Saturday, March 1, 2014

Mẹ Già Như Chuối Ba Hương … - Khanh An

@on the net

Trong một bài viết Câu Chuyện Thày Lang “Người Cao Tuổi với đời sống gia đình”, bác sĩ Nguyễn Ý Đức đề cao truyền thống hiếu thảo, đền đáp công lao sinh thành dưỡng dục của con cháu đối với ông bà cha mẹ trong văn hóa VN, đúng theo như câu ca dao mà  hầu như bất cứ người VN nào cũng thuộc nằm lòng  “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. 
Truyền thống thờ mẹ kính cha trong xã hội VN ngày nay có còn được tiếp nối hay không?
Nói cho công bằng thì lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ hiện hữu trong bất cứ nền văn hóa nào dù Đông hay Tây, chỉ khác hình thức biểu lộ dựa theo cấu trúc của xã hội Tây phương hoặc Đông phương mà thôi. Xưa kia, xã hội VN coi gia đình là đơn vị gốc đem lại sự nương tựa cho ông bà cha mẹ khi về già, sống chung một nhà với con cái để được chăm sóc. Còn ở các xứ Tây phương, thì ngoài sự giúp đỡ của con cái, người già còn được hưởng một số dịch vụ chăm sóc người cao niên do chính phủ thành lập hoặc tài trợ. Thời thế thay đổi, cuộc sống về già của người cao niên VN đã thay đổi ít nhiều, và thay đổi như thế nào tùy thuộc vào nơi chốn sinh sống. 

Trước hết hãy nói đến người cao niên VN ở hải ngoại trong các cộng đồng tị nạn VN.

*
Trong một dịp đi khám bịnh ở phòng mạch bác sĩ gia đình, người viết tình cờ ngồi cạnh một cụ bà Việt Nam khoảng chừng ngoài 70, hỏi thăm xã giao thì cụ cho biết cụ được con gái bảo lãnh từ Việt Nam sang Úc cách đây hai năm. Thông thường nếu cần đi khám bác sĩ, cụ phải đợi con gái xin nghỉ làm một ngày để đưa cụ đi, nhưng vì con cụ mới dọn nhà về khu vực này, gần phòng mạch bác sĩ VN nên cụ có thể đi bộ một mình được. Hôm đó cụ lại không phải trông cháu nhỏ vì bố cháu được nghỉ phép ở nhà. Xem chừng như tìm được người hợp ý để chuyện vãn, cụ tỉ tê tâm sự là thương con gái đi làm vất vả nên cụ giữ việc trông nom cháu nhỏ, nhưng con rể lại quá kỹ lưỡng, đòi hỏi cụ phải nuôi cháu theo kiểu Tây (có lẽ ý cụ muốn nói là theo cách dưỡng nhi của Úc). Con rể chê cụ không biết giữ vệ sinh, vì cụ hay mớm cơm cho cháu, bế ẵm cháu theo kiểu xốc nách tức là không đúng cách, cho cháu ăn vặt những thức ăn không thích hợp e cháu bị bịnh mập phì, v.v... Thế nhưng hai vợ chồng lại không đem gửi cháu ở nhà trẻ vì quá tốn kém. Hai vợ chồng đã phải hốt hụi để có tiền ký thác vào ngân hàng trước khi  bảo lãnh cụ, chi tiền vé máy bay và hàng chục thứ chi tiêu khác khi đón cụ sang, nên hiện nay họ cố dành dụm để trả cho xong các món nợ. Cụ thương con, không dám than mệt mặc dù đôi lúc cụ cảm thấy đuối sức vô cùng vì phải trông cháu cả ngày. Muốn thả bộ ra ngoài cho khuây khỏa cũng sợ đi lạc đường và sợ bị xe đụng. Cụ kể chuyện với nét mặt bình thản và giọng nói nhẫn nhục, không hàm ý trách móc hay giận dỗi con.

Tất nhiên không phải tất cả các cụ được con cái bảo lãnh từ Việt Nam sang cũng đều gặp hoàn cảnh như cụ Nguyễn. vì vẫn có những cụ khác may mắn hơn, được con cái chăm sóc tử tế, hoặc sống độc lập trong những khu chung cư chính phủ dành cho cao niên, không cần  nương dựa vào con cái.    Ngày còn ở quê nhà, thời trước ngày miền Nam bị rơi vào tay CS, có thể nói hầu như đa số gia đình đều sống chung trong cùng một mái nhà gồm cả 3 thế hệ, ông bà, cha mẹ và con cái. Thậm chí có khi là 4 thế hệ nếu cụ cố có tuổi thọ cao. Ông bà nội ngoại trông cháu cho bố mẹ đi làm là chuyện thường tình và chẳng bao giờ bố mẹ các cháu thắc mắc là ông bà nuôi cháu theo kiểu Tây hay kiểu Ta. Lý do giản dị là cha mẹ nuôi con như thế nào thì nuôi cháu cũng như thế. Trông nom, săn sóc trẻ nhỏ là một công việc khá nhọc nhằn cho các ông bà ở tuổi cổ lai hy. Vì vậy ngoài ông bà nội ngoại còn có các bác, các mợ, các cô, dì phụ giúp việc chăm sóc cháu nhỏ. 

Trong khi đó ở hải ngoại hoàn cảnh gia đình neo người chỉ có thể trông cậy vào một mình bà nội hay bà ngoại. Ở tuổi này, các cụ chỉ chơi với cháu một lát cho vui chứ không thể chơi với cháu hơn 8 tiếng đồng hồ một ngày, nói chi đến việc chăm sóc cháu toàn thời gian, một ngày lo 2 bữa ăn sáng và ăn trưa cho cháu, chưa kể những việc lặt vặt khác như thay tã, tắm rửa.  

*
Có thể trong một số trường hợp, ông bà nội ngoại cảm thấy mình là gánh nặng cho con nên tình nguyện làm công việc trông nom cháu, các con lại vô tình không nhìn ra điều này. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây không chỉ nói về mặt sức khỏe thể chất mà còn về sức khỏe tinh thần. Những người cao tuổi như cụ Nguyễn ru rú ở nhà suốt ngày, đợi cuối tuần để nghỉ ngơi thì có khi bố mẹ cháu đi dự tiệc, không đem cháu theo được lại phải để cháu ở nhà với bà. Như vậy có khác gì bà là vú em. Cụ không có cơ hội ra ngoài gặp gỡ và giải trí với các bạn cao niên khác, vì thế càng ngày cụ càng bị cô lập trong một cuộc sống thu hẹp quanh quẩn trong nhà. Về lâu về dài sự thiếu thốn một khoảnh không gian và thời gian riêng cho bản thân sẽ lấy đi hết năng lượng đời sống của một người già. Giống như một thân cây già cỗi không có đủ khí trời và nước để tiếp tục sống.
  
Một trở ngại khác là khi các cụ đoàn tụ với con cháu thì bà cháu lại không nói chuyện với nhau được vì cháu không biết nói tiếng Việt mà bà lại không hiểu tiếng Anh. Rồi cách suy nghĩ của bà cũng khác cháu, đưa đến những thành kiến tiêu cực, thí dụ như bà cho là cháu hư, cháu nghĩ bà khó khăn với cháu. Vì vậy việc chăm sóc cháu nhỏ thì cực thân, mà gần gũi cháu lớn lại cực tâm. Hoàn cảnh sống của chúng ta khi ra hải ngoại đã thay đổi rất nhiều, trong khi các cụ thuộc thế hệ trước lại không thích ứng nổi, đưa đến sự suy sụp tinh thần. Trước khi rời Việt Nam sang đây, các cụ chỉ ước mong được gần con cháu để an ủi tuổi già chứ không phải vì mong cầu đựơc sung sướng về vật chất. Thực ra những người con của các cụ chỉ cần gửi tiền về hàng tháng là các cụ được hưu dưỡng đầy đủ, cần chi phải lặn lội đi nửa vòng trái đất để đến một nơi mà thời tiết, đời sống, ngôn ngữ, văn hoá đều khác với nơi sinh truởng của các cụ. 

*
Cũng có người nghĩ mẹ mình tính khí khó khăn, bắt bẻ con cái đã trưởng thành từng ly từng tí. Thực ra, chẳng phải các cụ cố tình làm như vậy, chỉ vì các cụ vẫn theo lề thói suy nghĩ và sinh hoạt như ở Việt Nam. Thí dụ như phải ăn cơm ngày đủ 3 bữa, mà con gái hay con dâu lại quen theo cách ở ngoài này, là sáng ăn bánh mỳ hay ngũ cốc với sữa, trưa cũng ăn bánh mỳ, mỗi ngày chỉ ăn một bữa cơm vào buổi tối. Các cháu để đầu tóc, mặc quần áo kiểu cọ theo thời trang của giới trẻ thì cụ phàn nàn với cha mẹ cháu. Cụ muốn cha mẹ cháu phải dạy cháu như cụ đã dạy dỗ các con của cụ hồi ở quê nhà.  

Bà và cháu @on the net

Khó mà trách các cụ khó khăn. Xã hội thay đổi, con cái đã thành nhân, tự lập, nhưng các cụ lại không nhận ra sự thay đổi đó, rằng mình không còn ở thế chủ động như ngày xưa, thời mà các cụ quán xuyến mọi chuyện trong nhà, sắp xếp công việc theo ý mình. Thời đó, con cái dù lớn đến bao nhiêu tuổi vẫn còn phụ thuộc vào cha mẹ về mặt tinh thần. Ngày nay, cuộc sống trong một xã hội Tây phương ở hải ngoại đòi hỏi những người con trưởng thành tách rời ra khỏi bóng mát của đại gia đình để tạo dựng cuộc sống độc lập, khiến các cụ không khỏi cảm thấy hụt hẫng. Như trường hợp của cụ Nguyễn, sinh 5 người con ở Việt Nam, nuôi dưỡng các con khỏe mạnh, nay con rể lại trách cụ không biết cách nuôi trẻ theo kiểu Âu Mỹ. Ở quê nhà, cụ có hàng xóm cạnh nhà để chạy qua chạy lại chuyện vãn, cần thức ăn gì thì cụ cắp rổ đi bộ ra chợ. Ở đây cụ không có hàng xóm Việt Nam, cả tuần lể quanh quẩn trong nhà trông cháu, tinh thần cụ không bị khủng hoảng mới là chuyện lạ.

Đây là trường hợp mà đa số gia đình thường vấp phải, thay vì bảo lãnh cha mẹ già để đuợc kề cận phụng dưỡng song thân nhưng cuối cùng lại để những người già phải chịu thêm cực nhọc về tinh thần và thân xác vì những nhu cầu riêng của gia đình. Vì vậy sắp xếp sinh hoạt gia đình cách nào cho hài hòa cùng với lòng thành tâm đối với cha mẹ già là giải pháp hợp lý nhất để giữ cho giềng mối gia đình được toàn vẹn.
 
Chúng ta thường kêu gọi nhau cố gìn giữ văn hóa và truyền thống dân tộc đúng với câu “trẻ cậy cha, già cậy con”. Bởi từ thế hệ này qua thế hệ khác, mối giây ràng buộc giữa cha mẹ và con cái là sự thay phiên nhau làm điểm tựa để dựa vào nhau ở mỗi thời điểm trong cuộc đời.

Nhiều người mẹ sẵn sàng hy sinh sự nghiệp và chịu cảnh thiếu thốn tài chánh, nghỉ ở nhà trông con nhỏ từ lúc sơ sinh ít nhất là trong 5 năm đầu cho đến khi con đi học, sau đó mới tìm việc để đi làm trở lại. Vậy nếu cha mẹ già cần một sự hy sinh như thế thì liệu chúng ta có sẽ sẵn sàng hy sinh như đã hy sinh cho con cái hay không? Sự hy sinh cho cha mẹ già đôi khi lại phải tùy thuộc vào quyết định của người con rể hay con dâu. Khi bất đồng ý kiến xảy ra thì cha mẹ già bỗng trở thành nguyên nhân đưa đến chuyện lời qua tiếng lại giữa hai vợ chồng người con, có thể khiến gia đình mất đi sự hòa thuận êm ấm. 

Hơn nữa, chúng ta thử đặt trường hợp bất thình lình các cụ ngã bịnh. Mà chuyện các cụ bị đau yếu là chuyện phải xảy ra, không tránh được.  Ai sẽ là người chăm sóc cho cụ. Liệu con gái cụ có chịu ở nhà để săn sóc cho mẹ hay không? Hay đưa cụ vào viện dưỡng lão để mỗi cuối tuần vào thăm cụ?  Đây là một câu hỏi nhức óc mà những người con có cha mẹ già sống ở hải ngoại không biết phải làm thế nào để giải quyết ổn thỏa. Cả hai vợ chồng đang đi làm, con cái còn nhỏ, đang phải đối đầu với 1001 thứ chi tiêu cho gia đình, bất ngờ cha hay mẹ già ngã bịnh, nếu nghỉ dài hạn ở nhà để chăm sóc cho cha mẹ thì hụt mất một đầu lương, lấy đâu ra tiền để trả nợ vay nhà băng mua nhà. Đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão thì mang tiếng bất hiếu mà trong lòng cũng thấy xót xa. Cho đến nay một số người vẫn giữ ý tưởng tiêu cực về chuyện đem cha mẹ già vào nhà dưỡng lão.

*
Nước mắt bao giờ cũng chảy xuôi, bậc làm cha mẹ chẳng quản công lao khó nhọc nuôi con từ khi mới chào đời cho đến khi khôn lớn. Nhưng chính vì vậy mà những người con đã có gia đình phải nhìn thấy rõ vấn đề, rằng cụ thương con thương cháu nhưng trách nhiệm của cụ đã hết. Bây giờ là lúc cụ nghỉ ngơi, dưỡng già. 

Làm thế nào để cụ sống vui bên con cháu là bổn phận của những người con của cụ. Mà sống vui với con cháu không có nghĩa là các cụ bắt buộc phải sống với tiểu gia đình của con. Khi bị bứt rễ ra khỏi nơi sinh trưởng để sống tha hương, yếu tố quan trọng nhất giúp các cụ vượt qua mọi khó khăn khác là có được một đời sống tinh thần thoải mái để vui hưởng tuổi già dù là sống với con cái hay sống độc lập. Nếu các cụ còn mạnh khỏe, tự chăm sóc cho mình được trong những sinh hoạt hàng ngày thì có thể xin chính phủ cấp cho một căn gia cư dành cho cao niên để sống độc lập, con cháu hàng ngày điện thoại thăm hỏi, hàng tuần đến thăm viếng. Trường hợp đại gia đình có đông con cháu thì sự sắp đặt phân công hợp lý giữa các người con dành thời gian chăm sóc cha mẹ già, hoặc chia sẻ về tài chánh để thuê người chăm sóc cho các cụ là điều phải lẽ và lý tưởng nhất. 

Để các cụ vào sống trong viện dưỡng lão tùy thuộc vào quyết định và hoàn cảnh của mỗi gia đình. Ở một vài tiểu bang, cộng đồng người Việt đã thiết lập được viện dưỡng lão dành riêng cho các cụ cao niên Việt Nam, có nhân viên người Việt, có đầu bếp nấu món ăn Việt, có sự chăm sóc thường xuyên của bác sĩ và điều dưỡng viên, có y công lo vệ sinh và giặt giũ. Sống trong môi trường như vậy, các cụ lại vui hơn vì có bạn, có được những giây phút thoải mái sinh hoạt với các cụ cao niên khác.
 
Lễ Vu Lan của các thành viên Cư xá Cao niên Mekong @quangduc.com

Trong khi đó, con của các cụ có đủ thời gian để lo cho gia đình, và tinh thần cũng được nhẹ nhàng hơn vì chu toàn được cho cả cha mẹ lẫn các con nhỏ. Tuy nhiên không phải cứ “bỏ” cha mẹ vào viện dưỡng lão là phủi tay xong chuyện, vì bổn phận làm con vẫn còn đó qua việc thăm viếng thường xuyên hoặc đón ông bà về nhà chơi cuối tuần với con cháu, trong những dịp lễ, tết, sinh nhật để ông bà không cảm thấy buồn tủi.

Chuyện của cha mẹ già ở hải ngoại thì như thế nhưng xem ra chỉ có một số ít trường hợp như cụ Nguyễn vất vả với con cháu, đa số các cụ cao tuổi khác đều có được cuộc sống độc lập với trợ cấp an sinh xã hội, và các dịch vụ chăm sóc cao niên của chính phủ, được luật pháp bảo vệ nếu chẳng may rơi vào hoàn cảnh bị con cái bất hiếu ngược đãi. 

Thế còn cha mẹ già đang sống trong “thiên đường Cộng Sản” thì sao? Đại gia đình VN ngày nay có còn giữ vững được truyền thống “trẻ cậy cha, già cậy con”, gia đình có còn là đơn vị gốc cho người già nương tựa nữa hay chăng.
 
Đọc báo trong nước tất rõ ngay.

Mới đây là câu chuyện của cụ bà Đỗ Thị Phiếu 78 tuổi có 3 người con trai nhưng không người con nào chịu nhận lãnh trách nhiệm nuôi mẹ, cuối cùng đem vứt bỏ mẹ ra ngoài đường giữa đêm lạnh. Trường hợp của cụ Phiếu không phải là trường hợp duy nhất. 

Tình trạng ngược đãi cha mẹ già dường như ngày càng gia tăng trong xã hội Việt Nam ngày nay, với 1001 câu chuyện về những đứa con nghịch tử đối xử tệ bạc với đấng sinh thành ra mình như con gái hùa với chồng nhét bùn vào mồm mẹ đẻ (huyện Hoài Đức, Hà Nội), con cái giàu có nhưng lại vứt bố ra vỉa hè con cái giàu có nhưng lại vứt bố ra vỉa hè nằm trên chiếu  (cụ Nhân ở Núi Trúc, Đống Đa, Hà Nội), vợ chồng già bị 7 đứa con đẩy ra dường ăn Tết với cỗ quan tài (Quốc Oai, Hà Nội)…Cụ Nguyễn Thị Kim Thu ở Thanh Xuân Bắc, Hà Nội bị con dâu lôi ra đánh đòn để trả thù chồng sau khi hai vợ chồng cãi nhau. Cụ Phạm Thị Nhỏ ở Tây Ninh có con trai lấy vợ là giáo viên nhưng nàng dâu không cho mẹ chồng thắp đèn, dùng quạt điện khi trời nóng vì “xót tiền” nên cụ phải mắc võng ra hàng hiên nằm ngủ và đi nhặt đồng nát để kiếm sống...

Những câu chuyện kể trên chỉ là một giọt nước trong biển cả mênh mông của hằng hà sa số những trường hợp tương tự, cho thấy tình trạng suy đồi đạo lý trong nước tồi tệ và băng hoại đến mức khiến con người mất hết nhân tính.

Vậy nhà nước CSVN nghĩ sao? Hoa Hữu Vân, Phó Vụ Trưởng Vụ Gia Đình cho rằng “cần phải gióng lên hồi chuông báo động để mọi nhà hãy chăm lo cho “phần làm người” của con cháu mình, chúng ta nhắc lại về gia đình trong việc giáo dục đạo đức, lối sống trong thời buổi giá trị vật chất đang len lỏi và chế ngự đến mọi quan hệ, ngay cả quan hệ gia đình...”

Một đảng (cướp và bán nước) từng xúi giục con cái đấu tố cha mẹ qua chính sách cải cách ruộng đất để cướp đoạt đất đai của người dân hồi năm 1954; hay sử dụng con cái những gia đình bị liệt vào thành phần 'tư sản' trong chiến dịch  cướp của mang mỹ danh 'cải tạo thương nghiệp' năm 1978 như ghi nhận của Huy Đức (Bên Thắng Cuộc), nay lại kêu gọi “giáo dục đạo đức” ?

Hoa Hữu Vân chỉ nói cho có nói, theo kiểu “ nói như Vẹm”, còn thì  ...“sống chết mặc bay”.

Có lẽ những “nghịch tử” trong các câu chuyện kể trên nên nghĩ đến hai chữ Nhân Quả, gieo hạt nào hái quả nấy.

Và cũng chắc chắn một điều, rằng khi bỏ nước ra đi tìm tự do, những người Việt tị nạn Cộng Sản gìn giữ được tinh thần nhân bản trong cuộc sống tha hương là nhờ vào di sản văn hoá mang theo được trong đó có truyền thống “kính cha thờ mẹ” luôn ghi nhớ ơn nghĩa sinh thành của dân tộc Việt Nam.

©Khanh An - HVR 

 


 

No comments:

Post a Comment