Friday, March 14, 2014

Giáo Dục: Dạy Con Biết Sống Hạnh Phúc – Phương Chi

@On the Net

Nhật báo The Age, xuất bản tại Melbourne,  vào tháng 9 năm ngoái có bài viết tựa đề  “Money can’t buy happiness, but being happy pays” , tạm dịch “ Tiền không mua được hạnh phúc nhưng ai hạnh phúc lại là người giàu có” của tác giả Daniella Miletic. 

Theo tác giả thì kết quả một cuộc khảo sát 9-ngàn 300 người do giáo sư Satya Paul ở đại học Tây Sydney cho thấy những người hạnh phúc là  người thích làm việc và vì thích làm việc nên họ được trả lương cao hơn. Đồng thời , kết quả khảo sát này cũng cho thấy có hai loại người hạnh phúc: loại thứ nhất là những người hăng say với công việc, và vì  yêu thích công việc, nên những người này thấy yêu đời và càng ngày càng được thăng tiến. Trong khi đó, loại hạnh phúc thứ hai ám chỉ những người chỉ muốn làm việc một số giờ nhất định nào đó trong tuần, và dành thời gian còn lại vào những công việc thiện nguyện, nghỉ ngơi, du lịch vv.

Thiển nghĩ trong chúng ta ai cũng mưu cầu hạnh phúc, và cái được cho là hạnh phúc đối với người này có thể lại không phải là hạnh phúc của người kia. 

Thí dụ như một sinh viên nghèo có thể cho mình là người hạnh phúc khi có được một việc làm với đồng lương đủ để giúp anh trang trải chi phí hàng ngày.  Còn như một đứa bé lên 5, khi trong người không được khỏe, thì niềm hạnh phúc nhất của bé là được bố mẹ chăm sóc, ôm ấp vào lòng cho em cảm giác được vỗ về trấn an. 

Như thế, hạnh phúc không phải là điều có được, mà là sự cảm nhận cũng như chấp nhận những gì mình đang có. Đối với một người nào đó, hạnh phúc có thể là có nhiều tiền trong trương mục, nhưng đối với một người khác, hạnh phúc có nghĩa là được nhìn nụ cười luôn nở trên môi con cái. 


@hachette.com.au

Như vậy hạnh phúc tùy thuộc rất nhiều vào quan niệm sống của mỗi cá nhân chúng ta. Trong tác phẩm “The art of happiness” tức “Hạnh phúc chân thường”, Đức Đạt Lai Lạt Ma cho rằng “hạnh phúc có thể đạt được nếu tâm trí chúng ta được huấn luyện đúng cách”. 



@lightworkers.org

Những ai từng là cha mẹ chắc hẳn có chung một quan điểm là không điều gì hạnh phúc cho bằng thấy con mình được vui vẻ và hạnh phúc. 

Nhưng làm thế nào để chúng ta có thể truyền đạt hoặc dạy dỗ con mình những giá trị đich thực của hạnh phúc? Bài giáo dục kỳ này xin bàn về các phương pháp dạy dỗ con trẻ nhận biết thế nào là hạnh phúc cũng như biết tạo ra niềm hạnh phúc cho riêng mình mà không bị lệ thuộc vào các yếu tố bên ngoài.

*

Trong bài viết “Teaching your child the art of happiness”  tạm dịch “Hãy dạy cho con biết (thế nào là) nghệ thuật hạnh phúc”, tiến sĩ Laura Markham cho rằng "có thể chỉ dạy cho các con biết cảm nhận hạnh phúc từ khi chúng còn nhỏ".  

Bà Markham cho rằng, điều hài lòng nhất của cha mẹ là làm thế nào để con cái mình hạnh phúc và  khi chúng lớn lên cũng vẫn được hạnh phúc. Theo tiến sĩ Markham, kết quả các cuộc nghiên cứu mới nhất về hạnh phúc tùy thuộc vào những yếu tố như tinh thần thoải mái, sức khỏe tốt, có cuộc sống năng động. Tất cả những điều này tạo sự thay đổi tích cực trong cơ thể khiến chúng ta vui hơn, yêu đời hơn. 

Như chúng ta biết, một số người sinh ra là đã có tính tình bẳn gắt, bi quan hơn những người khác. Đó là chuyện bẩm sinh và điều đó khó có thể thay đổi. 

Tuy nhiên, vẫn theo tiến sĩ Markham thì đa số tính tình của chúng ta là do thói quen mà ra. Do đó, sự bi quan trong cuộc sống cũng như tính ích kỷ đều có thể thay đổi được nếu chúng ta cố gắng hơn trong việc sửa đổi những tính tình tiêu cực đó. Vì vậy, một khi trở thành người lớn, những thói quen đã có được từ lúc nhỏ có thể quyết định là chúng ta sẽ trở thành người hạnh phúc hay không rồi. 


@On the Net

Hạnh phúc liên quan đến 3 thói quen. 

Thứ nhất là cách chúng ta nhìn cuộc đời cũng như biết nhận thức những kinh nghiệm trong cuộc đời. Thứ nhì là thói quen ăn uống lành mạnh, thiền định, tập thể dục, (cũng như biết cười nhiều cũng được chứng minh trong các cuộc nghiên cứu là giúp con người hạnh phúc hơn). Cuối cùng là bản tính con người như biết tự kiểm soát, công minh, trí tuệ, can đảm, tài lãnh đạo và sự chân thật. 

Nói đúng ra thì những tính tình này đều do thói quen mà ra cả vì một khi bị đặt vào thế phải đối phó với khó khăn nào đó trong cuộc sống, chúng ta thường phản ứng cách này hay cách khác. Theo thời gian, cách phản ứng ấy sẽ trở thành thói quen, can đảm hay hèn nhát, ích kỷ hay rộng lượng, thảy đều tùy thuộc vào những thói quen được hình thành trong quá khứ. Như vậy, càng cảm thấy thoải mái trong tâm hồn, chúng ta càng hạnh phúc hơn.

Theo các nhà tâm lý, bản chất con người là hay so sánh, khi chúng ta so sánh hiện tại với quá khứ, nếu hiện tại tốt đẹp hơn thì chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn, còn nếu quá khứ tốt đẹp hơn, thì chúng ta dễ rơi vào trạng thái buồn chán, bi quan. Cũng như khi con trẻ về nhà hay so sánh “tại sao bố mẹ bạn lại cho nó đi chơi tới 12g đêm mới về, còn con thì lại bị buộc phải về nhà trễ nhất là đúng 10g?” 

Tâm lý so sánh thường dẫn đến buồn chán, tủi thân, tự cho mình là bất hạnh hơn người khác. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Markham thì chúng ta có thể thay đổi được tất cả những điều này nếu chúng ta dạy cho con khi còn nhỏ những thói quen dẫn đến hạnh phúc.


@salon.com

Thứ nhất, hãy dạy cho con tính tự kiểm soát đầu óc của mình bằng cách thực tập tự khuyên, tự tạo những ý nghĩ lạc quan trong đầu, cũng như tỏ lòng biết ơn với những người xung quanh và thế giới cháu đang sống. 

Thí dụ khi đi chợ mua táo, chúng ta có thể nói chuyện với các cháu về sự cần cù, khó nhọc của người nông gia phải chăm sóc cây táo thế nào mới cho chúng ta được những quả táo ngon lành như thế.

Thứ nhì, tạo cho các cháu thói quen tốt như chỉ  ăn những thức ăn lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, thiền định vv…  tất cả những điều này đều giúp tăng hạnh phúc hơn. Nhiều gia đình có thể tự tạo ra những thói quen riêng để có chung những giờ phút vui vẻ bên nhau như, cùng nhau đi bộ sau giờ ăn cơm chiều hoặc đi bơi những ngày cuối tuần. 

Thứ ba, từ xưa đến nay chúng ta vẫn nghe câu “nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, do đó chúng ta nên cùng với con cười nhiều hơn. Thí dụ như có thể  đọc, kể cho con nghe một câu chuyện vui, tạo sự gần gũi với con cái bằng những câu chuyện tếu gây cười. 

Thứ tư, hãy giúp con biết kiểm soát mình mỗi khi lên cơn giận. Nhiều người không biết là khi có điều gì khiến mình không vui, thay vì chọn thái độ điềm tĩnh, thì lại quát tháo, trả đũa ngay tức khắc kẻ làm mình nổi cơn nóng giân. Khi chỉ bảo trẻ con thói quen tự kiểm soát mức độ nóng giận của mình, chúng ta là người phải thực hành những điều đó để con bắt chước mà noi theo. Chuyện đổ lỗi cho người này, cho chuyện kia khiến ta giận dữ, buồn chán là việc dễ làm, vì tìm kiếm lý do biện minh cho sự tức giận của mình thì đa số trong chúng ta ai cũng làm được chuyện đó, còn điều khó là làm thế nào để thay đổi tính đó.


@On the Net

Điều đầu tiên chúng ta cần làm và dạy con cái làm theo là nên nhận biết rõ điều gì khiến chúng ta mất bình tĩnh. Nói ra được điều bực tức cũng như nguyên do dẫn đến cảm giác bực bội sẽ giúp trẻ giải tỏa được những tâm tư không vui trong lòng. 

Khi thấy con vui vẻ cười đùa, hãy tận dụng cơ hội đó để nói cho các cháu biết về cảm giác buồn rầu đã làm phí thời gian quý báu của cháu như thế nào, cũng như chỉ dạy con phương cách làm sao để tâm tư được vui vẻ và thoải mái hơn. 

Đồng thời, khi con nóng giận, hãy giúp cháu nhận biết những gì làm cháu nổi cơn la hét. Hãy dạy cháu chọn cách phản ứng khác, dù trong mười lần gặp chuyện không vui, có thể con chỉ giữ  bình tĩnh được một lần, nhưng những lần sau đó cháu sẽ cảm nhận được tức giận không phải là phương cách hữu hiệu nhất để bày tỏ sự không hài lòng của mình. 

Thứ năm, một điều quan trọng khác chúng ta có thể dạy con cảm thấy sung sướng và hài lòng với cuộc sống hơn là biết cách an ủi mình cũng như tự khen mình khi hoàn thành một việc gì đó. 

Thí dụ một đứa trẻ không được tự tin thường tỏ ra tự ti mặc cảm, dù được điểm cao ở trường cháu cũng không tin đó là vì mình học giỏi, mà lại cho là do thầy cô dễ dãi. Những lúc nghe con tự phê phán mình như vậy, chúng ta phải lập tức can thiệp và bảo cháu “Con nên hãnh diện về những thành quả của mình. Được điểm cao là do con chuyên tâm học tập đó thôi”. 

Điều thứ sáu tiến sĩ Markham khuyên chúng ta nên chỉ dạy con biết thế nào là hạnh phúc khi chia sẻ những niềm vui đơn giản hàng ngày của mình, như  làm quen được với một người bạn mới ở sở, mua được một cuốn sách hay, hoặc ngược lại, con có thể chia sẻ với bố mẹ niềm vui được giúp cô hoặc thầy giáo trong giờ ăn trưa vv…  

Những câu chuyện nhỏ nhặt  tưởng là không đáng gì nhưng lại gây một ấn tượng đẹp và lâu dài trong đầu óc trẻ thơ, như chúng ta đang cấy mầm hạnh phúc trong tâm hồn con vậy.  Khi con lớn, cháu sẽ nhớ lại những mẩu chuyện vui đó, và tự khắc các cháu sẽ thấy tâm an bình hơn. 


@On the Net

Khoa học gia Albert Einstein từng nói “Cuộc sống chỉ có hai con đường để chọn, một là chẳng có gì là phép lạ cả, hai là tất cả đều là phép lạ.” 

Trẻ con học từ cha mẹ những điều  quan trọng trong cuộc sống. Nếu cha mẹ cho việc lái xe đắt tiền, được trả lương cao là hạnh phúc thì trẻ con dù nhiều hay ít, cũng sẽ thấm nhuần những tư tưởng đó khi trưởng thành. 

Nhà phát minh người Đức nổi tiếng Frederick Keonig từng tuyên bố “chúng ta thường quên là hạnh phúc không phải là có được những gì chúng ta không có, mà là nhận biết những gì chúng ta đang có”


@On the Net

Nhiều người hay nghĩ rằng phải đến khi cảm thấy hạnh phúc thật sự thì họ mới có thể thấy biết ơn cuộc đời này được. Thế nhưng nếu suy nghĩ kỹ hơn chúng ta sẽ thấy những kẻ hạnh phúc thật sự là người lúc nào cũng tỏ vẻ biết ơn cuộc đời. 

Trẻ con chưa có kinh nghiệm ra đời nhiều do đó các cháu không thể nào biết mình may mắn hay không may mắn, nhưng có nhiều cách để dạy con trẻ biết ơn, thay vì xem thường tất cả mọi chuyện. 

Việc đầu tiên mà chúng ta có thể thực hiện là làm gương cho con noi theo chứ không chỉ dạy dỗ bằng lời nói suông mà thôi. 

Cũng theo tiến sĩ Markham thì như đức Phật đã dạy, cuộc sống hiện nay đầy dẫy đau khổ và do đó dĩ nhiên chúng ta không thể nào tránh khỏi cảm giác buồn rầu. Tuy nhiên điều quan trọng là chúng ta nên nhận thức được cảm giác buồn chán hay tức giận này và đừng để chúng làm chủ tâm hồn mình

Chọn một cách sống vui vẻ hạnh phúc hơn không có nghĩa là chúng ta đè nén những nỗi buồn kia xuống, mà chỉ  nên nhận thức được những cảm giác đó để rồi sau đó để cho chúng rơi vào quên lãng.

Điều cuối cùng tiến sĩ Markham cũng cho là quan trọng không kém là, chúng ta nên dạy con những hành động thi ân (mà bất cầu báo) ngay từ khi cháu còn bé. Biết làm việc nghĩa sẽ khiến con người vui vẻ và hạnh phúc hơn. Vì vậy trách nhiệm của cha mẹ là tìm cách để con mình có cơ hội đóng góp cho xã hội đang sống được tốt đẹp hơn, thí dụ như tham gia các công tác thiện nguyện càng nhiều càng tốt, vì những hành động xả thân vì người khác sẽ giúp chúng ta hài lòng hơn và cảm thấy mình có ích hơn cho xã hội chúng ta đang sống.


@On the Net

Trong quyển “Hạnh phúc Chân thường” Đức Đạt Lai Lạt Ma nói “tâm tư an lạc không có nghĩa là trống rỗng, vắng lặng mà thật ra an lạc xuất phát từ lòng thương yêu từ ái “. Nếu trẻ con phát triển lòng nhân ái sớm thì khi trưởng thành dù có có bị thiếu hụt những điều kiện vật chất bên ngoài, con cái chúng ta vẫn có được một cuộc sống thật sự hạnh phúc, vui vẻ.


@memorymuseum.net

©PhươngChi@HVR

No comments:

Post a Comment