@On the Net
Chúng ta may mắn được định cư ở Úc, một quốc gia dân chủ, tự do, và cũng là một trong những quốc gia có quy định chặt chẽ về an toàn thực phẩm. Những sản phẩm chế biến ở Úc đều phải qua kiểm nghiệm trong giai đoạn sản xuất. Nhưng do vấn đề toàn cầu hóa, cùng với các hiệp ước giao thương giữa các quốc gia, thực phẩm bày bán ở chợ không chỉ được chế biến ở Úc mà còn mang nhãn hiệu của nhiều nơi khác trên thế giới.
Thông thường rất ít người chịu để ý nhìn xem xuất xứ của những thực phẩm đóng hộp đến từ quốc gia nào. Có những mặt hàng mang thương hiệu của Úc nhưng được gia công ở ngoại quốc để có giá thành rẻ, sau đó đưa trở lại vào Úc. Nhưng cũng có nhiều món hàng do công ty ngoại quốc sản xuất mang nhãn hiệu của quốc gia đó, được các đại lý nhập vào bán ở Úc.
Truyền thông Úc từng loan tin về sự độc hại của các món hàng sản xuất của Trung Cộng, để thấy không chỉ có nước VN ta nay trở thành bãi xả rác của Trung cộng, mà Úc và các quốc gia khác trên thế giới cũng là nạn nhân.
Nữ ký giả Laura Sparkes, phóng viên kỳ cựu của đài truyền hình số 7 ở Sydney đã thực hiện trên chương trình Today Tonight vào tháng 9 năm 2011 một bài phóng sự với chủ đề Toxic Foods Import ( tạm dịch Thực Phẩm Nhập Cảng Độc Hại), qua đó Laura Sparkes nói rằng một kẽ hở trong hiệp ước thương mại song phương giữa NZ và Úc đã tạo cơ hội cho Trung cộng nhập được rau đông lạnh vào Úc bằng cách đi vào cửa sau từ ngả NZ. Những sản phẩm ghi made in NZ nhập vào Úc đều không bị kiểm nghiệm xem có bị nhiễm các chất hoá học hay chăng.
Ông William Churchill giám đốc của cơ quan Ausveg tức Australia Vegetable, có trách nhiệm giám sát quyền lợi của các nông gia trồng rau trong nước, giải thích rằng NZ rất lỏng lẻo về luật cho phép ghi xuất xứ sản phẩm trên bao bì, vì vậy gây tổn hại cho nền kỹ nghệ địa phương của Úc. Trung cộng vẫn còn tiếp tục xử dụng bừa bãi các chất hóa học đã bị cấm dùng ở các quốc gia có quy định chặt chẽ về an toàn thực phẩm. Theo ông Churchill sự kiện này là hành động gian trá vì không có cách nào người Úc nhìn vào bao bì để biết được món hàng nhập từ NZ hay China, vì Trung cộng nhập hàng vào NZ, đóng gói lại với nhãn made in NZ và nhập vào Úc, hoàn toàn thoát qua cửa ải kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.
Mike Badcock, giám đốc cơ quan Sustainable Agricultural Communities Australia, ông cha đã 6 đời làm nghề trồng rau ở Tasmania, cho biết các loại rau từ NZ nhập vào Úc thông qua tuyến đường Tasmania không hề bị xét nghiệm chất hoá học, và điều này gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân Úc vì họ không biết là họ ăn rau trồng ở Trung cộng chứ không phải ở NZ. Và lại càng không biết rau đã được tưới và bón phân bằng những thứ độc hại nào.
Các nhà phân chất hóa học đã lấy 18 túi rau đông lạnh mang nhãn McCains, Heinz, Birdeye, cùng với nhãn mang thương hiệu Coles và Woolworths đem thử nghiệm tại phòng thí nghiệm ở Úc. Đa số các mặt hàng đều nhập từ Trung cộng hoặc NZ, chỉ có vài loại rau là trồng ở Úc. Các chuyên gia tìm thấy trong một số rau có 4 chất hóa học độc hại là thuốc trừ sâu đã bị cấm xử dụng ở Liên Hiệp Âu Châu, và đang được cơ quan kiểm nghiệm Liên Bang Úc xem xét. Những hóa chất này có thể gây bịnh ung thư, khiến phụ nữ bị hiếm muộn và có khả năng sinh con dị tật.
Một hóa chất độc hại gây dị tật bẩm sinh được tìm thấy trong gói rau mang thương hiệu Winter McCains, đóng gói ở New Zealand với rau nhập từ nước ngoài.
Jo Himmig, người điều hành mạng lưới quốc gia National Toxics Network cho biết trong bao rau spinach mang nhãn hiệu Heinz nhưng ghi rõ made in China được tìm thấy có một hợp chất hữu cơ chứa phosphate gây nguy hiểm cho hệ thần kinh, hiện là hóa chất xử dụng rộng rãi như thuốc trừ sâu và chống hỏa hoạn.
Cũng theo nội dung bài phóng sự của nữ ký giả Laura Sparkes, rất nhiều sản phẩm mang nhãn hiệu Home Brand và Select Labels của Woolworths, và Coles Smart Buy của Coles đều có xuất xứ từ Trung cộng. Nhưng tin tức kinh hoàng nhất lan truyền trên khắp lục địa Trung cộng là rau trồng trên phân người, và dưa hấu bị nổ tung sau khi người trồng xịt lên quả dưa một hóa chất tạo phản ứng hóa học cho dưa mau lớn trái.
Ông Mike Badcock ở Tasmania đặt câu hỏi nếu ngay cả tầng lớp trung lưu Trung quốc còn không dám ăn rau sản xuất trong nước, phải tự trồng rau riêng để ăn, thì tại sao chúng ta lại bắt buộc phải tiêu thụ thực phẩm của Trung quốc?”
Biểu tình tại Hong Kong phản đối trái cây nhiễm hóa chất @ Greenpeace.org
Tiêu hùy rau quả nhiễm hóa chất tại Nam Ninh @shm.com.cn
Đó là bản tin tường thuật của chương trình truyền hình Today Tonight.
Ngoài ra, một phúc trình khác của Tổ chức Green Peace trong khu vực Đông Á cho biết sau khi kiểm ngiệm 65 sản phẩm dược thảo truyền thống của Trung cộng, đã tìm thấy dấu vết của nhiều loại thuốc trừ sâu, trong đó có thuốc đã bị cấm xử dụng ở Trung cộng. Mức độ của chất hóa học còn lưu lại trong sản phẩm cao hơn đến hàng trăm lần so với tiêu chuẩn quy định an toàn thực phẩm. Các sản phẩm dược thảo được Green Peace xét nghiệm bao gồm wolfberries, cây kim ngân hoa, hoa Sanqi, hoa cúc. Greenpeace mua các loại dược thảo này ở chín cửa hàng dược phẩm, như Tongrentang (Đồng Nhân Đường) và Yunnanbaiyao (Vân Nam Bạch Dược), tại chín thành phố trên khắp lục địa Trung cộng, từ tháng Tám năm 2012 đến tháng 4 năm 2013. Kết quả xét nghiệm cho thấy có hơn 20 loại thuốc trừ sâu khác nhau nằm trong 9 mẫu hàng.
Phun thuốc trừ sâu cho rau tại Quảng Châu @Greenpeace.org
Trà xanh bày bán ở các tiệm thực phẩm Á Đông ở Úc đa số mang nhãn hiệu Made in China, vì Trung cộng là nước sản xuất trà lớn nhất thế giới, với 8 triệu người làm nghề trồng trà tại 20 thành phố ở Trung cộng. Diện tích trồng trà ở Trung cộng và sản lượng trà hàng năm đang trên đà phát triển lớn mạnh.
Từ tháng 12, 2011 đến tháng Giêng 2012, Green Peace đã lấy mẫu trà từ 9 công ty sản xuất trà nổi tiếng ở TC giao cho một phòng thí nghiệm độc lập thử nghiệm, và tìm thấy một khối lượng lớn thuốc trừ sâu còn lưu lại trong các loại trà xanh (green tea), trà Ô Long, và trà hoa nhài (jasmine tea).
Ông Mark Kastel, phân tích gia tại Viện Cornucopia, là một tổ chức phi lợi nhuận với nhiệm vụ tìm kiếm sự công bằng về kinh tế cho cộng đồng nông gia, trong buổi điều trần trước tiểu ban ngoại giao ở Hoa Kỳ về các vấn đề liên quan đến Châu Âu, Á-Âu và những mối đe dọa khác, đã đưa ra lời nhận định như sau, “Nếu chúng ta không tin tưởng người Trung quốc về nguyên liệu họ cung cấp để làm thực phẩm cho chó và mèo của chúng ta, thì tại sao chúng ta lại phải tin tưởng những nhà xuất cảng Trung quốc về thực phẩm của họ mua về cho con cái và gia đình chúng ta ăn?”
Báo động trái cây nhiễm hóa chất độc
Báo động trà nhiễm hóa chất độc
Báo động rau củ nhiễm hóa chất độc @chinadigitaltimes.net
The Epoch Times, một tờ báo đa ngôn ngữ và là tổ chức truyền thông quốc tế do một nhóm người Mỹ gốc Hoa thực hiện vào năm 2000 với mục đích phá vỡ sự bưng bít thông tin và kiểm duyệt của chính quyền Trung cộng đăng bản tin của ký giả Diana Zhang vào ngày 6 tháng 8, 2013, cho biết những sản phẩm nhập từ Trung cộng vào Hoa Kỳ có khả năng độc hại do bị nhiễm hóa chất và thuốc kháng sinh như cá rô phi, nước trái cây, nấm hộp, tỏi v.v...
Cá Rô Phi rất được người tiêu thụ ưa chuộng, và thường xuyên được các nhà buôn quảng cáo trên truyền hình qua những màn biểu diễn nấu ăn của đầu bếp. Dân Mỹ tiêu thụ khoảng 80% số lượng cá rô phi nhập từ Trung cộng. Thế nhưng ít ai biết được rằng, ở Trung cộng ngay cả chủ vựa nuôi cá rô phi hoặc cá thu cũng không dám cho con cái ăn cá trong hồ được họ nuôi bằng thuốc kháng sinh cực mạnh và chất kích thích tố nhằm giúp cá sống trong một môi trường kém vệ sinh và chật chội.
Cá chết tại Trung Cộng vì nhiễm độc
Nước trái cây Apple juice vượt biên giới Trung cộng một cách hợp pháp để nhập vào Hoa Kỳ với khoảng 50% nước Táo mang nhãn Made in China bày bán trên kệ hàng của các siêu thị. Tuy nhiên, nhiều người dân Mỹ không biết rằng Trung cộng là quốc gia sản xuất thuốc trừ sâu bọ lớn nhất thế giới và chính phủ Trung cộng cũng đã thất bại trong việc kiểm soát số lượng hóa chất độc hại và bất hợp pháp mà nhà sản xuất dùng để phân bón trái cây và rau hoặc để giữ cho thực phẩm chế biến không bị hư hại.
Nấm cũng là thực phẩm nhiễm hoá chất độc hại được đóng hộp với khoảng 62.9 triệu pounds nhập vào Hoa Kỳ mỗi năm.
Tỏi trồng ở Trung cộng được quảng cáo là “organic” nhưng trên thực tế không hề có một cơ quan độc lập nào chứng thực là sản phẩm “organic”, vì bất cứ nhà sản xuất nào cũng có thể tự dán nhãn “organic” vào mặt hàng để kiếm thêm tiền lời.
Những thông tin trên đây dựa vào số liệu năm 2011 trình bày trong buổi điều trần ngày 8 tháng 5, 2013 trước Ủy Ban Ngoại Giao Hoa Kỳ về mối đe dọa của các sản phẩm không an toàn của TC nhập vào Hoa Kỳ đang gia tăng 7% mỗi năm.
Theo tờ South China Morning Post, "70 phần trăm sông hồ ở Trung Quốc bị ô nhiễm vì các chất hóa học thải ra từ các cơ sở công nghiệp”. Cứ mỗi giờ đồng hồ, Tòa Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh lại đưa ra thông báo về tỷ lệ ô nhiễm trong không khí để Mỹ kiều sống ở Bắc Kinh quyết định xem họ có nên ra khỏi nhà hay văn phòng vào thời điểm đó hay không. Với mức độ ô nhiễm như thế tất nhiên thực phẩm trồng trọt không thể an toàn.
Môi trường ở Trung Cộng ô nhiễm trầm trọng @SCMP
“organic foods” tức thực phẩm hữu cơ made in China
chỉ là một trò lừa bịp người tiêu thụ (SCMP)
Hiện nay, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản và nhiều nước khác đòi hỏi các nhà sản xuất phải đạt đúng tiêu chuẩn quốc tế về thực phẩm hữu cơ qua sự chứng nhận của cơ quan kiểm nghiệm thực phẩm. Mặc dù tiêu chuẩn về thực phẩm sản xuất theo phương pháp canh tác hữu cơ có khác nhau tùy theo quy định của mỗi quốc gia, nhưng tuyệt đối không được xử dụng thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học. Ở các quốc gia nói trên, người ta có thể tin tưởng vào sự hợp pháp và mức độ an toàn của thực phẩm "organic" vì nhà sản xuất tuân thủ luật lệ nghiêm ngặt trong việc canh tác. Khi một loại rau xanh hoặc một loại trái cây được dán nhãn “organic”, có nghĩa thực phẩm đã được kiểm nghiệm và chứng thực là organic.
Tại Trung cộng, cho dù có gieo trồng rau tráì theo phương pháp canh tác hữu cơ nhưng nếu rau được tưới hoặc rửa bằng nước bẩn thì mức độ an toàn thực phẩm vẫn chỉ là con số không. Ở Thượng Hải, đã từng xảy ra vụ heo chết hàng loạt trong một con sông bị ô nhiễm hoá chất độc hại.
Heo chết trên sông ở Thượng Hải @cnn.cn
Hãy tự hỏi, liệu thực phẩm “organic” gieo trồng trong một môi trường như trên có thực là “organic” không?
Theo Mike Adams, chủ bút của NaturalNews.com thì tất cả các loại thực phẩm đến từ Trung Quốc mang nhãn “organic” chỉ là một trò lừa bịp và gian lận. Sản phẩm “organic” của Trung cộng không hề có quy định giới hạn mức độ kim loại nặng nằm trong sản phẩm như thủy ngân, chì, cadmium, arsenic và nhôm. Và cho dù nông dân không dùng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, hay các loại phân bón có chứa dầu hỏa và hóa chất nhưng nước dùng để tưới cây mới chính là nguồn gốc gây ô nhiễm môi trường tệ hại nhất.
Kết quả phân tích của phòng thí nghiệm cho thấy “Organic Chlorella” của Trung cộng bị nhiễm chất nhôm cao gấp 10 lần so với Chlorella của Đài Loan.
Chlorella sản xuất ở Đại Hàn không được canh tác hữu cơ nhưng lại tinh khiết nhất.
(Ghi chú: Theo Tự Điển Bách Khoa, Chlorella là một nguồn thực phẩm thuộc loại tảo lục đơn bào, có hình dạng tròn, với hàm lượng protein cao, chứa nhiều các chất dinh duỡng khác giúp cơ thể phục hồi sức khỏe nhanh chóng, tạo sức đề kháng đối với nhiều bịnh tật. Phương pháp sản xuất hàng loạt hiện nay là trồng chlorella trong ao hồ nhân tạo.)
Môi trường đóng một vai trò quan trọng trong việc canh tác hữu cơ vì nếu môi trường không sạch thì thực phẩm cũng không thể sạch và an toàn cho người tiêu thụ. Hầu như không có bất cứ quy định hay chính sách nào để kiểm soát mức độ ô nhiễm môi trường tại Trung cộng, là quốc gia nằm trong tình trạng ô nhiễm tệ hại nhất trên thế giới.
Sau đây là phần lược dịch một số nhận định của Mike Adams:
Trung cộng là quốc gia theo chế độ cộng sản nơi mọi tín ngưỡng tôn giáo đều bị cấm và người dân không hề được giảng dạy về nguyên tắc xử thế hoặc luân thường đạo lý. Họ không có đạo đức. Phần lớn người dân đều tin rằng muốn thành công trong cuộc sống thì cách tốt nhất là ăn gian, nói dối và ăn cắp, thậm chí gây tổn hại cho người khác.
Nên nhớ rằng: Trung cộng là nơi pha chất melamine trong sữa bột trẻ em, dù biết rằng trẻ con sẽ vong mạng khi uống sữa. Trung cộng là quốc gia sản xuất đồ chơi trẻ em được sơn với loại sơn pha chì có thể gây hoại não. Trung cộng là một quốc gia chuyên làm rối để có sản phẩm rẻ tiền miễn sao họ che đậy được sự gian dối nhằm lừa gạt người mua hàng. Đây là lý do tại sao "made in China" trong nhiều thập niên qua đã được gán cho danh xưng “đồ rởm” (crap quality).
Nếu mua sản phẩm made in China dùng cho thú nuôi trong nhà thì điều này đồng nghĩa với hành động giết lần mòn con vật và là một trong những nguyên nhân chính đưa đến sự gia tăng bịnh ung thư nơi chó và mèo ở Bắc Mỹ.
Tất cả những điều viết ra ở đây không phải là thông tin lấy từ nơi khác. Tôi đã từng sống ở châu Á trong hai năm và đã du hành ở mọi nơi trong khu vực. Tôi nói được tiếng Quảng, từng tiếp xúc với rất nhiều người đến từ Trung quốc, Hồng Kông và Đài Loan. Tôi có thể khẳng định một điều là người dân Đài Loan tử tế, lương thiện và trung thực hơn người dân ở lục địa nhiều. Ở Đài Loan, tôn giáo được phép thực hành công khai (đa số dân chúng theo Phật giáo). Người Đài Loan có ý thức trách nhiệm đối với khách hàng, với tôn chỉ là luôn cải thiện chất lượng sản phẩm. Người dân làm việc chăm chỉ, các doanh nhân có óc sáng tạo,và khi tôi tìm mua hàng sản xuất ở châu Á để nhập cảng tôi đến Đài Loan trước hết vì các mặt hàng mang nhãn hiệu Đài Loan đều có chất lượng tốt.
Ở Trung cộng thì điều này hoàn toàn trái ngược: người dân không có tinh thần trách nhiệm phục vụ khách hàng. Triết lý hàng đầu là bóc lột người mua, cho dù biết rằng sau cuộc mua bán lần đầu tiên khách sẽ không giờ bao giờ quay trở lại nữa. Ở Trung cộng, ý nghĩ đầu tiên là lừa gạt chứ không phải là làm cho khách vui lòng. Chúng ta có thể nhìn thấy những điều tiêu cực này ngay từ trong hàng ngũ cán bộ cao cấp của chính quyền bởi đây là một quốc gia theo chế độ Cộng sản, nơi mà luật được thi hành bằng súng nhắm vào người dân không có vũ khí trong tay và không có bất cứ quyền hạn nào. Trung cộng là quốc gia có nền văn hóa tham nhũng, lừa dối và bóc lột.
Tất nhiên vẫn có những người dân ở Trung cộng chống lại những sự tiêu cực này. Không phải mọi người dân sống ở đại lục đều là người xấu Họ muốn lật đổ chính quyền tham nhũng, khôi phục lại tự do và công lý cho đất nước nhưng tất cả đều bị tước đoạt quyền làm người. Họ bất lực trong việc chống lại chính phủ độc tài và trở thành nô lệ cho một hệ thống cai trị độc đoán.
Cảnh tượng môi trường ô nhiễm ở Trung Cộng @Chinatoday.com
Nhìn những tấm hình này, có nên tự hỏi “liệu mình nên ăn thức ăn, rau trái canh tác ở Trung cộng không, cho dù được dán nhãn “organic”?
Các công ty sản xuất ở Trung cộng có thể gửi cho nhà buôn hàng mẫu loại bột để pha nước trái cây mang hương vị bưởi. Kiện hàng đầu tiên gửi đến được kiểm nghiệm và được chứng thực là an toàn. Nhà buôn bán hàng sỉ yên chí đặt thêm hàng để bán lẻ, nhưng khi hàng đến nơi và kiểm nghiệm lại thì ô hô ai tai chỉ thấy toàn là chì và thuốc trừ sâu dính lẫn lộn trong bột. Cũng vậy, các loại thảo dược của Trung cộng (Chinese herbs), và trà xanh (green tea) mang nhãn “organic” nhưng lại hấp thụ kim loại nặng và thuốc trừ sâu trong quá trình canh tác.
Nói tóm lại, nếu không có môi trường sạch thì không thể có sản phẩm và thực phẩm sạch ngay cả khi thực hiện phương pháp canh tác hữu cơ.
Thế nhưng tại sao nhiều công ty thực phẩm vẫn tiếp tục nhập cảng nguyên liệu made in China? Rất giản dị: vì giá thành rẻ.
Mua nguyên vật liệu nhập từ Trung cộng để sản xuất hàng bán ra thị trường mang lại lợi nhuận cao, vì giá cả rẻ chỉ bằng khoảng ¼ chi phí trả cho các loại nguyên vật liệu tương tự làm ở Bắc Mỹ, Châu Âu, hoặc Úc Châu.
Ở bên Tàu, muốn có tài liệu kiểm nghiệm thực phẩm giả không khó vì giấy tờ giả mạo là việc làm xảy ra hàng ngày. Đó là triết lý của những người sống vô quy tắc trong một chế độ công an trị: không đạo đức, không đạo lý. Giả mạo báo cáo của phòng thí nghiệm không khác việc gieo trồng hạt giống, là một trong nhiều phương cách để kiếm tiền. Hoàn toàn không có ý niệm đạo đức về sự khác biệt giữa việc nói thật và nói dối. Đó là triết lý về đạo đức một cách ‘tương đối”.
Tôi không cho tất cả mọi người dân Tàu đều là những kẻ ăn gian nói dối. Nhưng phần đông đều như vậy. Bất cứ ai từng sống ở đó một thời gian dài đều hiểu rõ điều tôi đang nói ra ở đây. Đây là một quốc gia nơi các nhà sản xuất nhuộm hạt mè trắng bằng mực đen độc hại để rao bán là “hạt mè đen”. Đây là nơi nhà sản xuất pha vào sữa bột trẻ em chất melamine có khả năng làm suy thận để kiếm thêm 5 xu cho mỗi pound, trong khi giết chết hàng ngàn đứa trẻ. Họ cóc cần. Trung cộng là một quốc gia đã từ bỏ đạo đức và thậm chí còn tấn công ý niệm này.
Nhãn “organic” made in China chỉ là một trò lừa bịp. Chúng ta có thể tự dối lòng và tự nhủ “thực phẩm organic thì tất nhiên phải sạch”, nhưng thực ra chúng ta đang ăn một số lượng khác nhau các chất thủy ngân, chì, thuốc trừ sâu và những loại hóa chất tổng hợp khác. Kết quả kiểm nghiệm trong phòng thí nghiệm đã chứng minh tất cả những điều tôi đang nói ra ở đây.
Tờ The Guardian ở Anh quốc báo cáo như sau:
"Một nghiên cứu gần đây cho thấy mạch nước ngầm ở 90% các thành phố của Trung Quốc bị ô nhiễm trầm trọng. Người đứng đầu Bộ Thủy Cục của Trung Quốc cho biết năm ngoái có đến 40% các con sông của nước này bị "ô nhiễm nặng", và một báo cáo chính thức từ mùa hè năm ngoái cho biết có đến 200 triệu người Trung Quốc ở nông thôn không có được nguồn nước sạch để dùng."
Nói tóm lại, trong nỗ lực thúc đẩy tiềm năng kinh tế, Trung cộng đã và đang tự đầu độc và chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi quốc gia này dãy chết vì ảnh hưởng độc hại của môi trường sinh thái ô uế bao trùm khắp lục địa. Sự “bùng nổ” kinh tế của Trung cộng sắp cáo chung. Tình trạng tham nhũng ở Trung cộng tệ hại đến nỗi chính quyền không hề ngăn cấm các nhà máy thải hóa chất trực tiếp vào nguồn nước ngầm cung cấp cho dân chúng xử dụng. Thay vì thừa nhận nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, các cán bộ cao cấp trong guồng máy chính quyền lại thản nhiên nhận tiền hối lộ và che đậy sự thật. Tham nhũng cắm rễ sâu trong một nền văn hoá không hề có sự thành thực và tinh thần trách nhiệm.
Chúng ta thường nghe nói hoặc đọc tin tức báo chí trong nước đăng về hiểm họa hàng hóa sản xuất ở Trung cộng lan tràn ở VN từ thực phẩm, đồ gia dụng, đến quần áo, giày dép, mặt hàng nào cũng pha trộn các chất hóa học gây ung thư và nhiều bịnh tật khác cho người tiêu thụ. Khách du lịch ở VN có thể tránh không mua thực phẩm sản xuất ở Trung cộng đem về dùng trong nhà, nhưng vào nhà hàng ăn, làm sao chúng ta có thể biết chắc được nhà hàng không mua những mặt hàng mang nhãn hiệu Made in China để nêm vào thức ăn.
Như nhận định của Mike Adams, Trung cộng đang tự đầu độc và sẽ dãy chết dần trong môi trường độc hại trầm trọng do hậu quả của sự bùng nổ kinh tế vô trật tự. Nếu quả thực tiên đoán của Mike Adams chính xác thì liệu đất nước Việt nam của chúng ta có sẽ thoát khỏi kiếp nạn này hay không, khi VN đang là bãi xả rác của Trung cộng và người dân VN tiêu thụ gần như 100% sản phẩm và thực phẩm độc hại made in China?
Hóa chất ép chín trái cây nhập cảng vào VN từ Trung Cộng
Bơm hóa chất làm chín mít xanh ở đồng bằng Cửu Long
Kiểm nghiệm táo nhập cảng nhiễm hóa chất
Quít nhập cảng từ Trung Cộng bị mốc trong ruột
Với một chính quyền CSVN tham nhũng, độc tài, và hành xử như một đảng cướp ngoài vòng pháp luật, cai trị đất nước rập khuôn theo đàn anh Trung cộng thì hỏi tức là trả lời rồi vậy!
No comments:
Post a Comment