc gia mà Túc Cầu được coi như “Quốc Đạo” cũng như đạt đến trình độ cao thủ bậc nhất như Ba Tây thì việc đội tuyển áo vàng quần xanh bị ngã quỵ nơi vòng 1 là điều hầu như rất ít có khả năng xảy ra, ngoại trừ những đột biến dồn dập bất ngờ. 

Nhưng nếu xét về lợi thế sân nhà cũng luôn trở thành những áp lực tâm lý nặng nề ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của tuyển thủ thì Ba Tây cũng không tránh khỏi quy luật bất biến của World Cup “Tại vũ đài thế giới, tất cả những thử thách và mức độ khó khăn đều phân chia đồng đều cho các đội tham chiến”.

Có lẽ đã nhận thức quá rõ điều này nên HLV Scolari vào cuối tháng 2/2014 vừa qua đã tuyên bố: “Nếu đội tuyển Ba Tây không đạt thành tích cao ở World Cup 2014, tôi sẽ xin tị nạn chính trị tại Kuwait. Chúng tôi tôn trọng tất cả các đối thủ nhưng Ba Tây cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để đoạt chức vô địch World Cup 2014”. 

Tuy đây chỉ là một câu nói đùa, nhưng dư luận đều hiểu rằng qua đó ông Scolari muốn nhấn mạnh đến thông điệp mà đội Ba Tây gửi đến các đối thủ là họ đã quyết tâm đoạt cúp lần này. Còn tại sao ông Scolari lại chọn Kuwait làm nơi tị nạn thì ngoài vô số các câu lạc bộ Tây Phương, Nam Mỹ và Trung Đông, ông cũng từng giữ chức vụ HLV cho đội tuyển xứ dầu hỏa này trong thời gian 1990-1991.

Tóm lại, với lợi thế sân nhà cùng binh lực hùng hậu và được coi như đã nắm giữ chiếc vé tiến vào vòng 2, nhưng chắc chắn Ba Tây cũng sẽ tổn hao nội lực không ít khi cả ba đối thủ của họ ở bảng A đều là những đội bóng không dễ dàng vượt qua. Vì vậy, có thể nói bảng A cũng được xem là một bảng đấu “tử thần” theo ý nghĩa khác với cách nhìn thông thường vốn chỉ căn cứ vào vị trí  trên bảng xếp hạng để phân chia các đội hạt giống của FIFA. Ngoài ra, trên lý thuyết nếu Ba Tây là đội gần như chắc chắn vượt quan ải vòng 1 thì cơ hội dành còn lại sẽ chia đều cho Croatia, Mễ Tây Cơ và Cameroon nên cục diện tương tranh tại bảng A giữa 3 đối thủ này lại càng gia tăng mức độ ác liệt, khó lường hơn.


Brazillian Cheers squad @On the Net


CROATIA


Sau khi tách rời khỏi cựu Liên Bang Nam Tư từ năm 1990, dòng lịch sử lập quốc của Croatia đã bước sang trang mới cùng với lịch sử phát triển nền túc cầu non trẻ  với thành tích gây chấn động thế giới: đứng hạng Ba World Cup 1998. Nếu tính luôn World Cup 2014 lần này, Croatia tuy đã 4 lần ghi tên mình tại đấu trường thế giới, nhưng qua hai lần tham dự vũ đài Nhật Bản-Đại Hàn 2002 và Đức Quốc 2006, đội bóng duy nhất có nền áo in hình ca rô lại sớm cuốn gói về nước ngay tại vòng đấu thử thách đầu tiên. 

Do đó, có thể nhận định rằng gian đoạn cuối thập niên 1990 chính là thời kỳ hoàng kim rực rỡ nhất của đội tuyển Croatia vốn quy tụ toàn những chân sút tài năng như Zvonimir Boban, Robert Prosinecki, Davor Suker, Robert Jarni, Igor Stimac. Lớp tuyển thủ này từng cống hiến công sức giúp cựu Nam Tư giành chức vô địch giải vô địch độ tuyển trẻ thế giới năm 1987. Và 11 năm sau đó, họ trở thành những khuôn mặt nòng cốt đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Croatia lần đầu tiên tham dự World Cup 1998 tại Pháp cũng như tiến sâu vào vòng bán kết. Nhưng cuối cùng, họ đã để thua đội chủ nhà Pháp qua tỷ số khít khao 1-2 trong nhiều nỗi luyến tiếc của giới ái mộ. 

Điều đáng kể là trên con đường gây dựng tiếng tăm tại Pháp vào năm 1998, Croatia đã tạo chiến thắng lịch sử 3-0 trước đội tuyển “Thiết Giáp Kỵ Binh” Đức Quốc ở vòng tứ kết. Sau đó, trong trận tranh hạng Ba, dưới sự dìu dắt của HLV Miroslav Blazevic, Croatia lại đẩy lui đội bóng “Tổng Lực Thần Công” Hòa Lan với tỷ số 2-1. Cũng tại vũ đài so cước 1998, tiền đạo Suker đã đoạt danh hiệu Chiếc Giày Vàng, tức vua phá lưới với 6 bàn thắng.

Từ đó đến nay, ngôi vị hạng Ba năm 1998 đã ghi lại thành tích cao nhất của Croatia tại vũ đài quốc tế bao gồm cả giải Vô Địch Châu Âu (UEFA Euro Championships) với chiến tích lọt vào vòng tứ kết Euro 1996 ở Anh và bị loại ngay từ vòng 1 tại Euro 2004 ở Bồ Đào Nha và Euro 2012 ở Ukraine. Trong khi tại giải Euro 2000 ở Bỉ-Hòa Lan, Croatia lại vắng mặt vì không vượt qua nổi các trận dự tuyển vòng loại.

Với lối chơi đặt nền tảng căn bản trên chiến thuật 4-4-2, đội hình của Croatia thường có khuynh hướng chuyển đổi thế trận qua các đường chuyền bổng để tạo cục diện quyết định chiến trường bằng nhưng pha phản công vừa nhanh nhẹn vừa sắc bén theo chiêu pháp “trường bóng khống khung thành”, một trong những nét sắc thái đặc dị của cầu giới Đông Âu. Ngoài ra, đội hình Croatia còn kết hợp lối đan bóng ngắn trước cấm địa trong thế đột phá rào cản nên hình thức tấn công của họ càng thêm phần biến hóa linh động. Vì vậy, vai trò tiền vệ tấn công ở trục giữa luôn là chìa khóa giải mã chiến thắng của đội bóng Đông Âu này.

Hiện nay, chân sút được coi là linh hồn của tuyến tiếp ứng đội hình Croatia là tiền vệ Luka Modríc, một tuyển thủ xuất sắc đang chơi cho câu lạc bộ Hoàng Gia Tây Ban Nha Real Madrid. Ngoài cách nhìn thế trận tinh tế cùng kỹ thuật chuyền bóng lắt léo thường loại bỏ cả hàng phòng ngự đối phương một cách dễ dàng, Modríc còn nổi danh là một sát thủ nguy hiểm trong sứ mạng tung lưới. 

Nơi hàng thủ, đội trưởng Darijo Srna cũng là một khuôn mặt kỳ cựu với hơn 100 lần khoác áo đội tuyển quốc gia và hơn 400 lần ra quân dưới màu áo câu lạc bộ Shakhtar Donetsk của Ukraine. Chính sự góp mặt lâu bền của thủ quân Srna đã hình thành chiến pháp cơ bản “counter attack” cho đội hình Croatia vì tuyển thủ 31 tuổi này vốn là điểm khởi nguồn cho hầu hết những đường bóng phản công chớp nhoáng. Trong khi đó, ở tuyến tấn công phải kể đến ba tên tuổi được mệnh danh “Hùng Phong Tam Cước” gồm Mario Mandzukíc của đội bóng sừng sỏ nước Đức Bayern Munich, Ivica Olíc của Wolfsburg và Nikica Jelavíc thuộc đội bóng Hull City của Anh Quốc. Đây chính là những chân làm bàn xông xáo, luôn trực diện sẵn sàng cho thế trận “độc tẩu lướt banh, đối diện thủ thành”, vốn thường mang lại chiến thắng cho đội nhà.

Lượt qua chặng đường thử thách của loạt đấu dự tuyển vòng loại kỳ này, Croatia rơi vào nhóm A đụng độ hai cường địch Bỉ Quốc và Serbia. Do thành tích thất thường khi bị Scotland đo ván cả hai trận lượt đi và về, cũng như bất ngờ thảm bại 1-2 trước đối thủ dưới chân là Xứ Wales, Croatia đành chấp nhận là đội hạng Nhì phải tranh chiếc vé vớt qua thành tích 5 thắng 2 hòa 3 bại, đứng dưới Bỉ Quốc. Kết quả này đã khiến HLV Igor Stimac bị giải nhiệm, thay vào đó là nhà chiến thuật 42 tuổi Niko Kovac, HLV đương nhiệm đội tuyển trẻ quốc gia U-21.

Từ việc thay HLV ngay trước thềm 2 trận “play-offs” tranh vé vớt tại khu vực Châu Âu, đã cho thấy quyết tâm cải tổ của Liên Đoàn Túc Cầu Croatia vì ông Niko Kovac được biết là một nhân vật luôn chủ trương trẻ trung hóa đội hình ngay từ khi còn là cầu thủ của đội tuyển quốc gia. Niko Kovac từng ra quân 83 trận dưới màu áo Croatia từ năm 1996 đến 2008. Vào đầu năm 2009, ông tuyên bố rút lui khỏi đội tuyển với lý do “nhường chỗ cho các khuôn mặt trẻ”.

Dưới sự dẫn dắt của HLV Kovac, Croatia đã vượt qua đối thủ “Băng Đảo Cước” Iceland để giành chiếc vé đến Ba Tây với kết quả hòa 0-0 ở trận lượt đi và thắng 2-0 ở trận lượt về. Tuy dư luận chưa thể có cái nhìn chính xác về chiến pháp của ông  Kovac vì Croatia chỉ mới trải qua hai trận đấu cùng Iceland dưới sự điều binh của nhà dìu dắt này, nhưng với lối chơi vừa bọc kín hàng phòng thủ vừa tích cực dâng cao để khai thác chỗ trống giữa sân nhằm khống chế các trục lộ giao bóng và giành quyền kiểm soát thế trận của đội hình Croatia, đã phần nào phản ảnh đấu pháp tận dụng thể lực các cầu thủ trẻ nhằm bung quân trải rộng trên khắp vị trí sân cỏ. Nói cách khác, dựa vào kinh nghiệm trận mạc nhiều năm của một cầu thủ ở vị trí tiền vệ phòng thủ, ông Kovac có vẻ như muốn chuyển hướng đi cho  Croatia trở thành một bóng thiên về chiến pháp tấn công và uy hiếp đối phương nhiều hơn.

Trong cuộc viễn chinh Nam Mỹ đến Ba Tây lần này, mục tiêu đầu tiên của Croatia đương nhiên là phải vạch ra chiến lược vượt qua vòng 1 trước ba đối thủ lợi hại khó lường kèm theo mức độ tương tính khác biệt.

Nhìn vào lịch trình giao chiến của bảng A với trận khai mạc đụng độ cường địch kiêm nước chủ nhà Ba Tây vào ngày 12/6/2014 đã khiến dư luận quốc nội Croatia thấp thỏm lo âu vì xét thấy đội nhà nhiều phần kém thế hơn. Cũng vì lẽ này, nhiều dự đoán về cục diện 1 trận bại trước Ba Tây và 2 trận thắng trước Mễ Tây Cơ cùng Cameroon, cho rằng đây có lẽ là con đường thích hợp nhất để đưa Croatia băng qua cánh cửa quan ải vòng 1. 

Đồng thời, cũng có không ít nhận định cho rằng nếu Croatia áp dụng lối chơi tính toán chiến thuật, tức cầm chân Ba Tây rồi tận dụng toàn lực để chiến thắng hai đối thủ còn lại, họ sẽ có nhiều khả năng xác định chiếc vé tiến vào vòng 2 hơn. Ngoài ra, một trận hòa trước Ba Tây đối với Croatia sẽ là cục diện “trăm lợi mà không có một hại”. Bởi lẽ, kết quả hòa sẽ gây áp lực ngược cho Ba Tây, buộc đội chủ nhà phải dồn sức đá bại hai đội Mễ Tây Cơ và Cameroon. Điều này sẽ khiến các đối thủ của Croatia tổn hao binh lực nên giúp họ dễ có cơ hội chiến thắng hơn.

Nhìn chung, các dự đoán và nhận định trên đây dù sao cũng chỉ dựa vào lý thuyết suông và thực tế cho thấy ngược lại. Vì Croatia luôn là đội bóng kiên cường sẵn sàng đối chọi quyết liệt trước mọi đối thủ, nhất là dưới quyền điều binh khiển tướng của HLV Kovac trên cơ bản Croatia là đội “chủ chiến chớ không chủ hòa”. Hơn nữa, theo cách nhìn khách quan, lối đá sòng phẳng trước mọi đối thủ mới chính là nét đẹp hấp dẫn và lôi cuốn của môn túc cầu. Từ điểm này, cuộc thư hùng giữa Croatia và Ba Tây trong trận khai mạc được coi là  một trận chiến rất hào hứng kèm theo một câu hỏi lý thú: “Liệu Croatia có vượt qua được Ba Tây không?”

Hãy đợi bóng lăn trên sân để tìm được câu trả lời lý thú hơn vào ngày 12/6 sắp tới. 


Croatian Fans @dalje.com


MỄ TÂY CƠ
Là một đội bóng thuộc đẳng cấp hàng đầu của khu vực Bắc Trung Mỹ (CONCACAF) sớm ra quân ở chiến trường World Cup từ lần đầu tiên vào năm 1930, Mễ Tây Cơ với 14 lần tham chiến và từng đứng ra tổ chức giải Thế Giới vào năm 1970, đạt thành tích cao nhất là lọt vào vòng tứ kết giải 1970 và 1986. 

Tuy vậy, từ giải 1994 trở đi đội bóng Mễ Tây Cơ với biệt danh “El Tri”, tức “Tam Sắc” gồm ba màu xanh lá cây, trắng, đỏ tượng trưng cho nền màu lá quốc kỳ, đã trở thành khuôn mặt quen thuộc của giới mộ điệu khi họ đều vượt qua khỏi vòng 1 ở tất cả các giải World Cup tính cho đến năm 2010, nên đối với các đội bóng tranh hùng “El Tri” luôn là một thế lực được đặt trên bàn cân của sự cân nhắc, lượng sức với mức độ dè chừng cẩn trọng. Ngược lại, Mễ Tây Cơ cũng đạt “kỷ lục” là đội bóng có số trận bại nhiều nhất tại World Cup với 24 trận.

Riêng tại giải Vô Địch Nam Mỹ (Copa America), với tư cách là đội bóng được mời tham dự thường xuyên từ năm 1993 đến nay, Mễ Tây Cơ còn có 2 lần tiến vào trận chung kết và 3 lần đứng hạng Ba, vốn là thành tích còn sáng chói hơn một số đội bóng khá ở vùng Nam Mỹ. Trong khi đó, tại vũ đài sân nhà là giải CONCACAF Gold Cup, Mễ Tây Cơ để lại dấu ấn nổi bật với 9 lần đoạt cúp vô địch sau 19 kỳ tranh tài.

Xét về đấu pháp, Mễ Tây Cơ có lối chơi gần gũi với trường phái túc cầu Nam Mỹ qua cách vận chuyễn đội hình bằng các đường bóng ngắn, liên kết chặt chẽ, dựa vào nền tảng kỹ thuật cá nhân cầu thủ. Từ đó, triết lý túc cầu của Mễ Tây Cơ cũng nghiêng hẳn về phong cách ngoạn mục, bay bướm nơi từng đường chuyền đan kết gắn bó và rất lợi hại trong thế đột phá vòng vây hay hãm thành. 

So với các quốc gia trong vùng và khu vực láng giềng là Nam Mỹ, tuy Mễ Tây Cơ có quá trình phát triển túc cầu khá lâu dài nhưng lại ít khi đạt kết quả như mong muốn tại chiến trường World Cup là do họ không đủ quân lực trừ bị cho những cục diện quan trọng khi tiến sâu vào giải đấu. Từ lối chơi chọi thẳng và câu nệ truyền thống chú trọng các đường bóng hoa mỹ, họ thường lâm vào tình trạng mất đi thành phần chủ lực do bị chấn thương hay phạm lỗi và khi sử dụng dàn quân dự bị chỉ là những cầu thủ còn non nớt kinh nghiệm. Điều này cũng được cho là bị ảnh hưởng trực tiếp từ nền kinh tế yếu kém của Mễ Tây Cơ vốn bị giới xã hội đen lũng đoạn từ nhiều thập niên qua khiến hệ thống đào tạo tuyển thủ không có nguồn tài trợ dồi dào.

Chính vì vậy, gần đây hầu hết các tuyển thủ kiệt xuất của Mễ Tây Cơ đều phải ra đầu quân vào các câu lạc bộ Âu Mỹ, một mặt là vì sinh kế, mặt khác là để tìm cơ hội phát triển tài năng. Tình trạng này đưa đến hậu quả là đội hình chính thức của Mễ Tây Cơ ít khi tập hợp đầy đủ các chân sút trứ danh và trở thành một tập thể rời rạc. 

Chính vì vậy, trong loạt đấu 10 trận dự tuyển vòng loại vừa qua, Mễ Tây Cơ chỉ có được 2 trận thắng được 11 điểm, đứng dưới cả Honduras và Costa Rica nên phải đến Ba Tây bằng “cửa hậu” nhờ vào kết quả đá bại đội bóng yếu kém hơn là New Zealand trong hai trận đấu tranh vé vớt.

Khá tương tự như tình trạng của Croatia, Mễ Tây Cơ sau khi rơi vào tình trạng thất thường đã lựa chọn tân HLV Miguel Herrera thay cho người tiền nhiệm Victor Manuel Vucetich. Lập tức, ông Herrera đưa ra quyết định chỉ sử dụng đội hình chính thức gồm đa số cầu thủ đang chơi tại quốc nội vốn xuất thân từ đội tuyển Olympic để tạo thành một đội hình ăn ý, thuần nhất hơn. Nhờ vậy, cuối cùng họ đã vượt qua cửa ải dự tuyển vòng loại và đáng ngạc nhiên hơn là với đội hình trẻ này Mễ Tây Cơ còn đè bẹp đội tuyển “Đài Quyền Đạo” Đại Hàn với tỷ số 4-0 trong trận giao hữu ngày 29/1/2014 vừa qua. 

Nhắc đến đội tuyển Olympic của Mễ Tây Cơ, dư luận không thể quên được chiến tích lịch sử của họ khi đưa đội nhà lần đầu tiên đoạt huy chương vàng môn túc cầu tại Thế Vận Hội London 2012 mà đối thủ gục ngã dưới chân của họ không ai khác hơn chính là đội tuyển Olympic Ba Tây vốn từng vào chung kết 3 lần nhưng đều thất bại. 

Do đó, giới ái mộ quốc nội giờ đây lại nhem nhúm ngọn lửa hy vọng tràn trề nơi dàn tuyển thủ trẻ đầy sinh lực tuy vẫn được đặt trong mô hình của chiến pháp đan bóng ngắn nhưng lại đạt tốc độ cao và nhất là có nhiều phần chuyển hướng sang hình thức dạt biên câu bóng bổng vào khu cấm để tăng cường cho những cú đánh đầu hiểm hóc của tiền đạo Raul Jimenez có chiều cao 1.90m và chỉ mới 22 tuổi. Ngoài đa số thành phần là tuyển thủ trẻ, đội hình Mễ Tây Cơ còn có sự hiện diện của “lão tướng” Rafael Marquez lão luyện kinh nghiệm nơi hàng thủ cùng các tiền vệ José Juan Vázquez, Luis Montes, Carlos Penã đều đang ở thời kỳ thể lực sung mãn của lứa tuổi trung bình 24.

So với Croatia và Cameroon, Mễ Tây Cơ có phong cách nhồi bóng khá giống với Ba Tây và họ không còn xa lạ gì trước chiến thuật áp đảo thế trận, bao vây khu cấm của đối phương do trong quá khứ hai đội đã nhiều lần chạm trán. Nếu đối chiếu với kết quả 10 cuộc đụng độ gần đây giữa Mễ Tây Cơ và Ba Tây với con số 5 thắng 5 bại chia đều cho hai đội, có lẽ giới bình luận đều thấy rõ lợi thế của Mễ Tây Cơ trước Croatia cùng Cameroon khi họ so chân với Ba Tây.

Điều này có nghĩa là Mễ Tây Cơ chắc chắn đã có cách đối phó hữu hiệu với địch thủ nặng ký nhất bảng A là Ba Tây và vấn đề còn lại là họ chỉ phải tập trung tinh thần để đương đầu với hai đội còn lại. Một loạt trận đấu giao hữu với Nigéria, Hoa Kỳ, Bosnia & Herzegovina, Bồ Đào Nha theo lịch trình từ ngày 5/3 cho đến ngày lâm trận đầu tiên tiếp chiến Cameroon 13/6, đã chứng tỏ Mễ Tây Cơ  đang miệt mài truy tìm chiêu thức phá giải võ công của hai trường phái Đông Âu và Châu Phi.

Nhưng quan trọng nhất là mối tương quan chiến lược này càng làm cho bảng A trở nên gay cấn và thu hút giới bình luận trong một cục diện ẩn chứa nhiều đợt sóng ngầm của thế “quyết liệt tương tranh” giữa bộ ba đồng đẳng Mễ Tây Cơ, Croatia, Cameroon và đệ nhất cao thủ Ba Tây.


Mexican Cheers Squad @ On the Net


CAMEROON


Theo dòng thời gian trôi chảy, có lẽ hình ảnh những chú “sư tư bất khuất” của đội Cameroon từng tạo cơn chấn động tại World Cup 1990 khi trở thành đội bóng Châu Phi đầu tiên tiến vào vòng tứ kết, cũng đã phai nhạt dần. Vì từ đó đến nay đội bóng Châu Phi này không còn đủ năng lực để tiếp tục gây sóng gió như xưa. Nhìn vào con số thống kê thành tích phá lưới ở dự tuyển vòng loại 2014 thuộc khu vực Châu Phi, người ta không mấy ngạc nhiên khi không có một tuyển thủ Cameroon ghi nổi trên 2 bàn thắng. Bởi lẽ họ đang đứng trước hiện tình khá bi quan so với quá khứ oanh liệt thuở nào.

Sau giải 1990, Cameroon lặng lẽ tuột dốc và chứng kiến các quốc gia cùng khu vực như Nigéria, Senegal, Bờ Biển Ngà lần lượt vượt trội hơn họ ở các giải đấu kế tiếp. 

Nguyên do chính yếu là trong đội hình của Cameroon rất ít xuất hiện những cầu thủ có bản lĩnh lợi hại như thời kỳ 1990 mang tầm cở các “Hùng Sư” Omam Biyik, Roger Milla v.v.. thuộc thế hệ đàn anh đương thời. Kế đến, sự góp mặt lần lượt của các chân làm bàn nổi tiếng như Rigobert Song, Patrick M’Boma, Samuel Eto’o trong đội tuyển theo từng thời kỳ nối tiếp sau này chỉ còn mang tính cách cá nhân theo hình thức “một chú sư tử không làm được chúa tể sơn lâm”, hay nói cách khác Cameroon đã không còn đủ sức tập hợp thành “bầy sư tử bất trị” như ngày nào. 

Mặt khác, chiến thuật “Sư Tử Hống” chuyên dùng sở trường thể lực bền bỉ để chạy và sút bóng nhằm làm tiêu hao nội lực hoặc gây rối nơi hàng thủ đối phương của Cameroon cũng không còn thông dụng trước lối chơi chuyền bóng chính xác và đà tiến bộ về kỹ thuật rèn luyện thể lực của Tây Phương. Cùng lúc, các đội mạnh thuộc khu vực Châu Á như Úc, Nhật Bản, Đại Hàn cũng gần như bắt kịp làng cầu Âu Mỹ về hai yếu tố tốc độ và thể lực nên coi như Cameroon mất đi lợi thế vượt trội đội phương nơi sức lực dẽo dai. 

Đó là chưa kể đến những đội cầu Trung Đông vốn không thua kém gì các đối thủ Châu Phi về thể lực. Từ đó, Cameroon đều bị loại ngay vòng 1 tại các giải World Cup kế tiếp, thậm chí cũng không đoạt được vé tham dự giải đấu 2006 tại Đức. Thêm nữa, một nguyên nhân chính yếu thường dẫn đến sự thất bại của Cameroon là chuyện bất đồng nội bộ do cầu thủ bất mãn về tiền lương hoặc không đồng ý với chiến pháp của HLV.

Tuy vậy, ở một mức độ nhất định nào đó, Cameroon vẫn còn là một tên tuổi được dự đoán có thể gây nhiều bất ngờ tại Ba Tây lần nay qua chiến thuật định vị 2 tiền vệ trấn giữ khu trung tâm sân cỏ dựa theo nền tảng “chuyển thủ thành công” của trường phái túc cầu Đức dưới sự dìu dắt của nhà chiến thuật người Đức Volker Finke. 

Qua phương cách thay đổi đấu pháp đặt ưu tiên nơi các đường bóng tấn công nhanh nhẹn từ giữa sân để áp sát khung thành địch thủ, đội hình Cameroon dường như rất ít ứng dụng lối chơi khai thác hành lang hai cánh. Thay vào đó, họ thường tổ chức các đợt tung quân qua biên giới rồi chia thành các hướng tấn kích chớp nhoáng vào cấm địa đối phương bằng khung sườn 4-3-3 theo thế “Tam diện áp công”. Nhờ sự thay đổi khởi sắc này, Cameroon cũng kiện toàn được hàng thủ khá vững vàng nên vươn lên ngôi hạng Nhất bảng trong loạt trận vòng 2 dự tuyển vòng loại khu vực Châu Phi trước các đối thủ Lybia, Congo và Togo. 

Sau đó, ở vòng đấu tiếp theo, họ đã loại sổ Tunisia với kết quả hòa 0-0 ở trận lượt đi, thắng 4-1 ở trận lượt về để giành được chiếc vé đến Ba Tây với thành tích tổng cộng ghi được 9 bàn thắng và để lọt lưới 4 quả.

Nơi đội hình Cameroon hiện nay, khuôn mặt được chú ý nhất vẫn là chân săn bàn kiêm thủ quân 32 tuổi là “Hắc Sư” Samuel Eto’o, tuy không còn duy trì được phong độ như thời kỳ trước đây nhưng vẫn là một mũi nhọn rất nguy hiểm trước bất cứ hàng thủ nào. Trong khi được giới hâm mộ quốc nội đặt trọn niềm tin tưởng và hy vọng vào chuyến ra quân lần thứ tư tại World Cup 2014, thì gần đây Eto’o lại tuyên bố muốn rời khỏi đội tuyển vì lý do cá nhân mà ai cũng biết sự thật là anh bất đồng ý kiến với HLV Finke. Điều này càng khiến giới hâm mộ lo lắng về viễn ảnh thất bại của đội nhà ngay tại vòng 1 tương tự như các giải đấu trong quá khứ.

Bên cạnh Eto’o, đội quân chủ lực của Cameroon ở hàng thủ gồm Nicolas N'Koulou, Auréien Chedjou,  Henrin Bedimo, Dany Nounkeu,  Benoit Assou Ekotto v.v... đều là những hậu vệ trẻ trung, kết hợp cùng tuyến tiền về đồng trang lứa như Alex Song, Landry N’Guemo, Eyong Enoh và các cọc cắm hàng trên là tiền đạo kỳ cựu Idrissou, hoặc Vincent Aboubakar hay Benjamin Moukandjo. 

Ngoài ra, tất cả tuyển thủ của Cameroon đều đang chơi cho các đội bóng chuyên nghiệp trời Âu, trải đều ở Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha và Hy Lạp nên có thể nói đây là một đội bóng có tổ chức chặt chẽ và kỷ luật. Chính yếu tố này đã khiến cho các đối thủ cùng bảng A phải nhìn Cameroon bằng cặp mắt cảnh giác cao độ khi họ được trang bị như một đội bóng mang nền tảng thể lực Châu Phi nhưng vận hành đội hình theo chiến pháp Tây Âu.

Với chiến lực hiện nay, nếu Cameroon tránh được tình trạng nội bộ bất hòa kèm theo hùng chí quyết tâm tái hiện lịch sử năm xưa thì họ sẽ có nhiều khả năng lật ngược cục diện bảng A. Và nếu Cameroon đá bại được Mễ Tây Cơ trong trận so cước đầu tiên ngày 13/6 thì đó cũng chính là khởi điểm thức giấc của “bầy sư tử bất khuất” (Les Lions indomptables) sau hơn 2 thập niên ngủ vùi nơi chốn rừng sâu núi thẳm.


Cameroon Cheers Squad @On the Net


(Kỳ tới): Bảng B: Tây Ban Nha, Hòa Lan, Chí Lợi, Úc Đại Lợi

Song Cường Áp Đảo Ngôi Đầu Bảng
Nhị Liệt Chênh Vênh Nhất Ải Quan

©Khôi Nguyên/HVR

























































4 comments:

  1. Cám ơn Khôi Nguyên và Hồn Việt. Chờ đợi theo dõi tường thuật World Cup của KN, tưởng rằng không còn ... Đặng Hoàng.

    ReplyDelete
  2. Hoorah! Bravo Khoi Nguyen! (from a socceroo fan)

    ReplyDelete
  3. Nghe Khôi Nguyên tường thuật các trận so tài WorldCup thì rất là hào hứng, nhất là cách đặt 'danh hiệu võ lâm cao thủ' y như truyện kiếm hiệp của Kim Dung...thật ăn ý với những câu vè ; bù lại được đọc cũng không kém phần thích thú, đa tạ công phu của Khôi Nguyên cùng nỗ lực của Hồn Việt từ giới ái mộ túc cầu, đặc biệt lời cảm ơn từ ủng hộ viên của đội gà nhà Úc Socceroos.

    ReplyDelete
  4. Tui nôn nóng chò đợi World Cup kỳ này lắm lắm tại vì có đội HVR với trung phong Khôi Nguyên... Chưa đá mà nghe luận anh hùng cũng đủ mê rồi ! Viva HVR ! Bravo khôi Nguyên !

    ReplyDelete