Ông Trần Văn Đỗ, circa 1990 @ On the Net
“Lẽ ra hai miền Nam Bắc Việt Nam đã được tiếp tục chung sống một cách lâu dài theo tinh thần của hiệp định đình chiến Genève, nhưng vì phía Bắc Việt đã chủ trương dùng quân sự thôn tính miền Nam nên đã bắt đầu cho một cuộc chiến kéo dài cho đến ngày hôm nay”. (Cựu Ngoại trưởng VNCH Trần Văn Đỗ)
Người đã từng 3 lần giữ chức Bộ Trưởng Bộ Ngoại
Giao của miền Nam là ông Trần Văn Đỗ, một nhân vật mà thỉnh thoảng gợi lên nơi
tôi sự tưởng tượng về hình ảnh của loài chim hạc trắng vì dáng người ông cao ốm,
mảnh mai nhưng cử động nhanh nhẹn, cộng thêm mái tóc bạc mềm mại và khuôn mặt
trắng, thon dài. Tóm lại, tất cả những biểu hiện bên ngoài nơi ông đã khiến cho
tôi có cảm giác như vậy.
Cho đến thời điểm cận ngày Sài Gòn thất thủ,
tôi vẫn thường ghé thăm ông và được nghe ông nói chuyện về tình hình chính trị
cũng như về mặt ngoại giao của VNCH. Nhà ông ở một căn apartment không lớn lắm
nằm trên đại lộ Hồng Thập Tự gần ngay Dinh Độc Lập. Những lúc gặp gỡ như vậy, ông
thường nói chuyện rất dài và lúc nào cũng tiếp đãi khách bằng những ly trà nóng
thơm mùi hoa lài. Và nếu càng nghe ông phân tích về những biến chuyển tình thế
của từng giai đoạn, ta sẽ càng cảm nhận sâu sắc thêm về ý nghĩa của cuộc chiến
tranh Việt Nam.
Ông Đỗ sinh năm 1931 tại miền Bắc Việt Nam. Ông
đã tốt nghiệp đại học Y khoa tại Paris nên được coi là một trong những nhân tài
ưu tú của VN dưới thời Pháp thuộc. Sau đó, ông đã phục vụ cho Pháp lẫn Việt Nam
qua cương vị bác sĩ và cho đến năm 1951 khi vua Bảo Đại trở thành nguyên thủ quốc gia thì ông được tuyển nhiệm làm chức vụ Giám Đốc Quân Y. Vào năm
1954, ông Đỗ là người đại diện cho chính phủ miền Nam VN tại hội nghị Génève, đồng
thời kiêm luôn chức Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao cho đến năm sau đó, tức năm 1955
khi chính quyền Tổng Thống Ngô Đình Diệm
được thành lập.
Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ 1967 @ on the Net
Sau khi chính quyền ông Ngô Đình Diệm bị lật
đổ qua cuộc đảo chính năm 1963 thì đến năm 1965, ông Đỗ trở thành Phó Thủ Tướng
trong nội các của Thủ Tướng Phan Huy Quát. Từ đó cho đến năm 1967, mặc dù chỉ
trong một thời gian ngắn nhưng ông cũng đã giữ chức Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao lần
thứ hai. Với quá trình thay đổi chức vụ của ông Đỗ liên tục như vậy, cũng phần
nào cho thấy sự phức tạp của dòng lịch sử cận đại Việt Nam.
BS Trần Văn Đỗ và Trung Tướng Phạm Xuân Chiểu
TTK/UBLĐQG 1967 @ on the Net
Lúc tôi quen biết được ông thì ông cũng đã
khoảng 70 tuổi và mỗi khi tôi ngỏ ý được tiếp kiến thì ông đều vui vẻ, sảng khoái
nhận lời. Qua những lần gặp gỡ đó, ông Đỗ
tuy vốn có trình độ Anh ngữ cao, nhưng ông đã sử dụng lối giải thích thật dễ hiểu
để phân tích cho tôi nghe về tình hình và lịch sử VN cũng như những vấn đề liên
quan đến cục diện quốc tế. Có lần ông đề cập đến việc quân đội Nhật xâm chiếm bán
đảo Đông Dương trong thời Pháp thuộc như sau: “Quân đội Nhật khi đến VN thì kể
cả sĩ quan và binh linh đều có một tinh thần kỷ luật cao độ và uy thế của họ đã
áp đảo hẳn quân đội Pháp thời bấy giờ. Tôi rất ngưỡng mộ tinh thần tôn trọng kỷ
luật của họ”.
Đối với tôi, những điều đã được học hỏi từ
trước đến nay về hành động xâm chiếm Đông Nam Á của quân đội Nhật được coi như
là một chuyện không đúng nên nhận xét của ông Đỗ đã khiến tôi thật bất ngờ. Có
lẽ là một người đã từng trải và có nhiều kinh nghiệm về lịch sử nên ông tỏ ra có
lập trường dứt khoát nơi sự thiện cảm đối với tinh thần kỷ luật quân đội Nhật.
Rồi kế đến, những nhận xét của ông về hội nghị Génève lại càng súc tích và sâu
sắc hơn. Ông nói rằng với cương vị đại diện cho phái đoàn miền Nam Việt Nam lúc
đó, ông đã không có một sự nhượng bộ nào để làm mất danh dự cho quốc gia mình và
hội nghị Génève 1954 nhằm giải quyết những vấn đề phức tạp tại Việt Nam trong một
tình thế hỗn loạn khi quân đội Pháp đang chiến đấu chống lực lượng Việt Minh do
HCM lãnh đạo khởi đầu cho giai đoạn 1 của cuộc chiến tranh Việt Nam.
Trong hội
nghị này đã có sự tham dự của đại diện các nước như Ngoại Trưởng Bidault của Pháp,
Ngoại Trưởng Eden của Anh, Ngoại Trưởng Motolov của Liên Xô, Ngoại Trưởng
Dulles của Hoa Kỳ. Phía Trung Quốc và Bắc Việt cũng cử hai đại diện là Thủ Tướng
Chu Ân Lai và Thủ Tướng Phạm Văn Đồng.
Tại hội nghị Genève đã ký kết một bản hiệp định
đình chiến giữa các phe tham chiến ở Việt Nam và đưa ra một bản tuyên ngôn cuối
cùng quy định về việc tạm thời chia cắt Việt Nam ra làm hai miền và hai năm sau
đó sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử để thống nhất quốc gia. Nhưng trên phương
diện áp buộc của luật pháp quốc tế thì chỉ có việc đình chiến là được thực hiện
còn bản tuyên ngôn cuối cùng nói trên thì không một đại diện nước nào chịu ký kết
vào đó cả. Hơn nữa, phía Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa cũng biểu quyết phản đối bản tuyên ngôn này, và
vì vậy ông Đỗ đã nhấn mạnh rằng: “Lẽ ra hai miền Nam Bắc Việt Nam đã được tiếp
tục chung sống một cách lâu dài theo tinh thần của hiệp định đình chiến Génève,
nhưng vì phía Bắc Việt đã chủ trương dùng quân sự thôn tính miền Nam nên đã bắt
đầu cho một cuộc chiến kéo dài cho đến ngày hôm nay”.
Ông cũng cho rằng qua hiệp định Ba Lê được ký
kết năm 1973, trên thực tế Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa coi như đã đầu hàng quân
Bắc Việt: “Hiệp định Génève đã thành công hơn hiệp định Ba Lê rất nhiều vì nó
quy định được việc rút quân của phía Bắc Việt và người dân hai miền Nam Bắc đều
được tự do chọn lựa nơi sinh sống của mình. Còn thì hiệp định Ba Lê chỉ đề cập
đến việc quân đồng minh triệt thoái khỏi lãnh thổ Việt Nam và chấp nhận sự hiện
diện của quân xâm lăng Bắc Việt tại miền Nam Việt Nam. Trong khi Hoa Kỳ với
500.000 binh sĩ mà không diệt được quân Bắc Việt, còn chúng tôi với lực lượng đơn
độc làm sao có thể thắng được kẻ địch. Tóm lại, với nỗ lực ngoại giao của ông
Kissinger vị cố vấn tối cao của một cường quốc hạng nhất thế giới là Hoa Kỳ
trong ba năm qua là sự lãng phí vô ích và rốt cuộc chỉ nhận được kết quả là sự
đầu hàng mà thôi”.
Ngoại trưởng Mỹ Kissinger và Lê Đức Thọ, bên lề hội nghị Paris 1973 @ on the Net
Ông Đỗ đã vạch cho ra cho tôi biết về bản chất
thật sự của cuộc chiến tranh Việt Nam, đó là một cuộc chiến được kết hợp bởi sự
chiến đấu giành lại độc lập dân tộc với một cuộc cách mạng mang đặc tính chủ
nghĩa cộng sản cũng chủ trương giành lại độc lập, nhưng chủ nghĩa cộng sản có
thật sự tốt hay không hoặc chủ nghĩa cộng sản có đại diện cho chính nghĩa hay
không thì đó còn là một nghi vấn. Hơn nữa, để lật đổ chế độ thực dân tại sao lại
chỉ áp dụng phương pháp cách mạng đặc tính của chủ nghĩa cộng sản.
Ông Đỗ còn giải thích rõ cho tôi nghe về lịch
sử cuộc kháng chiến chống Pháp.
Sau khi bị đặt dưới ách thống trị của thực dân
Pháp kể từ những năm đầu thập niên 1880, tinh thần đấu tranh vì độc lập của người
Việt Nam ngày càng dâng cao mãnh liệt. Đương thời, những tổ chức kháng chiến chống
Pháp có hệ thống chặt chẽ là Việt Nam Quốc Dân Đảng, Việt Nam Quang Phục Hội, đảng
Đại Việt v.v... Vì những tổ chức này không tiêm nhiểm tư tưởng cộng sản nên được
gọi là những lực lượng chủ nghĩa dân tộc. Trong khi chủ thuyết Mác Lênin do HCM
đề xướng tại Việt Nam, lúc đó đang có những liên hệ mật thiết với khối cộng sản
quốc tế. Còn những lực lượng chủ nghĩa dân tộc đối với phe theo chủ thuyết Mác
Lênin thì có hai lập trường một là không màng đến, hai là coi như kẻ địch. Và ông
Trần Văn Đỗ là một trong những nhân vật tiếp nối hệ phổ của những người đã từng có
kinh nghiệm đấu tranh thuộc đảng Đại Việt và Việt Nam Quốc Dân Đảng đương thời đang
ở Sài Gòn như ông Trần Văn Tuyên Dân Biểu Hạ Viện Quốc Hội, ông Đặng Văn Sung
Thượng Nghị Sĩ Quốc Hội, giáo sư Nguyễn Ngọc Huy v.v...
Sau khi quân Nhật đầu hàng vào năm 1946, các
thế lực kháng chiến Việt Nam đã kết hợp lại để thành lập chính phủ liên hiệp kháng
chiến và một cán bộ của Việt Nam Quốc Dân Đảng là ông Trần Văn Tuyên đã cho biết
về kinh nghiệm liên hiệp với phe HCM như sau: “Trong chính phủ liên hiệp, đảng
cộng sản Việt Nam đã dùng tất cả những thủ đoạn để loại trừ các lực lượng theo chủ
nghĩa dân tộc”.
HCM và chính phủ Liên hiệp kháng chiến 1945 @ on the Net
Âm mưu của đảng cộng sản Việt Nam là, đầu tiên,
để chống lại kẻ thù chung thực dân Pháp họ đã kêu gọi sự tập hợp của những lực
lượng kháng chiến theo chủ nghĩa dân tộc hầu lợi dụng những thành phần này để bành
trước thế lực, sau đó phe cộng sản lại giết hại bất cứ những ai không đi theo
chủ nghĩa cộng sản như họ, để độc quyền thao túng vũ đài chính trị tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Huy và ông Đặng Văn Sung cũng
đã đưa ra nhiều bằng chứng xác thực về trường hợp những nhà cách mạng dân tộc
không theo chủ nghĩa cộng sản thời đó đã bị phe Việt Minh, tức cộng sản dùng các
thủ đoạn tinh vi để lường gạt hoặc sát hại. Tóm lại, đối với những thế lực chính
trị không đồng thuận cùng tử tưởng với chủ nghĩa cộng sản thì họ đã cảm nhận đến
xương cốt và hiểu biết một cách sâu sắc về bản chất tàn ác của chủ nghĩa cộng sản.
Vào thời điểm cuối cùng tháng 4/1975 trong tình
thế nguy ngập, ông Đỗ đã rời khỏi Sài Gòn đi tỵ nạn ở ngoại quốc và cho đến những
giây phút cuối ông vẫn lên tiếng chỉ trích, phê phán hành động phản bội đồng
minh của phía Hoa Kỳ.
Từ lúc Sài Gòn thất thủ cho đến 15 năm sau đó, tôi vẫn tiếp
tục liên lạc với ông Đỗ đã định cư tại Pháp và sống chung với người con trai là
bác sĩ có phòng mạch tại Paris. Cứ khoảng hai năm một lần tôi đều đến viếng thăm
ông. Nhà ông ở trong một chung cư gần đại lộ Victor Hugo và vẫn như lúc còn ở Sài
Gòn ông luôn tiếp đãi tôi bằng những ly trà thơm dịu mùi hoa lài cùng với lối ăn
mặc chỉnh tề. Ông phân tích cho tôi nghe chuyện chiến tranh
Việt Nam. Mặc dù đã là quá khứ nhưng tôi cứ tưởng như những chuyện đang xảy ra
trước mắt mình.
Vào mùa Thu năm 1990, thật là hiếm hoi khi tôi nhận được thư ông
nhắn rằng: “Xin mời anh đến để chúng ta cùng nói chuyện”. Và tôi lập tức bay
sang Pháp thăm ông. Thời điểm này, Việt Nam đang sa lầy vào cuộc chiến
Campuchia và tình hình quốc nội đang gặp phải nhiều khó khăn cùng cực. Qua cuộc
gặp gỡ này, ông Đỗ có vẻ như già yếu hẳn đi, ông nói: “Việt Nam hiện nay tựa như
một căn nhà đang chìm đắm tai ương hoạn nạn”. Cuộc gặp ông lần đó đã để lại
trong tôi một tình cảm lạ kỳ, thật khó tả.
Một tháng sau, tôi nhận được tin ông Đỗ đã
qua đời.
*
*
(Ghi chú của HVR: Thân phụ ông Trần Văn Đỗ là cụ Trần Văn
Thông, từng làm Tổng đốc Nam Định 17 năm. Cậu ruột ông là cụ Bùi Quang Chiêu,
người sáng lập Đảng Lập Hiến Đông Dương. Ông là em ruột luật sư Trần Văn Chương,
nguyên Đại sứ VNCH tại Hoa Kỳ thời đệ nhất Cộng Hòa, bà Trần Lệ Xuân vợ Cố vấn Ngô Đình Nhu gọi ông là
chú).
©Komori Yoshihisa & Khôi Nguyên @ HVR
©Komori Yoshihisa & Khôi Nguyên @ HVR
(Kỳ 7: Vai trò lịch sử quái dị của hiệp định Ba Lê)
No comments:
Post a Comment