Thursday, March 27, 2014

Chuyện Việt Nam: "Ăn thua gì, còn nhiều đồng chí chưa lộ!” - PTH

Trương Tấn Sang và Nhật Hoàng Akihito @ on the Net

Trưa ngày 16/3/2014, Chủ tịch nhà nước CSVN Trương Tấn Sang được Nhật Hoàng Akihito đón tiếp tại Đông Kinh, bắt đầu chuyến thăm viếng Nhật bản đầu tiên của Sang ở vai trò Chủ tịch nước. Trong khi báo chí nhà nước CSVN ‘hồ hởi’ ca rằng ”Chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lần này là sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng trong quan hệ hai nước, nhằm tăng cường sự tin cậy chính trị giữa Việt Nam-Nhật Bản và sự phối hợp giữa 2 nước trong các vấn đề quốc tế và khu vực; thúc đẩy hợp tác với Nhật Bản trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, ODA, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, nông nghiệp”, thì cũng trong thời gian đó, truyền thông và báo chí Nhật đang ồn ào về tin “công ty Tư vấn Giao thông Nhật Bản (Japon Transport Consultants - JTC) thừa nhận đã hối lộ nhiều viên chức cao cấp ở 1 số nước, trong đó có Việt nam để được trúng thầu”.


Tin về JTC trên báo chí Nhật @ VTV1

Tin tức báo chí nói rằng công ty JTC đã chi tổng cộng khoảng 130 triệu Yen (1 triệu 620 ngàn Mỹ kim) tiền ‘hoa hồng’ cho các viên  chức cao cấp Việt Nam, Indonesia và Uzbekistan cho các dự án ODA (Viện trợ phát triển hải ngoại) mà JTC được nhận thực hiện ở các nước này. Sự vụ bị phát giác khi Sở thuế khu vực Tokyo thẩm tra sổ sách của công ty JTC và thấy nhiều khoản chi không rõ ràng trong hồ sơ từ tháng 2/2008 đến tháng 2/2014, tổng cộng khoảng hơn 100 triệu Yen. 

Thoạt tiên, số tiền khoảng 100 triệu Yen được JTC chú thích là “khoản chi chờ kết toán”, nhưng sau đó họ chia khoản tiền này thành nhiều khoản nhỏ và ghi là phí tổn linh tinh, như chi phí dịch vụ v.v. Sở Thuế Tokyo không đồng ý và kết luận những khoản chi không đúng này là hình thức che giấu lợi tức để trốn thuế. Sau đó, công ty JTC phải nộp một bản kế toán chi tiêu đã điều chỉnh  nhưng vì JTC không cung cấp danh tính những cá nhân đã nhận số tiền này, kết luận của Sở Thuế “đây là những khoản chi tiêu ngầm không hợp lệ” và bị buộc phải trả thêm một số tiền thuế rất lớn, cộng thêm tiền phạt 40% của khoản chi hơn 100 triệu Yen nói trên.  

Sự vụ khiến sở Thuế chú ý hơn nữa vì JTC bị phát giác tiếp tục chi chi thêm vào khoảng 30 triệu Yen, trong đó có 10 triệu Yen được chi hồi tháng Tư 2013, tức 2 tháng sau khi cuộc điều tra đã  tiến hành.


Chủ tịch Tamio Kakinuma @ on the Net

Tin tức báo chí nói thêm, đích thân Chủ tịch JTC, Tamio Kakinuma , sau khi bị giới chức tư pháp thẩm vấn, cuối cùng đã thừa nhận chuyện ‘trả tiền hoa hồng’ -hoặc chính xác là hối lộ- cho nhiều viên chức tại 4 nước nói trên để dành được hợp đồng liên quan tới 5 dự án phát triển giao thông bằng nguồn vốn viện trợ không lãi theo chương trình ODA của chính phủ Nhật, có tổng trị giá tới hơn 6 tỷ đồng Yen Nhật. Ông ta đã khai  chi tiết về thời gian và cách thức đưa tiền hối lộ cho những viên chức ngoại quốc . Trước đó, Chủ tịch JTC tuyên bố ông ta không hề hay biết về tình trạng chi tiền bất hợp pháp của công ty mình.
Như vậy công ty JTC và cá nhân Chủ tịch công ty Tamio Kakinuma  có thể bị Công tố viện Nhật bản điều tra chính thức và có thể bị truy tố vì vi phạm luật lệ cấm cạnh tranh không chính đáng. 

Riêng về phần Việt Nam, báo chí Nhật bản  nói, JTC xác nhận hối lộ một viên chức cao cấp thuộc Ban Quản lý các dự án đường sắt Việt Nam khoảng 80 triệu Yen (khoảng 16 tỷ 400 triệu đồng VN) để được trúng thầu hợp đồng cho một dự án ODA trị giá trị giá 4 tỷ 200 triệu Yen (khoảng 862 tỷ 800 triệu đồng). 

Cần nói thêm công ty JTC được thành lập năm 1958, khi Nhật bắt đầu xậy dựng tuyến hỏa xa  Tokaido Shinkansen. Công ty này chuyên về khảo sát nền đất và thiết kế xây dựng thiết lộ này bắt đầu mở rộng thị trường ra ngoại quốc vào những năm thập niên 1990 và từ năm 2000 tới nay, JTC đã nhận được 19 dự án ODA có tổng trị giá 25 tỷ Yen.

Vụ hối lộ 80 triệu Yen liên quan đến dự án tuyến đường hỏa xa đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi. Công ty JTC đại diện cho liên danh các công ty tư vấn Nhật Bản đã trúng thầu với giá 2 tỷ 900 triệu Yen và 320 tỷ đồng Việt Nam.  Hợp đồng tư vấn này đã được ký ngày 09/9/2009 và được thực hiện trong thời gian từ 01/10/2009 đến 30/11/2011.


Bản đồ dự án tuyến dường sắt số 1 Yên Viên Ngọc Hồi 

JTC có tên trong nhiều dự án về cơ sở hạ tầng ở Việt Nam và cũng dự phần trong liên doanh tư vấn dự án thay thế 7 chiếc cầu trên tuyến hỏa xa  Bắc-Nam.

Năm 2005, liên doanh của công ty này với 2 công ty, Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) và Dịch vụ kỹ thuật đường sắt Nhật Bản (JTC - PCI - JARTS) đã cung cấp gói dịch vụ tư vấn về  nâng cao mức độ an toàn cầu và đường ray xe lửa  trên tuyến Hà Nội – Saigon cho Tổng công ty Đường sắt VN. Hợp đồng tư vấn này trị giá gần 150 tỷ đồng VN theo đó thì liên doanh JTC - PCI - JARTS sẽ cung cấp mọi dịch vụ tư vấn (trọn bộ) gồm khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật; giám sát thi công các công trình và trợ giúp việc cải tiến năng lực quản lý cơ sở hạ tầng của Tổng công ty Đường sắt VN. Hợp đồng được thực hiện trong 56 tháng.

Lễ ký hợp đồng giữa JTC và Tổng Cty Đường Sắt VN @ on the Net 

Sang năm 2009, liên doanh tư vấn VN - Nhật Bản (VJC) gồm Công ty Tư vấn đầu tư và xây dựng giao thông vận tải (TRICC) cùng ba đối tác Nhật là JTC, Công ty Dịch vụ kỹ thuật đường sắt Nhật Bản (JARTS) và Công ty Nippon Koei (NK) đã đưa ra đề nghị lựa chọn kỹ thuật Shinkansen của Nhật để làm tuyến hỏa xa cao tốc ở Việt Nam.

Như vậy đây là lần thứ nhì xảy ra tai tiếng về việc công ty tư vấn Nhật bản phải hối lộ cho viên chức nhà nước CSVN để được nhận hợp đồng cho các dự án ODA trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông công cộng. Vụ tai tiếng trước đây là hồi năm 2008 Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên phó giám đốc Sở Giao thông Vận Tải kiêm giám đốc Dự án Đại lộ Đông–Tây ở Saigon nhận hối lộ của công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (Pacific Consultants International - PCI) để thắng thầu dự án đại lộ Võ Văn Kiệt và sau đó bị án tù 20 năm.


Phiên Tòa xử Huỳnh Ngọc Sĩ @ on the Net

Về phản ứng của phía CSVN, theo báo chí trong nước, tuy cả Bộ trưởng lẫn Thứ trưởng GTVT CSVN đều nói rằng phía Nhật bản chưa cho biết đích danh viên chức nào nhận hối lộ nhưng  Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty đường sắt Việt Nam Trần Ngọc Thành cho biết ngày 21/3/2014 đã họp khẩn với Ban Quản lý các dự án đường sắt và ngày 23/3 quyết định “đình chỉ công tác đối Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt trong vòng 15 ngày để xác minh sự vụ”. Ngoài viên Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt, hai Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam là  Ngô Anh Tảo và Trần Quốc Đông, cũng bị đình chỉ công tác 10 ngày để chờ xác minh tin tức. Bên cạnh đó, 1 viên chức đã chuyển đi nhiệm vụ khác, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt (từ 2000 đến 2009) Trần Văn Lục cũng bị tạm ngưng việc 15 ngày để giải trình. 


Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng @ on the Net

Cũng trong ngày này, Bộ trưởng Bộ Giao thông CSVN Đinh La Thăng đã họp bất thường và giao cho Nguyễn Ngọc Đông (Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực đường sắt của Bộ GTVT) trách nhiệm lập kế hoạch thanh tra các dự án có vốn vay ODA của Nhật Bản, của Ngân hàng phát triển Á Châu (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB). Đặc biệt viên thứ trưởng này phải làm việc với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, để soát lại tất cả các dự án mà công ty tư vấn Nhật Bản có tham dự. Chiều tối ngày 25/3, Nguyễn Ngọc Đông đã bay sang Nhật để liên lạc với các cơ quan Nhật gồm Sở thuế khu vực Tokyo; Đội điều tra đặc biệt của Văn phòng Công tố Tokyo và cả với nhật báo Yomiuri Shimbun gọi là “nhằm xác minh thông tin về nghi án nhận hối lộ của quan chức ngành đường sắt Việt Nam”.

Đinh La Thăng đã họp với tất cả các cơ quan, đơn vị có liên quan đến Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 và khẳng định kiên quyết nhanh chóng làm rõ những vấn đề báo chí Nhật đã nêu ra và dọa  “xử lý nghiêm khắc những vi phạm, bất kể là ai”.  Về dự án án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1- giai đoạn 1), Thăng đã yêu cầu tạm ngưng giải ngân theo hợp đồng đã ký với JTC và tạm ngưng thương thảo với JTC về phần tài chính hợp đồng tư vấn thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2A.

Ngày 25/3, Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Huyện, cho biết đã ký văn bản thanh tra toàn bộ dự án nói trên và cùng ngày, đã gửi văn thư sang Nhật yêu cầu Chủ tịch JTC có văn bản chính thức cung cấp tài liệu, chứng cớ là đã hối lộ quan chức ngành đường sắt Việt Nam để được trúng thầu.

Chánh Thanh tra Bộ GTVT-CSVN Nguyễn Văn Huyện nói “cho tới nay chỉ mới có thông tin do báo chí Nhật loan tải, và Bộ GTVT cần có những tố cáo bằng giấy trắng mực đen, kèm theo bằng chứng về việc chuyển tiền, thời gian chuyển tiền, thậm chí cả nội dung ghi âm về việc đưa - nhận hối lộ”. Nguyễn Văn Huyện nhấn mạnh việc thanh tra phải làm rõ "tại sao phải bôi trơn để trúng thầu dù việc đấu thầu được tổ chức công khai” (?) và "tại sao dự án đường sắt đô thị số 1 từ khoảng 900 tỉ đồng giai đoạn 1 của dự án, liên danh tư vấn do JTC đứng đầu trúng thầu, sau 2 năm tăng thêm tới khoảng 326 tỉ đồng” (?). Không những vậy, giới chức GTVT CSVN còn thắc mắc rằng “tại một số dự án khác ở phía Nam có JTC tham gia cũng xảy ra tình trạng đội giá (tăng giá) rất lớn (!)”.

Chưa hết, Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, còn khẳng định “ theo  quy định hiện hành, dự án tư vấn có vốn đầu tư ODA Nhật Bản phải thông qua đấu thầu rất công khai, minh bạch giữa các nhà thầu Nhật Bản”.


@ on the Net

Tóm lại, cho tới giờ này, những viên chức có trách nhiệm ở Tổng Công ty đường sắt VN vẫn ung dung và nhơn nhơn nói rằng "cái gì họ làm cũng đúng theo quy định, cũng công khai minh bạch” và đòi phải có chứng cớ cụ thể thì mới xem xét!

@ on the Net

Nhận định về tin khoản hối lộ lên tới 16 tỷ đồng nói trên , một viên chức thuộc hàng cao cấp CSVN là Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài Việt Nam cho rằng vụ ăn hối lộ 16 tỷ đồng đang điều tra này mới chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm và nói thẳng (nguyên văn) “Ăn thua gì, còn nhiều đồng chí chưa lộ!”


Nguyên Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Mại @ on the Net

Khi báo chí hỏi có cảm thấy vụ hối lộ này gây tai tiếng cho quốc thể hay không, ông ta trả lời “nói thật là nó cũng chẳng làm mình xấu đi hơn nhiều đâu! Vì bây giờ nói về tham nhũng thì nước mình có tên tuổi thứ hạng lắm rồi, có xấu nữa cũng chả xấu hơn mấy, năm 2013 vừa rồi quốc tế  họ đánh giá bệnh (tham nhũng, hối lộ) của mình nặng hơn Lào và Campuchia mà. Riêng khoản  tham nhũng ODA ở các nước Á châu, trừ Singapore ra thì nước nào cũng mắc phải, nhưng bệnh của mình có lẽ là nặng nhất” .

Vẫn theo ông Mại, “thật ra, đúng là phải nói kính thưa các đồng chí đã bị lộ và các đồng chí chưa bị lộ. Đấy cứ thử rồi mà xem”.


@ on the Net

Ông Nguyễn Mại nói thêm, điều mà nhiều nước đang phát triển trên thế giới đã và đang làm có hiệu quả rất cao trong việc phòng ngừa tham nhũng hối lộ, và chính ông ta đã từng đề nghị -như với Hội đồng ND thành phố Hà Nội mà không được chú ý – như “nếu khi thông qua một dự án đầu tư công phải lập một nhóm chuyên gia độc lập để các chuyên gia độc lập này sẽ có một bản thẩm định dự án đó, song song với cái thẩm định của cơ quan nhà nước để so sánh, bởi từ xưa tới nay cứ nhét nhiều phong bì vào túi bên quản lý dự án thì chuyện thẩm định sẽ rất nhanh, nhưng nếu có một cơ quan độc lập thẩm định như vậy sẽ hạn chế được tiêu cực rất nhiều”.

*
Chưa hết, một đại biểu Quốc hội CSVN cho biết “trước đây thái độ nôn nóng của ngành đường sắt khi ráo riết đề nghị kế hoạch xây đường hỏa xa cao tốc Bắc - Nam đã khiến ông ta vô cùng nghi ngờ".

Đại biểu Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội CSVN nói với  VTC News rằng, trong kỳ họp Quốc hội khóa XII (2007-2011), ngành đường sắt rất “hăng hái”, "nhiệt tình", rất nôn nóng muốn Quốc hội nhanh chóng thông qua dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam. 

Theo ông Tiến, lúc đó nhiều đại biểu Quốc hội, trong đó có cả ông ta, phân tích rằng với điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn mà bỏ ra nhiều vốn như vậy là chưa phù hợp vào thời điểm đó và phân tích là cần phải có thêm thời gian để kinh tế phục hồi thế nhưng ngành đường sắt vẫn rất “nôn nóng, hăng hái”. Sau đó ngành đường sắt Việt Nam vẫn quyết tâm làm, nhưng không làm dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam nữa mà chia ra thành từng đoạn nhỏ để làm. Điều này khiến đại biểu Lê Như Tiến tự đặt ra câu hỏi: “Tại sao ngành đường sắt phải nôn nóng và sốt ruột đến thế? Rõ ràng, đằng sau việc này phải có vấn đề gì đó. “


Mô hình dự án đường hỏa xa cao tốc @ on the Net

Bời lúc đó, vì chưa có bằng chứng đầy đủ nên đại biểu Quốc hội CSVN chỉ phân tích  vấn đề và bây giờ có thể tạm kết luận là nguyên nhân chính là những thông tin về việc nhận hối lộ mà báo chí Nhật Bản đã loan tải. Và ông Lê Như Tiến kết luận,  vụ tai tiếng nhận hối lộ lần này cũng tương tự như vụ dự án Đại lộ Đông - Tây ở TP.HCM liên quan đến Huỳnh Ngọc Sĩ năm 2008, tương tự như chuyện đi đêm của vụ mua ụ nổi Vinalines (giá thành thực tế đã bị nói khống lên nhiều lần).

Một chuyên viên kinh tế, cựu nhà báo từng bị cáo buộc tội “tiết lộ bí mật nhà nước” là Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, trả lời phỏng vấn của đài Á Châu Tự Do RFA đã nhận định “Vụ này quá giống vụ đại lộ Đông Tây năm 2008. Hai vụ đại lộ Đông Tây và đường sắt số 1 của Hà Nội rất giống nhau, đều nhận ODA từ Nhật Bản, và đều do Nhật Bản cung cấp thông tin. Trong lịch sử Việt Nam chưa từng có một sự phát hiện nào từ phía chính quyền về những tham nhũng từ ODA. Chúng ta nhớ là năm 2012 cũng xuất hiện một vụ tham nhũng từ ODA và đã phát hiện từ Thụy Điển và rất tiếc sau đó chính quyền Thụy Điển phải đóng một số dự án viện trợ ODA cho Việt Nam. Điều này đặt ra tình trạng thất thoát lãng  phí ODA ở Việt Nam như thế nào”. 

Đặc biệt TS Phạm Chí Dũng nhấn mạnh đến những yếu tố hậu trường của vụ cáo giác hối lộ này, xin trích nguyên văn: 

Chúng ta cũng đặt lại một số vấn đề là tại sao vụ đường sắt đô thị số 1 với vốn ODA của Nhật bản lại nổ ra vào thời điểm khi ông Trường Tấn Sang đi Nhật bản và có một buổi yết kiến với Nhật hoàng, đồng thời ông Nguyễn Tấn Dũng lại đang ở Hoà Lan để dự thượng đỉnh an ninh năng lượng của châu Âu và thế giới. Điều đó nói lên cái gì thì chúng ta xem xét sau nhưng nó có những ẩn ý mà chúng ta cần phải phân tích mổ xẻ cho kỹ. Xét cho cùng, có thể vụ này được khoanh lại, trong ngoặc kép, như vụ ông Huỳnh Ngọc Sỹ hồi năm 2008. Trước đó ông Huỳnh Ngọc sỹ bị chung thân nhưng sau đó phúc thẩm được đưa xuống còn 20 năm mà thôi. Thì có thể vụ này cũng sẽ được khoanh lại và có lẽ công cuộc chống tham nhũng cũng không đi tới đâu một khi mà Đảng, nhà nước, chính quyền hoàn toàn bị động trong việc phát hiện tham nhũng với lĩnh vực ODA như hiện nay.

Điều đó cho thấy là có thể đây không phải là vụ tham nhũng, hối lộ bình thương liên quan đến vốn ODA mà qua vụ việc này liên quan đến một số nhóm lợi ích. Tôi đặt vấn đề là ai, nhóm nào đã cung cấp tài liệu cho Shimbun để đăng ngay vào thời điểm này. Và nếu có chuyện đó thì liệu có ý đồ chính trị gì hoặc là nội bộ sau này hay không vì hiện nay tình hình rất phức tạp và đó là sự phức tạp hỗn mang, xen cài các nhóm lợi ích, các nhóm thân hữu, các nhóm chính khách cao cấp với nhau.  Và sau cái chết của Thượng tướng Phạm Quý Ngọ thì không ai dám chắc tương lai ổn thỏa nào cho mình đối với tập thể đứng sau mình.

*

Tương tự như trường hợp vụ án hối lộ Huỳnh Ngọc Sĩ của Công ty quốc tế Thái Bình Dương PCI trước kia,  cho tới nay phiá các viên chức CSVN vẫn lớn tiếng rằng “mọi chuyện đã làm đều theo đúng quy trình, nguyên tắc công khai, minh bạch và đòi phải có chứng cớ rõ ràng thì mới có thể tính đến chuyện khởi tố!”. 

Nỗ lực phòng chống tham nhũng mà Đảng và nhà nước CSVN lớn tiếng hô hào bấy lâu thật ra chỉ là lời nói suông, và chuyện điều tra, xét xử tham nhũng hối lộ vẫn chỉ là chuyện ‘các phe nhóm lợi ích trong nội bộ đảng CSVN tranh giành đấu đá với nhau mà thôi'.


@ on the Net

Và trong thực tế thì dù tin này đang gây ồn ào nhưng rõ ràng dân Việt nam biết chắc rằng sẽ phải mất rất lâu mới có câu trả lời chuyện phanh phui nguyên ủy chi tiết sự vụ và mức độ rộng lớn của vụ hối lộ này (ai ăn, ăn bao nhiêu, ăn thế nào, ăn ở đâu vv).  Và khi có kết luận điều tra, chắc chắn kẻ bị buộc tội tham nhũng ăn hối lộ rồi cũng sẽ lại là một viên chức làng nhàng nào đó, cũng sẽ ra Tòa, nhưng rồi sẽ được “cứu xét giảm khinh vì thuộc thành phần gia đình cốt cán, có công với cách mạng v.v”.  “Đồng chí” nào lỡ bị lộ sẽ phải im miệng che đậy cho “các đồng chí chưa bị lộ” để đánh đổi  mạng sống và quyền lợi cho bản thân cùng vợ con!

TS Phạm Chí Dũng nói thẳng là không tin tưởng gì vào cam kết phòng chống tham nhũng mà Đảng và nhà nước CSVN vẫn hô hào:

Tôi cho là những vụ như đường sắt đô thị hay tiền polymer hoặc có thể có những vụ việc khác sau này phát hiện ra liên quan đến ODA, thậm chí tham nhũng trầm trọng lên đến vài triệu đô la chứ không phải chỉ có 800 ngàn hay một triệu đô la như hiện nay, cũng chỉ dừng ở mức độ thỏa hiệp mà thôi vì tương quan lực lượng chính trị quyết định có đưa ra ánh sáng hoặc là đưa ra ánh sáng chừng nào với các vụ việc tham nhũng.

Tôi không tin tưởng vào công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam vì họ đã hứa quá nhiều nhưng thực chất việc làm lại phụ thuộc vào những nhóm lợi ích và các cuộc đi đêm quá nhiều nên nhiều án dơ cao đánh khẽ và cuối cùng không còn lòng tin của người dân vào ngành tư pháp có thể công tâm công bằng trong việc chống tham nhũng.


@ on the Net

Không hiểu khi Chủ tịch nhà nước CSVN Trương Tấn Sang cụng ly cùng Nhật Hoàng và Thủ Tướng Nhật Bản, ông ta có thấy ngượng, có cảm thấy nỗi nhục quốc thể vì những tin tiếp viên và phi công Việt nam bị Nhật Bản tố cáo tội ăn cắp, quan chức Việt nam bị cáo giác ăn hối lộ như vậy hay chăng?  

Chắc chắn là không. Bởi nếu biết ngượng và xấu hổ thì giờ này ông ta không ở cương vị đó!

© PTH @ HVR

No comments:

Post a Comment