Sunday, March 23, 2014

WORLD CUP 2014 - Kỳ 2 - Khôi Nguyên


Bảng B: Tây Ban Nha, Hòa Lan, Chí Lợi, Úc Đại Lợi

Song Cường Áp Đảo Ngôi Đầu Bảng
Nhị Liệt Chênh Vênh Nhất Ải Quan

Chỉ cần nghe qua tên tuổi của hai đại cao thủ thuộc nhóm cước phái “Tốc Công Kiên Thủ” với trình độ cước thuật chẳng những bao trùm cả trời Âu mà còn vang danh khắp làng cầu võ lâm là Tây Ban Nha và Hòa Lan, có lẽ giới bình luận không cần phải suy đoán nhiều cũng nhìn ra được bảng B là chính vùng đất “cuồng phong loạn sóng” khi chứng kiến trận thư hùng ác chiến giữa cặp đấu kỳ phùng địch thủ là nhà đương kim vô địch và á quân thế giới vào lúc 4 giờ chiều ngày 13/6 trên sân Salvador. 

Cũng vì vậy, khi xếp chung bảng với Úc Đại Lợi và Chí Lợi, Tây Ban Nha cùng Hòa Lan được đánh giá là nhóm “song cường”, tức hai đội mạnh, hay đúng hơn là quá mạnh, còn Úc và Chí Lợi thì thực tế có phần kém hơn về đẳng cấp lẫn thành tích ra quân tại vũ đài World Cup. Điều oái ăm là cả Chí Lợi và Úc tuy đều mang danh xưng quốc gia chẳng những có kèm theo chữ “Lợi”, mà còn là “Đại Lợi” và “đạt đến đỉnh cao của lợi thế”, nhưng xem ra tại bảng B họ đã có phần…bất lợi trong cuộc chạy đua vượt qua bức tường thành vòng 1. 

Tuy vậy, nhận định này chỉ mang tính cách khôi hài để tăng thêm phần thú vị cho các dự đoán về cục diện bảng B. Vì theo cách nhìn khách quan, cả Úc lẫn Chí Lợi đều tránh được cú va chạm ác liệt đầu tiên với hai cường địch Tây Ban Nha- Hòa Lan và đều có cơ hội để tạo được một trận thắng làm bàn đạp cho thế tiến quân kế tiếp. Do Úc cùng Chí Lợi sẽ gặp nhau vào lúc 6 giờ chiều cùng ngày 13/6, tức sau khi có kết quả trận chiến “Long Hổ Tranh Cường, Lưỡng Bại Câu Thương” giữa Tây Ban Nha và Hòa Lan, chỉ cần Úc hoặc Chí Lợi giành được chiến thắng đầu tiên, họ sẽ có lợi thế rất nhiều, nhất là về mặt tinh thần để gia tăng sĩ khí chiến đấu. Biết đâu, Úc hoặc Chí Lợi sẽ là một trong hai đội của bảng B có mặt ở vòng 2. “Why not?”

Và chúng ta hãy thử tìm hiểu xem, “Nhị Liệt” có thể xoay chuyển được tình thế ngược dòng với những cách nhìn thông thường không?



TÂY BAN NHA

Trên vòm trời bao la với muôn vàn tinh tú chiếu sáng của làng cầu Châu Âu, Tây Ban Nha được coi là một “vì sao sáng…muộn” vì với quá trình phát triển túc cầu lâu đời cộng với nền tảng vững chắc nằm trong nhóm các đội mạnh khu vực từ những năm đầu thập niên 1980, nhưng phải đợi đến hơn 3 thập niên sau đó khi họ ứng dụng thật nhuần nhuyễn chiến thuật “Tiqui-Taca” gọi nôm na là loại võ công “Đoản Cầu Truyền Tẩu”, tức chuyền bóng ngắn và chạy, thì đội cầu có biệt danh “Hồng Quân” (La Roja) hay còn gọi là “Cơn Thịnh Nộ Tây Ban Nha” (La Furia Espagnola) của xứ sở đấu bò mới chính thức chạm tay vào chiếc cúp vô địch thế giới vào năm 2010. Đây cũng là thời điểm đưa Tây Ban Nha bước đến đỉnh cao danh vọng khi họ tạo kỷ lục cùng lúc đoạt luôn chiếc cúp Euro 2012, cũng như trước đó từng lên ngôi vô địch giải Euro 2008. Qua thành tích rực rỡ này, Tây Ban Nha trở thành đội bóng đầu tiên bảo vệ được ngai vô địch Châu Âu, hơn nữa trong cùng giai đoạn còn có thêm danh hiệu Cầu Vương 2010, tức một kỷ lục mà có lẽ trong suốt thời gian dài sắp tới khó có đội bóng nào có thể tái lập.

Tương tự như các môn võ thuật tuy chia làm nhiều nhánh phái nhưng chung quy vẫn xuất nguồn từ động tác chân tay với đôi chân trụ tấn, tung cước và đôi tay sử dụng quyền, trảo, chỉ v.v…, môn túc cầu cũng được liên tưởng qua khái niệm này với hình thức vận chuyển cơ bản là chuyền bóng, chạy và sút.



Từ đó, trường phái túc cầu của Tây Ban Nha đã cho ra đời môn cước đạo “Tiqui-Taca” được hiểu ngắn gọn là “chuyền bóng” và “chạy”. Tiqui-Taca còn tên gọi nguyên gốc là “El Fútbol tiqui-taca”, tức một loại cước phái có nét đặc trưng chuyên sử dụng các đường chuyền ngắn và chính xác trong quá trình các cầu thủ di chuyển để truy tìm khoảng trống liên tục nhằm chuyền bóng cho đồng đội cũng như kéo dài thời gian kiểm soát bóng. Đây chính là lối chơi hiện tại của đội cầu trứ danh Barcelona thuộc giải chuyên nghiệp La Liga ở xứ đấu bò. Do đó, đội tuyển Tây Ban Nha hiện nay được xem như một bản sao của Barcelona với hơn quá nữa binh lực chủ chốt đều là tuyển thủ của câu lạc bộ này.

Riêng về thuật ngữ Tiqui-Taca ngày nay đã trở nên thông dụng trong giới túc cầu từ lời tường thuật trên đài truyền hình LaSexta của nhân vật người Tây Ban Nha tên Andrés Montes khi ông đang bình giải trực tiếp trận đấu giữa đội nhà và đối thủ Tunisia ở giải World Cup 2006, với câu tán dương một pha chuyền bóng ngắn đẹp mắt của các tuyển thủ Tây Ban Nha: “Estamos tocando tiki-taka, tiki-taka” (tạm dịch: đội bóng chúng ta đang chơi trò tiki-taka). Chữ tiki-taka ở đây được hiểu là một trò chơi tung hứng của người Tây Ban Nha.
Trên thực tế, phong cách “tung hứng” Tiqui-Taca của câu lạc bộ Barcelona vốn xuất nguồn từ sáng kiến của cựu danh thủ Hòa Lan Johan Cruyff khi ông dìu dắt đội bóng này từ năm 1988. Sau đó, những người kế nhiệm đồng hương của ông như Louis Van Gaal hay Frank Rijkaard đều có công phát triển thêm để phù hợp theo đà tiến hóa. Từ đó cho thấy môn cước thuật Tiqui-Taca có liên quan mật thiết đến chiến pháp “Tổng Lực Thần Công” (Total Football) của Hòa Lan do chính chân sút huyền thoại Johan Cruyff  hoàn thiện và kế thừa từ “tổ sư” Rinus Michels mà chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về các chi tiết liên quan khi bước sang sân cỏ của đội Hòa Lan.




Trở lại đội bóng Tây Ban Nha, dù đã sớm thành lập từ năm 1920 nhưng phải đến 44 năm sau tức năm 1964 họ mới có được một danh hiệu lớn đầu tiên là chức vô địch Euro 1964 sau trận chung kết đá bại cựu Liên Bang Xô Viết 2-1. Trước đó, Tây Ban Nha cũng từng đứng hạng Tư giải World Cup 1950 vốn là điểm son cuối cùng đưa họ bước vào thời kỳ trồi sụt, loay hoay với nỗ lực chinh phục chiếc cúp thế giới đều chỉ mang lại những kết quả ngoài ý muốn dù rất được dư luận quốc tế kỳ vọng. Đây cũng là giai đoạn mà Tây Ban Nha đã hình thành lối chơi truyền thống thiên về các đường đan chuyền ngắn nhưng thường bị thất bại mỗi khi bước qua vòng 1, trong đó bao gồm cả World Cup 1982 là giải đấu mà họ có ưu thế sân nhà.

Sau khi kết thúc giải World Cup 2006, chiến thuật gia Luis Aragonés mới ngộ ra nguyên nhân thất bại nơi đặc tính của các tuyển thủ Tây Ban Nha là thường bị đuối sức sau khi tung ra hết nội lực cho các trận vòng 1, tức họ gặp phải vấn đề thể lực và nhân lực, Cũng từ điểm này, Tây Ban Nha không đủ sức chiến đấu khi gặp phải các đội bóng mạnh của Châu Âu hoặc Nam Mỹ. Từ đó, ông Aragonés chuyên tâm nghiên cứu chiến pháp Tiqui-Taka rồi áp dụng vào thực tế tại giải Euro 2008 với dàn quân được coi là thế hệ tài năng nhất trong lịch sử túc cầu của Tây Ban Nha khi họ biểu diễn các ngón đòn “niêm bóng” qua hình thức chuyền ngắn chính xác và nhất là cho thấy được một đội hình gắn bó theo khái niệm “tâm ý tương thông” nên kết quả đã mang về chiếc cúp vô địch khu vực rồi kế đến là chế ngự World Cup 2010 sau khi đá bại cường địch Hòa Lan 1-0 ở hiệp phụ trong trận chung kết lịch sử.


Huy hiệu đội tuyển quốc gia Tây ban Nha

Nếu trong môn Tiệt Quyền Đạo của cố võ sư Lý Tiểu Long thường chú trọng đến lối “niêm cước”, tức so chân kèm sát ngọn cước đối thủ, thì Tiqui-Taca cũng có cách nhìn tương tự qua hình thức rà bóng dính chặt trong cặp chân để thực hiện các đường chuyền, đồng thời còn được hiểu rộng hơn là hình thức “niêm bóng” vốn mang ý nghĩa của chiến thuật kiểm soát bóng lâu dài để điều khiển thế trận. Qua đó, “Niêm bóng” và “Tâm ý tương thông” chính là hai yếu quyết căn bản của môn cước đạo Tiqui- Taca được Xavi Hernandez, một trong các tiền vệ chính hiện nay của đội Tây Ban Nha diễn giải rằng: “Đội hình chúng tôi dựa vào những sáng kiến chung mà mọi người đều hiểu rõ lẫn nhau để giữ bóng, chuyền bóng và di chuyển đến các khoảng trống nhằm tạo áp lực cho đối thủ”.

Cùng với Xavi, ngày nay các tên tuổi trong sơ đồ chiến thuật 4-3-3 của Tây Ban Nha như Sergio Ramos, Jordi Alba, Andrés Iniesta, Cèsc Fabregas, Xabi Alonso, David Silva, Dieogo Costa v.v... đã quá quen thuộc với giới hâm mộ cũng như có lẽ không cần phải đề cập đến tài nghệ nhồi bóng sắc sảo của họ. 
Đương nhiên, bên cạnh ưu điểm của lối đá nắm giữ thế trận qua chiến thuật kiểm soát bóng lâu dài bằng những đường chuyền liên tục để vây hãm và tạo cơ hội đột phá, Tiqui-Taca của Tây Ban Nha cũng có khuyết điểm khi gặp các cao thủ sở trường về lối phản công sắc bén bất ngờ, điển hình là ngay trận ra quân đầu tiên giải World Cup 2010 họ đã bị dính đòn “hồi mã cước” của Thụy Sĩ và bại trận với tỷ số 0-1. Hơn nữa, trong trận chung kết giải Confederations 2013, Tây Ban Nha cũng bị Ba Tây điểm trúng tử huyệt bằng đấu pháp thực dụng khai thác các lổ hổng, đưa đến kết quả bị thua trắng 3 bàn. Vì vậy, để bù vào chỗ trống khi áp dụng lối đá dành ưu tiên cho thế công, nơi cầu môn của Tây Ban Nha cần một thủ thành có phản xạ thật nhạy bén. Nhân tuyển này cho đến nay không ai thích hợp bằng Iker Casillas, một khuôn mặt gắn liền với câu lạc bộ Real Madrid cùng đội tuyển quốc gia bao năm qua.

Sau bước thành công Euro 2008, ông Aragonés đã ra đi trong vinh quang để nhường lại chiếc ghế chỉ huy cho HLV  Vincente Del Bosque và chiến thuật gia hậu nhiệm này cũng đưa đội Tây Ban Nha bước sang một trang sử mới đầy chiến tích vô địch kèm theo biệt danh “đoàn quân bất bại” khi họ đang giữ kỷ lục 35 trận liên tiếp không hề nếm mùi phơi áo trên sân trong giai đoạn từ năm 2007-2009.


Ủng hộ viên đội Tây Ban Nha

Tại bảng B lần này, Tây Ban Nha có duyên tái ngộ cùng 2 bại tướng dưới chân là Hòa Lan và Chí Lợi khi cuộc tỷ thí giữa họ và Hòa Lan tái hiện trận chung kết cách đây 4 năm, và Tây Ban Nha cũng đã từng thắng Chí Lợi 2-1 khi họ gặp nhau tại bảng H ở World Cup 2010. Tỷ số 2-1 cũng cho thấy muốn đá thủng lưới Tây Ban Nha cũng không phải là điều quá khó khăn đối với Chí Lợi và cả Úc. Trong khi Úc vẫn còn là một ẩn số lạ lẫm đối với Tây Ban Nha. Theo cách nhìn chiến lực tổng quát thì Tây Ban Nha có nhiều ưu thế hơn cả 3 đối thủ nhờ dàn quân thiện chiến, ăn ý do các tuyển thủ của họ có nhiều cơ hội sát cánh bên nhau trên chiến trường La Liga. Riêng đối với Hòa Lan, hơn ai hết Tây Ban Nha hiểu rất rõ rằng trận đấu “không mong đợi” này ngoài ý nghĩa khẳng định vị thế hùng bá ở bảng B, còn mang tính cách quyết liệt nơi một trận phục thù của đối phương nên họ sẽ phải rất thận trọng. Cùng lúc, cả hai đại cao thủ này đều là những đội cầu danh trấn tứ hải nên chắc chắn giữa họ sẽ không có những cuộc “thỏa thuận ngầm” về một thế trận “giữ hòa dồn sức, bức nhị liệt”. 

Cuối cùng, có thể đi đến kết luận rằng cả 3 trận chiến của Tây Ban Nha ở bảng B đều có mức độ liên quan nhất định và tạo ảnh hưởng không ít đến thế tiến quân vào vòng 2 của họ.



HÒA LAN

“Ba lần lỗi hẹn cúp vàng
Ngày nay cơn lốc màu cam vẫn là
Đội mạnh ngũ bá Châu Âu
Giấc mơ vô địch từ lâu đợi chờ
Cơ hội xưng bá giang hồ
Ba Tây luận cước đến giờ ra quân”

Trong lịch sử World Cup, Hòa Lan là đội bóng duy nhất có đến 3 lần góp mặt ở trận chung kết nhưng đều trắng tay và cho đến nay giới ái mộ quốc tế vẫn còn đặt nhiều kỳ vọng về một giải đấu mà Hòa Lan sẽ áp dụng thành công môn võ công độc đáo của họ là “Tổng Lực Cước Pháp” (Totaalvoetbal) để lên ngôi vô địch. 

Khởi đầu là chiến trường World Cup 1974 tại Cộng Hòa Liên Bang Đức, lối đá “toàn quân công- thủ” do đội bóng áo cam Hòa Lan thi triển đã tạo nên một cuộc cách mạng vô tiền khoáng hậu và đặt nền tảng phát triển đa dạng cho môn túc cầu ngày nay. Đó chính là hình thức ứng dụng khái niệm “tổng lực” với tất cả tuyển thủ đều có thể hiện diện ở khắp các vị trí trên sân để tổng hợp lực lượng vào thế công hoặc thủ. Từ đó, hình thức một hậu vệ dâng lên ghi bàn hay một tiền đạo rút sâu về sân nhà phòng thủ đã làm thay đổi bộ mặt túc cầu thế giới.


Đội tuyển Hòa Lan 1974

Nhân vật tiên phong trong việc đề xướng ý niệm “tổng lực” là ông Rinus Michels, một cựu tuyển thủ Hòa Lan kiêm HLV các câu lạc bộ như Ajax, Barcelona và sau đó là đội tuyển quốc gia. Từ đầu thập niên 1970, tổ sư Rinus Michels đã sáng chế lối đá tổng lực kèm theo thế trận gài bẩy việt vị rất tinh vi khi đang dẫn dắt đội Ajax nên ông đã đưa đội bóng này lên ngôi vô địch cúp C1, tức cúp Vô Địch Câu Lạc Bộ Châu Âu. Kế đến, ông cũng giúp Barcelona chế ngự giải chuyên nghiệp La Liga mùa bóng 1973-1974. Nhưng nổi bật nhất là thành tích đưa đội tuyển Hòa Lan tiến đến đỉnh cao trận chung kết World Cup 1974. 

Khi đó, lối đá tổng lực trong thế công của Hòa Lan tựa như những trận cuồng phong bão tố, lần lượt xóa sổ Á Căn Đình cùng Ba Tây để cuối cùng đụng độ nước chủ nhà Tây Đức. Danh hiệu “cơn lốc màu cam” được cầu giới phong tặng cho đội Hòa Lan cũng xuất phát từ lối  tấn công dồn dập này. Đáng tiếc là chân làm bàn kiêm thủ quân Johan Cruyff lúc đó đã bị danh thủ Beckenbauer của đội Đức chế ngự bằng chính chiêu thức “niêm cước”, khóa chặt các đường bóng tấn công. Ngoài ra, đội Đức với lợi thế nước chủ nhà cùng phong độ cá nhân quá xuất sắc của tiền đạo Gerd Muller nên họ đã khép lại trận đấu bằng chiến thắng 2-1. Từ đó, dường như Đức cũng trở thành “khắc tinh” của Hòa Lan mỗi khi hai đội chạm trán ở những giải đấu quốc tế.

Bốn năm sau, Hòa Lan lại tiếp tục lỗi hẹn với chiếc cúp vàng khi gặp Á Căn Đình trong trận chung kết World Cup 1978 tại thủ đô Buenos Aires, tức trên sân địch thủ. Và lần này, họ gặp phải chân săn bàn Mario Kempes của đội chủ nhà quá tinh quái, sắc bén trong các pha phản công thần tốc nên đành chấp nhận danh hiệu á quân thế giới sau khi bại trận với tỷ số 1-3. 
Huy hiệu đội tuyển quốc gia Hòa Lan

Từ giữa thập niên 1980, đội hình Hòa Lan cùng lúc quy tụ được ba tên tuổi kiệt xuất nhất trong làng cầu quốc tế được gọi là “Cuồng Phong Tam Cước” gồm Marco Van Basten, Ruud Gullit và Frank Rijkaard nên đã tạo thành một thời đại hoàng kim qua thành tích đưa đội nhà đoạt cúp Euro 1988. Vốn được tổ sư Rinus Michels đích thân truyền thụ tâm pháp chiến lược, nên “Tam Cước” sau này đều trở thành những chiến thuật gia nổi tiếng.

Riêng Johan Cruyff đã bắt đầu gieo mầm ý tưởng Tổng Lực trên đất Tây Ban Nha từ năm 1988 khi ông dìu dắt đội bóng Barcelona và cũng từ đó hình thành lối đá Tiqui-Taca thời nay nhờ vào công lao bồi đắp thêm của những HLV người Hòa Lan kế nhiệm. Từ mối tương quan nguồn gốc cước thuật này, Hòa Lan và Tây Ban Nha lại rẽ nhánh thành hai trường phái tuy có dạng thức khác nhau nhưng lại chung đặc điểm là “tổng lực”, với Hòa Lan thiên về lối chuyền nhanh, sút gọn, đẩy mạnh tốc độ trong khi Tây Ban Nha vờn bóng ngắn, biến hóa liên tục ở từng vị trí.
Hiện nay, người giữ trọng trách lèo lái đội hình Hòa Lan là ông Louis van Gaal, được biết là một danh sư có cá tính chọn lọc cầu thủ rất nghiêm khắc. Với nhiệm vụ tái kiến bộ mặt lợi hại của Hòa Lan, ông Van Gaal tiếp nhận chức vụ HLV ngay sau thời điểm đội nhà bị loại tại vòng 1 giải Euro 2012. Quả nhiên, ông đã đưa Hòa Lan dẫn đầu nhóm D ở lượt đấu dự tuyển vòng loại qua thành tích 9 thắng 1 hòa. Dù vậy, mục tiêu mà ông đặt ra cho Hòa Lan ở World Cup 2014 có vẻ khá “khiêm tốn” là lọt vào vòng bán kết qua lời nhận định: “Trên bảng xếp hạng của FIFA, dù Hòa Lan đứng thứ 8 hay thứ 10 thì cũng không quan trọng, nhưng  chúng tôi không phải là ứng viên hạng Nhất tại World Cup sắp tới. Theo tôi, Ba Tây, Á Căn Đình và hai đội tuyển Tây Ban Nha cùng Đức mới là những ứng viên vô địch hàng đầu, còn chúng tôi chỉ là hạng thứ yếu. Tôi đã khởi dụng nhiều gương mặt mới cho đội tuyển và họ có khả năng cũng như ghi được nhiều bàn thắng nơi loạt đấu dự tuyển vòng loại. Nhưng với thực lực hiện tại, việc lọt vào bán kết cũng là một nhiệm vụ vô cùng khó với Hòa Lan”.

Nhìn qua cách dụng binh của HLV Van Gaal, rất dễ dàng nhận thấy được ông đang gặp khó khăn trong bài toán hoàn chỉnh nhân sự cho hàng thủ. Bởi lẽ sau gần hai năm bắt tay xây dựng đội hình mới, người ta thấy ông luôn có thay đổi các khuôn mặt cầu thủ khác nhau nơi dàn hậu vệ với sơ đồ căn bản 4-2-3-1 và gần đây có vẻ như Van der Weil, Ron Vlaar, Daryl Janmaat, Joel Veltman được xem là sự lựa chọn thường xuyên. Cũng qua tính cách thử nghiệm liên tục này, trong 3 trận giao hữu gần đây nhất, Hòa Lan đã để lộ nhiều khuyết điểm nơi tuyến phòng thủ nên mang lại kết quả khá bi quan với 2 trận hòa cùng Nhật Bản và Colombia vào tháng 11/2013 cũng như để thua trắng 0-2 trước đội Pháp. 

Đáng tiếc là trong trận đụng Pháp vào ngày 5/3/2014, Hòa Lan còn hứng chịu tổn thất nặng nề khi tiền vệ trẻ được kỳ vọng nhất là Kevin Strootman bị chấn thương phải điều trị suốt 6 tháng tức bị xóa tên khỏi danh sách đội tuyển. Vì vậy, nơi hàng tiếp ứng lão tướng Sneijder sẽ cùng Siem de Jong, Schaars và 2 chân sút trẻ là Jordy Clasie, Klassen sát cánh bên cạnh “Tứ Đại Sát Thủ” Robin Van Persie, Arjen Robben, Huntelaar, Dirk Kuyt mà trong số này Van Persie cùng Robben là hai nòng pháo bất khả khuyết của đội hình Hòa Lan. Một cách tổng quát, cho dù ở thời điểm hiện nay Hòa Lan vẫn chưa chọn ra một đội hình lý tưởng nhất có thể thuyết phục giới hâm mộ nhưng với nền tảng cước thuật cao thâm, thuộc nhóm các đội mạnh Châu Âu nên họ vẫn được xem là một ứng viên vô địch kèm theo nhiều kỳ vọng như bao lần trước.


Ủng hộ viên đội tuyển Hòa Lan

Xét về cục diện bảng B, sự xuất hiện của Hòa Lan đã vô tình hình thành một thế lực đối trọng ngang ngữa với Tây Ban Nha hoặc tối thiểu cũng làm giãm đi phần nào thế lực của nhà đương kim vô địch. Hơn nữa, nếu Hòa Lan trả được mối hận 4 năm trước ở trận ra quân đầu tiên thì họ sẽ tạo một bước đột phá lớn về tâm lý lẫn thành tích chiến đấu để mở đường cho cuộc chinh phục cúp vàng lần này. Còn lại, đối với Chí Lợi và Úc đương nhiên Hòa Lan là một cao thủ trên chân nên không thể phủ nhận được thế áp đảo của họ cùng Tây Ban Nha trong cuộc tranh đua ngôi Nhất Nhì bảng. Tuy vậy, ở một mức độ và cơ hội nhất định nào đó, Úc và Chí Lợi cũng có đủ khả năng gây ra những đợt sóng loạn.



CHÍ LỢI 

Tại khu vực Nam Mỹ, Chí Lợi chỉ đứng sau Á Căn Đình về lịch sử hình thành nền túc cầu khi Liên Đoàn Bóng Tròn xứ này ra đời từ năm 1895 nhưng đến 15 năm sau, trận đấu quốc tế đầu tiên của đội tuyển Chí Lợi mới diễn ra vào năm 1910. 

Quá trình lâu dài này cho thấy những bước thử thách gian truân của Chí Lợi trong việc đào tạo nhân tài và hình thành đội tuyển quốc gia. Từ đó, họ có nhiều bước tiến khả quan như góp mặt ngay kỳ đại hội võ lâm đầu tiên tại World Cup 1930, trở thành nước đăng cai giải Thế Giới 1962 với thành tích hạng Ba sau khi đá bại cả ba “hung thần” Châu Âu đương thời là Ý, cựu Tiệp Khắc cùng cựu Nam Tư. Trong thời điểm thập niên 1960 trình độ nhồi bóng của Chí Lợi ở vùng Nam Mỹ không thua kém gì các cường quốc Ba Tây, Uruguay, Á Căn Đình nhưng sau đó họ đứng trước thế cạnh tranh gay gắt do thế lực các đội bóng cùng khu vực như Paraguay, Peru, Colombia, Ecuador v.v…ngày càng lớn mạnh.  



Bước vào thập niên 1970, sau khi Ba Tây đoạt vĩnh viễn chiếc cúp Nữ Thần vàng, lối đá thi triển kỹ thuật cá nhân phối hợp cùng các đường chuyền ngắn đã trở thành trường phái chuyên biệt của Nam Mỹ nên các quốc gia trong vùng đều khai triển đấu pháp này dựa trên đặc tính chiến thuật của từng đội bóng.

Trong bối cảnh này, Chí Lợi đi theo chiều hướng của một đội hình lấy thế công làm nền tảng qua dạng thức truyền thống 3-3-1-3, tức luôn có 6 hoặc 7 tuyển thủ sẵn sàng cho thế trận dâng quân để chia làm 3 cánh gọi là chiến pháp “tải binh lưỡng biên, trung lộ trực tiến”. Đội hình này thường có một tiền vệ trụ cột đóng vai trò trấn giữ ở trục trung tâm của tuyến tiếp ứng để vận chuyển đội hình, đồng nghĩa với việc nhân tuyển này còn là một hậu vệ chính trong thế trận phòng thủ. Trong khi đó, một tiền vệ ở tuyến trên là chìa khóa mở cửa các lộ tiến quân cho hàng tiền đạo với 3 mũi nhọn tấn kích các phương vị hai cánh và chính diện khu cấm. Lối đá này càng được ưa chuộng và phát triển mạnh mẽ dưới thời HLV Marcelo Bielsa từ năm 2007 đến 2011, đồng thời hiện nay cũng được HLV đương nhiệm Jorge Sampaoli tái khởi dụng. 



Để đạt đến hướng đi của một đội cầu chuyên về thế tấn công nhưng vẫn giữ được nét truyền thống đan bóng bằng kỹ thuật ngoạn mục như hiện nay, vốn khác biệt so với lối đá toan tính chiến thuật hay sử dụng tiểu xảo, mánh khóe hoặc vờn bóng kéo giãn thời gian của đa số các quốc gia cùng khu vực, Chí Lợi cũng phải trải qua những thời kỳ đen tối mà vụ tai tiếng gian lận khiến họ bị FIFA tước quyền tham chiến 2 kỳ World Cup liên tiếp vào năm 1990 và 1994 là một vết nhơ khó phai đối với dòng sử túc cầu lâu đời của họ. 



Vụ bê bối này được gọi là “sự kiện Roberto Rojas” xảy ra vào tháng 9/1989 và cho đến nay có lẽ cũng ít người còn nhớ đến. Khi đó, World Cup quy định chỉ có 24 đội bóng tranh tài và khu vực Nam Mỹ có 9 đội chia làm 3 nhóm tranh vé ở giai đoạn cuối dự tuyển vòng loại. Hơn nữa, vùng Nam Mỹ ngoài đội đương kim vô địch thế giới lúc đó là Á Căn Đình được hưởng đặc quyền không cần qua dự tuyển vòng loại, còn lại chỉ có được 2 vé rưỡi, tức trong 3 đội đầu nhóm đội nào có thành tích kém nhất phải tiếp tục tranh ở vòng đấu play-offs. Lúc đó, Chí Lợi nằm cùng nhóm 3 với Ba Tây và Venezuela. Trước một đối thủ yếu kém là Venezuela, cả Ba Tây cùng Chí Lợi đều dễ dàng lướt thắng ở 2 lượt trận. Trong khi ở trận lượt đi, cuộc đọ cước giữa Chí Lợi và Ba Tây đưa đến kết quả bất phân thắng bại qua tỷ số 1-1, nhưng nhờ hiệu số bàn thắng cao hơn nên Ba Tây tạm dẫn đầu. Tình thế này buộc Chí Lợi phải đá bại Ba Tây trên sân địch ở lượt về ngày 3/9/1989, mới có cơ hội đến Ý vào năm 1990.

Thế nhưng, ở phút thứ 4 của hiệp hai, Chí Lợi bị chân làm bàn khét tiếng của Ba Tây là tiền đạo Careca tung lưới trước nên hầu như họ lâm thế tuyệt vọng và phải chờ đợi thời cơ để xuất chiêu…tà cước. Đến phút 25 hiệp hai, một nữ khán giả người Ba Tây trong lúc cao hứng ném chiếc pháo đốt sáng vào sân gần ngay khung gôn thủ thành Roberto Rojas của Chí Lợi thì tay chụp gôn kiêm thủ quân này đã ôm đầu ngã lăn trên sân. Khi nhóm cấp cứu đến nơi nhìn thấy đầu của Roberto Rojas máu chảy quá nhiều nên vội khiêng anh vào trong chữa trị và trận đấu tạm thời ngưng lại. Sau đó, phía cầu thủ Chí Lợi không chịu tiếp tục ra sân khi trưởng cầu đoàn của họ tuyên bố rằng cho đến khi nào mức độ an toàn chưa được được bảo đảm thì họ sẽ hủy bỏ trận đấu. Cuối cùng, trận chiến đành gác lại với kết quả Ba Tây tạm dẫn điểm 1-0 nhưng Liên Đoàn Túc Cầu Chí Lợi đã yêu cầu FIFA vô hiệu hóa trận đấu này vì lý do cầu thủ của họ bị tấn công kèm theo nguyện vọng xin được…xóa bài làm lại, tức tổ chức một trận đấu khác.

Ngay ngày hôm sau, một tay nhiếp ảnh người Á Căn Đình cộng tác với tờ “Soccer Magazine” của Nhật Bản tung ra tấm hình cho thấy chiếc pháo sáng quăng vào sân không hề chạm vào người thủ môn Roberto Rojas. Thêm vào kết quả điều tra của FIFA sau đó cho biết chính Roberto Rojas đã dùng con dao cạo mà anh cất giấu trong người để tự…rạch vào đầu mình gây thương tích hòng hủy bỏ kết quả trận đấu mà Chí Lợi bị thất thế. Qua vụ gian trá này, Roberto Rojas cùng HLV Orlando Aravena bị treo giò suốt đời, còn người tòng phạm là hậu vệ Fernando Astengo bị treo giày 5 năm. Riêng Liên Đoàn Túc Cầu Chí Lợi phải đóng tiền phạt 100.000 mỹ kim kèm theo án phạt bị tước quyền tranh vé World Cup 1994 tại Hoa Kỳ. Mặt khác, Liên Đoàn Túc Cầu Ba Tây cũng bị phạt 12.000 mỹ kim vì lỗi lầm không bảo vệ được an ninh tại cầu trường sân nhà.



Lượt qua hình ảnh quá khứ nhằm đối chiếu với hiện tại để thấy rằng ngày nay Chí Lợi đang mang bộ mặt khác hẳn khi họ là một trong số ít đội bóng hiếm hoi của vùng Nam Mỹ chọn đấu pháp công phá làm nền tảng chiến thuật và sẵn sàng ứng chiến trước mọi đối thủ mà không hề áp dụng thủ thuật, mưu mô từ hình thức lẫn nội dung khi chiến đấu.  

Có thể khẳng định rằng, người có công thay đổi mô hình cho Chí Lợi chính là cựu HLV người Á Căn Đình Marcelo Bielsa từ lúc ông giữ vai trò chỉ đạo trong khoảng thời gian 2007-2011. Nhận thấy vóc dáng của các tuyển thủ Chí Lợi chỉ ở tầm mức trung bình vốn không phù hợp với lối chơi phòng thủ kiên cố, ông Bielsa đã mạnh dạn đẩy cao đội hình bằng cách lựa chọn hình thức chuyền bóng ngắn gọn phối hợp với tốc độ nhanh nhẹn để tạo cơ hội đột phá. Từ đó, những đường chuyền đan kẽ vừa chính xác vừa bộc lộ nét thẩm mỹ của những cặp chân đi bóng lắt léo đã hình thành đặc tính của nền túc cầu Chí Lợi hiện đại. Tiếp nối sự nghiệp của ông Bielsa là người đồng hương Claudio Borghi, nhưng nhà chiến thuật này đã sớm bị giải nhiệm khi đưa đội Chí Lợi trở về lối mòn “tiên thủ hậu công” dẫn đến tình trạng xuống dốc trong suốt một năm từ 2011-2012. Sau đó, HLV Jorge Sampaoli được mời thay thế chỗ trống này. Lập tức, dàn quân chủ lực dưới thời ông Bielsa được triệu tập để tái kiến đội hình tấn công với kết quả Chí Lợi đã đoạt được chiếc vé đến Ba Tây ở vị trí hạng Ba, đứng sau Á Căn Đình và Colombia.



Tuy có một vài phần khác biệt ở các vị trí  trong đội hình hiện nay, nhưng tựu chung lối đá của Chí Lợi vẫn mang đậm màu sắc của một đoàn quân luôn hướng về phía sân địch, chủ động mở ra các lộ tiến binh nhằm vây hãm cấm địa không khác gì dưới thời ông Bielsa. Ngược lại, chiêu pháp này cũng có sơ hở là để lộ nhiều khoảng trống cho đối phương phản đòn trong trường hợp bị đoạt bóng. Điều này lý giải được hiện tượng tuy Chí Lợi là đội bóng ghi bàn nhiều thứ nhì sau Á Căn Đình tại dự tuyển vòng loại khu Nam Mỹ với 29 điểm, nhưng họ cũng để lọt lưới nhiều nhất trong số 4 đội đoạt vé chính thức với 25 bàn thua. Theo cách nhìn khách quan, phong cách chiến đấu của Chí Lợi thường tạo được bầu không khí thông thoáng cho cả đôi bên khi họ không cần kềm chân truy bóng gay gắt với đối phương, vốn được áp dụng đúng theo triết lý túc cầu của ông Jorge Sampaoli : “Khi bạn đang dẫn bóng tìm kẽ hở của đối phương thì cũng là lúc bạn để lộ kẽ hở”. Cũng có thể gọi nôm na đây là chiến thuật “dễ người dễ ta”.

Một trong những ngôi sao sáng nổi bật nhất của Chí Lợi là tiền đạo Alexis Sanchez, đang ở vào thời kỳ chín muồi phong độ của lứa tuổi 25 và hiện đang đứng thứ 5 trong danh sách vua làm bàn của lịch sử đội nhà với 22 cú tung lưới sau 66 lần khoác áo đội tuyển quốc gia. Mức độ tài năng của Alexis Sanchez còn khiến câu lạc bộ Barcelona phải bỏ ra khoảng 23 triệu bảng Anh để mua lại cầu thủ này từ đội Udinese Calcio thuộc giải chuyên nghiệp Serie A Ý Đại Lợi. Cũng chính Alexis Sanchaez là người đã tạo cơn ác mộng cho đội tuyển “Tam Sư” trong trận đấu giao hữu ngày 15/11 năm ngoái ngay tại thánh địa Wembley ở London, khi anh trở thành tác giả hai bàn thắng vùi dập cao thủ Anh Quốc 2-0. Trong khi đó, chân làm bàn Eduardo Vargas cùng các hảo thủ nơi hàng tiền vệ như Matías Fernández, Jean Beausejour, Jorge Valdivia, Arturo Vidal v.v…cũng tạo thành một hệ thống ráp nối linh hoạt cho cổ máy tấn công đầy uy lực của Chí Lợi. Nơi chốt chận cuối cùng của hàng phòng ngự, thủ môn kỳ cựu Claudio Bravo nay phải lui về hàng ghế của đội quân trừ bị để nhường chỗ cho Johnny Herrera trấn giữ khung thành cùng các hậu vệ Gary Medel, Marcos Gonzalez, José Rojas, Gonzalo Jara v.v…



Để chuẩn bị cho World Cup lần này, Chí Lợi có tất cả 6 cuộc “rèn binh luyện mã” khởi đầu từ trận thắng Anh Quốc 2-0 vào tháng 11 năm ngoái, kế đến là bại chiến 1-2 trước Ba Tây, thắng Costa Rica 4-0, thua Đức 1-0. Còn lại 2 trận đụng Ai Cập, Bắc Ái Nhĩ Lan sẽ lần lượt diễn ra vào tháng 5 và tháng 6/2014.
Tuy bị xếp vào hạng một trong hai đội yếu thế của bảng B nhưng với thành phần tuyển thủ khá đều đặn, kết hợp với lối chơi thông thoáng, lăn xả, quyết liệt tấn công nên chắc chắn Chí Lợi sẽ là một trở ngại không nhỏ cho cả 3 đối thủ. Đặc biệt, ở trận ra quân đầu tiên gặp Úc, Chí Lợi thừa hiểu rõ rằng chỉ có kết quả thắng trận mới giúp họ gia tăng cơ hội tìm thấy lối vào vòng 2, vốn được coi là khá mong manh trước thế lực áp đảo của Tây Ban Nha và Hòa Lan. Điều này càng khiến cho bảng B thêm phần thú vị.



ÚC ĐẠI LỢI

Với hình thể địa lý mang đặc tính của một châu lục rộng lớn nằm riêng biệt ở phía Nam Bán Cầu, hiện nay Úc là quốc gia duy nhất thuộc nhóm các đội bóng mạnh ở Châu Á nhưng lại rất ít có cơ hội ma sát với những trường phái túc cầu khác trên thế giới. Kèm theo đó, lịch sử chào đời của đội tuyển quốc gia của Úc cũng khá đặc biệt khi đoàn quân xứ Kangaroo kết thành vào năm 1922 chỉ để đáp ứng cho trận cầu giao hữu với New Zealand. Từ khởi điểm này, đội tuyển Úc được giới ái mộ quốc nội ưu ái gọi bằng danh xưng “Socceroos” đã có 3 trận đấu liên tiếp gặp người láng giềng New Zealand với kết quả 2 bại 1 hòa. 

Lần lượt sau đó, Nam Phi, Trung Quốc v.v…là những đối thủ hiếm hoi đến Úc trong một vài trận đấu giao hữu. Cho đến nay, dù đã trải qua hơn 80 năm kể từ khi thành lập đội tuyển quốc gia, nhưng do điều kiện địa hình cách xa các châu lục khác gây trở ngại di chuyển nên việc tổ chức những trận đấu quốc tế ở Úc vẫn còn là một vấn đề tồn đọng và liên quan đến sự phát triển của làng cầu xứ Kangaroo. Thêm nữa, đa số dân Úc chỉ yêu chuộng hai môn thể thao truyền thống là Cricket và Football mang tính đặc thù của xứ này nên môn túc cầu gặp nhiều hạn chế.

Từ sau thập niên 1950, đội Úc bắt đầu có những bước tiến tuy chậm nhưng được coi là khá vững chắc nên đã cùng New Zealand chính thức hình thành thế lực khu vực Châu Đại Dương. Năm 1965 là thời điểm ghi dấu đội Socceroos lần đầu tiên tham dự loạt đấu dự tuyển vòng loại để tranh vé World Cup 1966 và được xếp trong nhóm liên khu vực Châu Á-Châu Đại Dương. Sau khi vượt qua các đối thủ ở vòng ngoài, Úc gặp Bắc Hàn và để thua với tỉ số tổng cộng 2-9 sau hai lượt trận. Tiếp đến, những chú “Hoàng Y Đại Thử” lại vấp ngã trước Do Thái ở vòng đấu cuối dự tuyển vòng loại World Cup 1970. Lúc này, lối đá kiên thủ phối hợp cùng những đợt sóng tấn công tuy không ào ạt nhưng luôn tiềm ẩn mức độ lợi hại bất ngờ qua hình thức tấn công từ hai biên đã trở thành nền móng túc cầu truyền thống xứ Kangaroo kéo dài suốt hơn 3 thập niên.


Soceroos 1974

Trong giai đoạn này, đội Úc đã khiến cầu giới quốc tế bất ngờ qua sự góp mặt lần đầu tiên tại Wolrd Cup 1974. Bởi lẽ, họ đã vượt qua 6 trận đấu cam go để giành ngôi Nhất nhóm 2 của bảng B rồi sau đó tiếp tục loại sổ hai cao thủ Châu Á là Iran và Đại Hàn để trở thành đại diện duy nhất của khu vực Châu Á-Đại Dương tranh tài ở Tây Đức năm 1974. Khi đó, Úc sớm ngã gục tại vòng 1 sau 2 trận thua dưới chân Đông Đức, Tây Đức và 1 trận hòa không bàn thắng (0-0) với Chí Lợi. Thế nhưng, cũng từ đó các trận đấu dự tuyển vòng loại và sau này là hình thức play-offs giữa đội vô địch Châu Đại Dương và đội có thành tích yếu kém nhất của vùng Nam Mỹ, đã trở thành “quỷ môn quan” đối với những chú chuột túi Socceroos khi họ liên tục thất bại trong suốt 7 kỳ dự tranh vé World Cup từ năm 1978 đến 2002. Có lẽ vì vậy mà ngày nay cũng không còn mấy ai nhớ rằng Úc chính là đội bóng đang giữ kỷ lục thế giới về thành tích phá lưới một trận đấu quốc tế qua trận đá bại đối thủ American Samoa (một vùng lãnh thổ tại hải ngoại của Hoa Kỳ) với tỷ số ăn trắng lên đến 31-0.

Đó là trận chiến dự tuyển vòng loại khu vực vào ngày 11/4/2001 mà tiền đạo Archie Thompson lập kỷ lục ghi 13 bàn, kế đến là cầu thủ David Zdrilic ghi 8 bàn. Tuy đạt chiến thắng mang tính cách kỷ lục thế giới, nhưng sau đó HLV Frank Farina cùng tiền đạo Archie Thompson đã lên tiếng yêu cầu FIFA tái phối trí lại hình thức dự tranh giữa các đội bóng không tương xứng đẳng cấp trong cùng khu vực. Ý kiến này lập tức được chấp thuận và từ đó hình thức dự tuyển vòng loại chia thành nhiều vòng đấu dự bị giữa các đội yếu trước khi bước vào vòng cuối cùng tập trung các đội có trình độ cao hơn, đã được chính thức áp dụng cho đến nay.

Từ khi trở lại vũ đài World Cup 2006 sau 32 năm vắng bóng, đội Úc càng khởi sắc hơn qua lối đá dũng mãnh tiến vào vòng 2 và chỉ bị đội bóng lão luyện tinh quái Ý Đại Lợi chận đường trong một tình huống bắt phạt đền oan uổng từ quyết định không rõ ràng của trọng tài ở ngay vào những giây phút cuối của trận đấu. Lúc này, Úc cũng được chú ý với sự dẫn dắt của danh tướng người Hòa Lan Hiddink, nhưng ông chỉ gắn bó với Socceroos vỏn vẹn một năm từ 2005-2006.



Trên thực tế, từ năm 2003, nhờ sự trợ giúp của chính phủ Liên Bang, Liên Đoàn Túc Cầu Úc (FFA) đã xúc tiến nhiều phương pháp cải cách như triệu tập thành phần đội tuyển bao gồm nhiều các cầu thủ gốc di dân đang chơi ở ngoại quốc, đề xuất kế hoạch thành lập giải đấu chuyên nghiệp quốc nội v.v... nhưng quan trọng nhất vẫn là quyết định sáng suốt gia nhập Liên Đoàn Túc Cầu Châu Á (AFC). Từ trước đó, Socceroos luôn mang tiếng là đội bóng hàng đầu Châu Đại Dương nhưng họ lại phải tranh chiếc vé vớt cùng các đối thủ đến từ Châu Âu, Châu  Á, Nam Mỹ nên chẳng khác nào tình cảnh “đầu voi đuôi chuột”. 

Vì vậy, để tránh hình thức chỉ có hai trận đấu quyết định kèm theo cơ hội quá ít, phía Úc đã đệ đơn lên FIFA xin gia nhập AFC nhưng luôn bị từ chối. Cuối cùng, chính phủ Úc phải ra tay can thiệp bằng những cuộc vận động hành lang trực tiếp với AFC cũng như thuyết phục OFC là Liên Đoàn Túc Cầu Châu Đại Dương. Mãi cho đến tháng 3/2005 thì nguyện vọng gia nhập AFC của Úc mới được FIFA chuẩn thuận sau khi AFC lẫn OFC cùng đồng ý.

Năm 2005, sự kiện giải chuyên nghiệp Úc A- League chính thức ra đời, đã nói lên ý chí quyết tâm nâng cao trình độ nhồi bóng của nền túc cầu xứ Kangaroo. Từ đó đến nay, dư luận quốc tế không thể phủ nhận được những bước tiến vững chắc của nền túc cầu Úc vốn được cho là chịu nhiều ảnh hưởng nơi chiến thuật cổ điển 4-2-4 của Anh Quốc từ thời sơ kỳ với lối chơi khai thác lưỡng biên để tạt cánh đánh đầu, sút bóng gây rối loạn hàng thủ đối phương. Sau đó, họ dần chuyển sang 4-4-2 để kiện toàn hàng thủ và tiếp tục khởi dụng các sơ đồ tấn công 4-2-3-1, hoặc 4-3-1-2 v.v…Qua việc đội Úc đoạt được chiếc vé tham dự World Cup lần thứ ba liên tiếp để góp mặt ở Ba Tây lần này cũng đã cho thấy hiệu quả của quyết định gia nhập AFC và càng giúp cho Úc có nhiều cơ hội ra quân ở các sân cỏ quốc tế.


HLV Postecoglou và đội Socceroos

Trải bao thăng trầm biến đổi, hiện nay đội Úc đang trong tình trạng chuyển giao thế hệ dưới sự dìu dắt của HLV quốc nội Ange Postecoglou. Vốn là người gốc Hy Lạp, từng có kinh nghiệm dìu dắt cho đội tuyển trẻ Úc từ năm 2000 đến 2007, ông Postecoglou được coi là nhân tuyển thích hợp trong kế hoạch trẻ trung hóa đội hình Socceroos mà FFA đã khẳng định trước đó. Ngoài ra, ông Postecoglou còn là một khuôn mặt kỳ cựu của đội cầu South Melbourne với 9 năm gắn bó qua số lần ra quân 193 trận, sau đó ông trở thành HLV cho đội bóng này từ năm 1996 đến 2000 rồi trải rộng sự nghiệp cầm quân lần lượt tại các đội bóng chuyên nghiệp khác như Panachaiki của Hy Lạp, Brisbane Roar và Melbourne Victory.

Trước khi ông Postecoglou tựu nhiệm từ ngày 23/10/2013, cựu HLV người Đức Holger Osieck là người đã để đội tuyển Socceroos phơi áo trên sân địch trong trận chiến giao hữu với đội Pháp vào tối thứ Sáu 11/10/2013 bằng tỷ số bại chiến không khác gì một ván quần vợt là 0-6. Ngay sau đó, ông Osieck chính thức bị sa thải dù ông được coi là người đóng góp nhiều công sức trong việc đưa đội Úc đoạt được tấm vé tham dự World Cup 2014. 

Tuy ban đầu dư luận có phần ngỡ ngàng trước quyết định của Liên Đoàn Túc Cầu Úc FFA về việc chấm dứt hợp đồng với HVL Osieck, nhưng có lẽ mọi người cũng đều hiểu rõ nguyên nhân khiến FFA đi đến cảnh buộc lòng phải nói lời chia tay với chiến thuật gia người Đức là do tình trạng sa sút nơi đội tuyển Úc khi trải qua 5 trận đấu gần nhất, Socceroos dưới quyền chỉ đạo của ông Osieck chỉ ghi được 5 bàn thắng nhưng đã để thủng lưới đến 19 quả. Trong đó, bao gồm 1 trận hòa với Đại Hàn và 4 trận thua trước Nhật Bản, Trung cộng, Ba Tây và Pháp Quốc. Điều đáng kể là trong trận giao hữu với Ba Tây vào ngày 6/9./2013, Úc cũng để thua 6 bàn trắng tương tự như tỷ số bại chiến trước đội Pháp.

Kèm theo thông báo sa thải HLV, chủ tịch FFA là ông Frank Lowy cho biết: “Quyết định này được thực hiện sau một thời gian dài đánh giá trình độ chuyên môn của đội tuyển Úc qua quá trình chuẩn bị cho World Cup và Asian Cup, trong đó bao gồm sự thất bại trước Ba Tây và Pháp với cùng tỷ số 0-6. Quyết định này cũng dựa trên những lợi ích lâu dài trong quá trình trẻ trung hóa đội hình Socceroos nhằm chuẩn bị cho giải thế giới và giải Vô địch Châu Á. FFA đã thiết lập mục tiêu chiến lược về việc hình thành một đội bóng giàu tính cạnh tranh tại vũ đài Ba Tây và sau đó là mục tiêu chinh phục Asian Cup 2015. Và chúng tôi đi đến kết luận rằng thay đổi HLV là điều cần thiết để đáp ứng các mục tiêu này”.

Tính từ thời điểm tiếp nhận chiếc ghế HLV cho đến ngày dự tranh World Cup lần này đối với ông Postecoglou là khá ngắn nên đội Úc chỉ mới thử chân 2 trận đấu giao hữu qua kết quả hòa Costa Rica 0-0 và thua Ecuador 3-4. 



Qua đó cho thấy, đội hình của ông Postecoglou nhắm vào trọng tâm chiến lược tấn công khởi đi từ vị trí chuyển đổi của hàng tiền vệ để tạo thành những cú đánh bất ngờ từ hai cánh nối bóng vào chính diện khung thành cho cặp tiền đạo Tim Cahill và Mathew Leckie dứt điểm. Đặc biệt, trong trận đụng độ với Ecuador được giả định là đối thủ Chí Lợi, đội Úc đã thua trong thế thắng khi để đối phương tung lưới đến 4 bàn ở hiệp hai dù đã gác trước 3-0 trong hiệp đầu do công ghi bàn của Tim Cahill và tân thủ quân Jedinak. Nguyên nhân bại chiến xuất phát từ pha phạm lỗi quá thô bạo của thủ môn Mitchell Langerak nên anh bị truất quyền thi đấu khiến đội nhà thất bại trong tình thế thiếu hụt quân số. Tuy vậy, điều đáng quan tâm hơn là với chiến thuật nghiêng về lối tấn công rà soát từng đường bóng và hoán chuyển phương vị liên tục làm đối phương bối rối, đội Úc khai thác được rất nhiều hướng chuyền và sút bóng trong thế trận tấn công đa dạng.

Dĩ nhiên là ở thời điểm hiện nay, giới bình luận vẫn chưa thể đánh giá được chính xác khả năng cầm quân của ông Postecoglou nhưng qua đội hình kết hợp giữa dàn tuyển thủ trẻ đầy thể lực và những khuôn mặt kỳ cựu như hậu vệ Luke Wilkshire, các tiền vệ Matt Mckay, Brett Holman, Mark Milligan và mũi nhọn ghi bàn sở trường ở các pha chạy chỗ đánh đầu hiểm hóc Tim Cahill, Socceroos vẫn là một ẩn số khó đoán đối với các đối thủ ở bảng B kèm theo nhiều phần lưu tâm cảnh giác. 



Hơn nữa, trong trận mở màn tái chiến với Chí Lợi sau lần chạm trán bất phân thắng bại tại World Cup 1974, Úc đã trải qua kinh nghiệm đối chọi với chiêu pháp “Đoản bóng Kỳ Binh” của Ecuador thuộc trường phái cước thuật vùng Nam Mỹ bằng các thế đánh úp bất ngờ nên vẫn có nhiều triển vọng giành chiến thắng.

Tóm lại, cho dù được coi là đứng ở thế chênh vênh giữa ba lằn đạn hung hiểm của Tây Ban Nha, Hòa Lan và Chí Lợi, nhưng nếu tạo được trận thắng đầu tiên đội Úc sẽ là một ngọn sóng dữ khiến cục diện bảng B chao đảo.

(Đón đọc kỳ tới: Bảng C: Colombia, Hy Lạp, Bờ Biển Ngà, Nhật Bản
Chiến Lực Tương Đồng Nan Phân Giải
Long Hổ Tranh Hùng Loạn Phong Ba)

© Khôi Nguyên @ HVR








1 comment:

  1. ĐỌC BÌNH LUẬN MÀ SƯỚNG LỖ TAI HƠN NGHE HUYỀN VŨ TRỰC TIẾP NGÀY TRƯỚC

    ReplyDelete