Friday, May 23, 2014

WORLD CUP 2014 - Kỳ 3 - Khôi Nguyên


Bảng C: Colombia, Hy Lạp, Bờ Biển Ngà, Nhật Bản
Chiến Lực Tương Đồng Nan Phân Giải
Long Hổ Tranh Hùng Loạn Phong Ba

So với các bảng đấu khác tại World Cup 2014, bảng C được xem là một chiến trường lý thú nhất về những thế trận ngang ngửa hứa hẹn nhiều diễn tiến hào hứng khi quy tụ 4 tên tuổi tuy không thuộc nhóm các đội mạnh nhưng lại tiềm ẩn mức độ lợi hại gần như tương đồng dựa theo đặc tính riêng của họ. Bảng C gồm có: Colombia đang bước vào thời kỳ khởi sắc của dàn tuyển thủ thuộc thế hệ mới đầy tài năng, còn Hy Lạp nổi danh với tuyệt kỹ “trấn sơn” là chiến pháp phòng thủ nghiêm mật nhưng  không kém phần nguy hiểm bất ngờ qua những đòn phản kích “bách cước bách trúng”, kế đến là “bầy voi rừng” Bờ Biển Ngà thường vận hành đội hình trên căn bản thể lực dẻo dai chuyên về chiến thuật “truy chân bám bóng” rất chặt chẽ, riêng Nhật Bản ngày càng tiến bộ khó lường qua lối chơi kết hợp toàn đội công thủ rất đa dạng và luôn cho thấy đấu chí kiên cường trước bất cứ cao thủ nào. Qua đặc tính cân bằng chiến lực này, những dự đoán về thế tiến quân của 4 đội tham chiến ở bảng C cũng trở nên nan giải dù Colombia và Nhật Bản là hai đội bóng đang được dư luận đặt kỳ vọng nhiều hơn. Từ đó, bảng C còn hình thành cục diện “long hổ đấu, quỷ thần tranh” kèm theo những đợt phong ba cuồng loạn nơi cuộc đua “tứ mã đồng cước” đầy thử thách gay gắt.


COLOMBIA

Trên chặng đường lịch sử hình thành nền túc cầu từ đầu thế kỷ 20, làng bóng Colombia đã trải qua một thời gian dài đen tối qua những thành tích yếu kém nơi chiến trường Thế Giới lẫn vũ đài khu vực là giải vô địch Nam Mỹ Copa America khi họ chỉ có duy nhất một lần tiến vào vòng hai World Cup 1990 với tư cách là đội hạng Ba đứng sau Tây Đức cùng cựu Nam Tư, trong khi tại Copa America tuy Colombia từng đoạt ngôi vô địch vào năm 2001 nhưng điều này cũng không đủ chứng tỏ sức mạnh thực thụ của họ vì sự vắng mặt của Á Căn Đình cũng như đội tuyển Ba Tây chỉ đưa ra dàn quân thuộc đội B dự tranh lúc đương thời.

Trở lại bối cảnh ban đầu khi người Anh còn chi phối nền kinh tế khu vực Nam Mỹ vào cuối thế kỷ 19, môn túc cầu cũng theo bước chân viễn chinh của họ truyền bá sang Colombia và nhanh chóng trở thành trào lưu thịnh hành ở thành phố bến cảng Barranquilla nằm về phía Tây Bắc quốc gia này. Cho đến năm 1914 một vài câu lạc bộ túc cầu chính thức ra đời tại vùng đô thị Medellin đã đặt nền tảng cho việc hình thành cơ cấu Liên Đoàn Túc Cầu Đại Tây Dương (LFA), tổ chức tiền thân của Liên Đoàn Túc Cầu Colombia FCF (Federación Colombiana de Fútbol)  hiện nay. Tuy gia nhập FIFA từ năm 1931, nhưng mãi đến những năm thập niên 1940, 1950 các đội bóng chuyên nghiệp của Colombia mới được thành lập với 14 câu lạc bộ tham chiến vào năm 1948. Đây cũng là khoảng thời gian làng bóng Colombia liên tiếp thất bại trong kế hoạch nâng cao trình độ đội nhà khi luôn bị xếp vào nhóm các đội yếu kém nhất vùng Nam Mỹ.

Điều này được cho là xuất phát từ sự khuynh loát của giới xã hội đen và một số doanh nghiệp nắm giữ ngành sản xuất cao su, dầu hỏa v.v…, tức những nguồn tài trợ chính cho giải đấu chuyên nghiệp quốc nội Colombia. Từ quy chế trả tiền thù lao tuyển thủ rẻ mạt và nhất là không cần trả tiền chuyển nhượng nhưng các đội bóng chuyên nghiệp hải ngoại vẫn có thể thuê mướn cầu thủ Colombia, đã khiến cho nhiều tài năng xứ này ra đi tìm nơi lập nghiệp tại Á Căn Đình, Uruguay. Kế đến, hàng loạt sự kiện mờ ám về vấn đề tài chính, gây ra tình trạng hỗn loạn và tranh chấp ý kiếp về việc thành lập những giải đấu chuyên nghiệp quốc nội mới khiến FIFA phải can thiệp cũng như đưa ra quyết định đình chỉ tư cách pháp lý của cầu đoàn Colomnia vào năm 1950. Hơn nữa, phía Liên Đoàn Túc Cầu Nam Mỹ CONMEBOL với danh xưng bằng tiếng Tây Ban Nha là Confederación Sudamericana de Fútbol, cũng lên tiếng khuyến cáo tẩy chay đội tuyển lẫn giải chuyên nghiệp quốc nội Colombia vào năm 1954. 

Thật ra, từ trước đó cầu đoàn Colombia FCF đã từng đệ đơn xin gia nhập Liên Đoàn Túc Cầu Bắc Trung Mỹ CONCACAF (Confederation of North, Central American and Caribbean Association Football) nên càng cho thấy giữa họ và khối CONMEBOL đã có nhiều mâu thuẫn nội tại. Kết cuộc, từ năm 1956 qua sự điều đình đi đến những thỏa thuận chung giữa cầu đoàn Colombia và FIFA cùng khối CONMEBOL, giải đấu chuyên nghiệp mới của Colombia là Categoría Primera được nhìn nhận như là một khởi điểm chấm dứt thời kỳ rối ren để đưa nền túc cầu xứ này từng bước ổn định với kết quả họ được dự tranh giải World Cup đầu tiên vào năm 1962. Cũng tại đấu trường Chí Lợi vào năm 1962, Colombia từng gây ngạc nhiên với trận cầm chân cao thủ cựu Liên Xô 4-4, nhưng lại ngã gục trước Uruguay, Nam Tư ở bảng A nên bị loại từ vòng đầu.

Carlos Valderama @On the Web

Đến đầu thập niên 1990, khuôn mặt của Colombia chợt thay đổi khi thành phần đội tuyển của họ xuất hiện nhiều “kỳ nhân dị sĩ” như tiền vệ kiêm thủ quân Carlos Valderrama biệt danh “Kim Mao Linh Cước” với mái tóc bờm xoắn nhuộm vàng thường nổi bật trên sân qua hình ảnh một cầu thủ trụ cột nắm giữ toàn bộ các đường chuyền vận hành thế công thủ của đội hình nhờ vào khả năng quan sát thế trận sáng tạo, nhạy bén. Bên cạnh đó, thủ môn tài danh “Tà Chiêu Quái Cước” Rene Higuita cũng là một nhân vật khét tiếng với khả năng... ghi bàn ở những cú đá phạt  đền 11m lẫn free-kick. Higuita đứng hạng Tư trong bảng “Phong Thần” dành cho những thủ môn ghi bàn xuất sắc nhất thế giới với 41 bàn thắng, sau các “quái khách” như Rogério Ceni của Ba Tây (113 bàn), José Luis Chilavert người Paraguay (62 bàn) và Divitar Ivankov thuộc đội tuyển Bulgaria (42 bàn). Higuita còn nổi danh qua các thế võ trấn giữ cầu môn, chận bóng rất quái dị mà trong đó xuất sắc nhất là đòn “Hiết Tử Công”, tức thế bắt bóng theo hình dáng con bọ cạp cong đuôi lên. Độc chiêu bọ cạp này được Higuita thi triển ở trận chiến giao hữu đụng Anh Quốc vào năm 1995 khi anh tung người lên rồi ngã đầu xuống phía trước trong khi hai chân cong lên như chiếc đuôi bọ cạp để...cản phá một đường bóng đang bay vào gôn thật chính xác. Chỉ tiếc là tuyệt chiêu “Bọ Cạp Cong Đuôi Đẩy Lui Quả Bóng” thần sầu này đến nay đã bị thất truyền kể từ khi Higuita rời khỏi đội tuyển Colombia vào năm 1999.

Rene Higuita @ On the Web

Cùng thế hệ với Valderrama, Higuita còn có tiền đạo Faustino Asprilla, tiền vệ Freddy Rincon và trung vệ Andres Escobar đã trở thành nguyên động lực đưa Colombia lần đầu tiên vượt qua quan ải vòng 1 World Cup 1990 cùng hai lần vào đến bán kết Copa America. 

Thế nhưng, ngay vào thời kỳ vàng son được giới ái mộ ưu ái đặt nhiều kỳ vọng về sứ mạng chinh phục thế giới thì chỉ 4 năm sau ở giải World Cup 1994, đường bóng tự sát đưa bóng xuyên lưới nhà của trung vệ Escobar trong trận so chân với đội Hoa Kỳ đã khiến Colombia bị loại từ vòng đầu, đồng thời còn dẫn đến cái chết bi thảm của anh. 

Adres Escobar @On the Web

Sự kiện đau thương này từng gây chấn động võ lâm túc cầu và được gọi là “thảm kịch Escobar”. Bởi lẽ, sau bị loại sổ, toàn đội Colombia không ai dám trở về nước ngay lập tức do lo sợ sẽ bị giới ái mộ quốc nội tấn công, chỉ riêng Escobar tự nhận trách nhiệm giải thích với dư luận nên đã hồi hương. Sau đó, vào ngày 2/7/1994, tức khi giải World Cup còn đang diễn ra sôi nổi trên đất Mỹ thì Escobar đã bị một nhóm người lạ mặt gồm cả nam lẫn nữ vây quanh chất vấn về bàn thua tự sát trong một quán bar ở ngoại ô thành phố Medellin. Trong lúc đang cố gắng phân bua giải thích thì Escobar đã nghe nhóm người đối phương đồng loạt lớn tiếng la lên: “go….al….”, tức hình thức diễn tả một pha ghi bàn của giới tường thuật túc cầu Nam Mỹ, và kế đến anh lãnh trọn 12 phát đạn oan nghiệt. Kết quả điều tra của cảnh sát cho thấy âm mưu ám sát Escobar có nhiều chứng cớ liên quan đến giới xã hội đen vốn đã đặt cược vào đội tuyển Colombia rất nhiều vì cho rằng đội nhà không thể nào thảm bại dưới chân Hoa Kỳ. 

Tiếp đến, Colombia lại thất bại ngay vòng đầu ở World Cup 1998 và phong độ của đội tuyển quốc gia cũng tàn lụi dần theo bước chân từ giã chiến trường của thủ quân Valderrama. 

*

Mãi cho đến những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo của HLV José Pékerman, Colombia được coi là có nhiều dấu hiệu hồi sinh hay nói khác hơn là họ đã trỗi dậy mạnh mẽ vượt qua cả các bậc đàn anh thời thập niên 1990. 

Đó chính là sự xuất hiện một dàn cầu thủ trẻ tuổi vừa năng động vừa xuất sắc về kỹ thuật cá nhân và lối chơi thực dụng tiến thoái hợp lý theo từng thế trận công thủ rất nhịp nhàng. Chính vì vậy, họ đã tái xuất vũ đài World Cup sau 16 năm “bế quan luyện cước” qua chiến tích đứng Nhì ở cuộc đua dự tuyển vòng loại khu vực với  9 thắng 3 hòa 4 bại được 30 điểm và chỉ kém đội Nhất bảng là Á Căn Đình có 2 điểm. 

Ngoài ra, xét về thành tích 3 trận giao hữu gần đây nhất để chuẩn bị cho cuộc ra quân ở Ba Tây lần này, Colombia còn đạt những kết quả khả quan gồm hạ Bỉ 2-0, cầm chân Hòa Lan 0-0, hòa Tunisia 1-1. Hiện nay, vị trí hạng 5 của Colombia trên bảng xếp hạng FIFA dù không phản ảnh đúng trình độ thực tế nhưng cũng cho thấy phần nào mức độ lợi hại của đội bóng được mệnh danh Los Cafeteros (The Coffee Growers)

Bên cạnh những lời tán dương về phong độ cước thuật hiện nay, không thể không nhắc đến 4 chân sút chủ lực có biệt hiệu “Tứ Đại Danh Cước” trong đội hình 4-3-1-2 của Colombia gồm cặp tiền đạo Radamel Falcao, Jackson Martinez cùng hai tiền vệ cánh là James Rodriguez và Luis Muriel. 

Có lẽ ở thời điểm hiện nay, khán giả sân cỏ quốc tế không còn xa lạ gì với tên tuổi của Falcao, một khuôn mặt nằm trong danh sách những sát thủ đáng sợ nhất với lối đi bóng dũng mãnh cùng kỹ thuật sút bóng ghi bàn tuyệt hảo. Falcao là cầu thủ chiếm đến hơn 1/3 số bàn thắng giúp đội nhà đoạt vé đến Ba Tây. Cùng lúc, Martinez cũng là một ngôi sao đang tỏa sáng ở trời Âu đang chơi cho câu lạc bộ Porto của Bồ Đào Nha. Còn cặp tiền vệ cánh Rodriguez và Muriel được coi là linh hồn của thế trận tấn công bằng các đường chuyền thông minh hiểm hóc kèm theo những cú sút ác liệt trước vòng cấm địa.

@AFP

So với 2 thập niên trước, giờ đây thế hệ tuyển thủ mới Colombia đã không còn đi theo lối chơi bài bản tập trung quân số trước lằn ranh 16m50 để phối hợp các đường bóng ngắn trực kích hàng rào phòng ngự đối phương mà thay vào đó là chiến thuật biến hóa linh động, phù hợp với trào lưu túc cầu hiện đại. Do đó, họ được dư luận căn cứ vào thứ hạng và thành tích gần đây đánh giá là đội bóng có nhiều khả năng vượt qua vòng 1 tại bảng C. 

@AFP

Tuy nhiên, thực tế cho thấy đây không phải điều tương đối dễ dàng nếu không muốn nói ngược lại. Vì cùng lúc Colombia phải hoàn thành 3 nhiệm vụ: chọc thủng lớp bê tông phòng thủ kiên cố của Hy Lạp, bắn hạ đoàn phi hành Thần Phong gan lỳ của Nhật Bản và tranh đua tốc độ thể lực cùng Bờ Biển Ngà. 

Riêng đối với giới ái mộ, có lẽ điều kỳ vọng quan trọng nhất nơi Colombia là họ đừng để tái diễn “thảm kịch Escobar” trong trường hợp bị sẩy chân ngay vòng đầu. 

HY LẠP

Nhắc đến Hy Lạp, giới ái mộ đều liên tưởng ngay đến câu chuyện thần thoại do chính họ tự viết nên tại giải đấu EURO 2004 khi lần lượt đá bại toàn những cao thủ trong vùng như Pháp, Cộng Hòa Tiệp, Bồ Đào Nha, để lần đầu tiên đoạt cúp vô địch Châu Âu, tức một thành tích được làng cầu Tây Phương đánh giá ngang hàng với niềm vinh dự cúp vô địch Thế Giới do tính cách cạnh tranh rất khốc liệt từ giai đoạn dự tuyển vòng loại của giải EURO vốn tập hợp rất nhiều đội bóng sừng sỏ.

Nếu xét về thành tích tổng quát thì Hy Lạp chỉ là một đội bóng tầm trung tại Châu Âu vì họ bị xóa sổ liên tục ngay giai đoạn dự tuyển vòng loại giải Thế Giới trong suốt từ năm 1938 đến năm 1990 và nếu tính luôn giải đấu lần này thì cho đến nay họ chỉ góp mặt tại World Cup mới 3 lần cũng như đều bị loại từ vòng 1 ở các giải 1994, 2010. Trong khi tại chiến trường EURO, Hy Lạp cũng không phải là đội bóng thường xuyên tham dự với vỏn vẹn 3 lần, nhưng lại tạo bất ngờ lớn với chiến tích vô địch năm 2004. Đó cũng là thành tích sáng chói nhất của nền túc cầu Hy Lạp từ trước đến nay sau khi đội tuyển của họ ra quân đầu tiên vào năm 1929.


Một đặc điểm truyền thống hầu như bất di bất dịch của túc cầu Hy Lạp là đội hình của họ luôn đặt trên nền tảng của đấu pháp “kiên thủ tốc công” với trọng tâm bảo vệ khung thành bằng hình thức tập trung quân số ưu tiên cho hàng thủ rồi bình tĩnh chờ đợi đối phương để lộ chỗ trống để phản đòn bằng các đường bóng bổng chớp nhoáng. Hơn nữa, theo đà phát triển của túc cầu hiện đại, lối phòng thủ của Hy Lạp còn khai triển sang hình thức “man-to-man defense”, tức “một kèm một” chứ không chỉ đơn thuần dàn quân trấn thủ trước cấm địa. Ngược lại, ở thế công Hy Lạp cũng luôn tận dụng chiều cao tuyển thủ để ghi bàn bằng các pha đánh đầu rất chính xác. Đây chính là vũ khí lợi hại duy nhất từng giúp họ đoạt chiếc cúp vô địch EURO 2004.

Xét về khuynh hướng thiên về lối chơi phòng thủ, có lẽ người Hy Lạp chịu ảnh hưởng sâu đậm nơi thế trận chiến đấu từ thời cổ đại của tổ tiên họ gọi là “đội hình Phalanx” được chuyển dịch sang Việt ngữ là “Phương Trận”. Đội hình Phalanx tập trung quân số mang giáo dài, khiên chống đỡ rất đông đảo xếp hàng theo hình chữ nhật với mục đích tạo thế thủ kiên cố để bẻ gãy ý định tấn công của kẻ địch.

@On the Web

Qua sự góp mặt lần này tại Ba Tây đã ghi dấu lần đầu tiên Hy Lạp được tham dự World Cup 2 kỳ liên tiếp nên dư luận quốc nội càng khao khát về niềm ước mơ tiến sâu vào giải của đội nhà trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia suy trầm, xã hội bất ổn. 

Trở lại giai đoạn dự tuyển vòng loại, có thể nhận định rằng Hy Lạp luôn giữ được mức độ đều đặn của một đội bóng tương đối khá với 25 điểm sau 10 trận và là một trong 4 đội có thành tích phòng ngự tốt nhất, chỉ để lọt lưới 4 quả. Tuy nhiên trước một Bosnia xuất sắc hơn, Hy Lạp đành phải chịu lép vế đứng hạng Nhì do thua kém hiệu số bàn thắng. Ở vòng play-off, kinh nghiệm của đội bóng từng vô địch Euro 2004 đã giúp Hy Lạp dễ dàng đánh bại Romania với tổng tỷ số 4-2 sau hai lượt trận để giành vé đến Ba Tây.

Dưới sự điều binh của HLV người Bồ Đào Nha Fernando Santos, đội hình Hy Lạp thường kiến tạo theo sơ đồ 4-3-2-1 để dễ dàng chuyển thành 4-5-1 cho thế phòng thủ kèm người chặt chẽ. Qua đó, thủ quân kỳ cựu Karagounis tuy đã 37 tuổi nhưng vẫn được trọng dụng là một cầu nối chính cho trục xương sống chiến lược nơi hàng tiền vệ. Karagounis là biểu tượng của một tuyển thủ đàn anh tràn đầy kinh nghiệm  khôn ngoan, thận trọng, chắt chiu từng đường chuyền và sẵn sàng tung cước sấm sét ở những cục diện quan trọng quyết định chiến trường. Anh còn là điểm tựa vững chắc giúp cho cặp tiền đạo Dimitris Salpingidis và Konstantinos hoạt động dễ dàng ở hàng trên mỗi khi Hy Lạp có cơ hội phản đòn. Riêng Konstantinos Mitroglu chính là người hùng trong trận thắng 3-1 của Hy Lạp trước Romania ở lượt đi vòng play-off ngày 16/11/2013 với hai bàn thắng tuyệt đẹp.

@On the Web

Nhìn chung, tuy Hy Lạp thường nhường quyền kiểm soát bóng cho đối phương nắm giữ nhưng họ lại sở trường nơi lối đá thực dụng, tận dụng từng cơ hội nhỏ nhoi để khai thác sở hở địch thủ và nhất là tạo áp lực tâm lý qua chiến thuật phòng thủ cứng rắn khiến đối phương nản chí sau nhiều đợt tấn công không mang lại hiệu quả.

Chính vì vậy, Hy Lạp được coi là một ẩn số khá lớn so với 3 đội cùng bảng. Cũng từ lẽ này mà giới bình luận Nhật Bản luôn dè dặt trước Hy Lạp mỗi khi đề cập đến thế tiến quân của đội nhà, trong khi đối với Colombia và Bờ Biển Ngà thì cầu giới xứ Phù Tang lại có phần tự tin quyết thắng hơn. Ngược lại, lối đá phòng thủ kiên cố phản công bất ngờ vốn bất biến của Hy Lạp không phân biệt chiến thuật trước bất cứ đội bóng nào nên họ sẽ trở thành một lực cản không nhỏ, góp phần tạo thế cân xứng cho bảng C.

Chỉ  với câu hỏi “Đội bóng nào sẽ nắm giữ chìa khóa giải mã được ẩn số Thần Thoại Hy Lạp?” bảng C đã đủ gây sức hấp dẫn khán giả qua hai trận chiến mở màn vào ngày 14/6/2014 với Hy Lạp đụng Colombia và Nhật Bản gặp Bờ Biển Ngà.


BỜ BIỂN NGÀ

Sau Cameroon, Nigéria và Senegal, Bờ Biển Ngà được coi là một đội bóng đang từng bước lớn mạnh tiêu biểu của khu vực Châu Phi bên cạnh Ghana, Nam Phi với 3 lần ra quân liên tiếp ở World Cup tính luôn giải đấu 2014 lần này. Vốn có cùng bối cảnh lịch sử như nhiều quốc gia khác trong vùng, Bờ Biển Ngà từng là thuộc địa Pháp từ giữa thế kỷ 19 và sau khi tuyên bố độc lập vào năm 1960 cũng từng trải qua nhiều cuộc chính biến gây tác động không ít đến sự phát triển quốc gia, trong đó có môn túc cầu. 

Danh xưng Bờ Biển Ngà chuyển dịch trực tiếp từ quốc danh Côte D’Ivoire theo tiếng Pháp hoặc Ivory Coast theo Anh ngữ, được giải thích theo luận điểm cho rằng khi người Pháp đặt nền móng đô hộ tại đây họ nhận thấy hình thể quốc gia này nằm bên cạnh ven biển giáp với vịnh Guinee ở phía Nam, trong khi loài động vật sơn lâm nhiều nhất là giống voi rừng nên ngay từ khi đặt chân đến đây người Pháp thường tổ chức các cuộc săn bắn voi để lấy ngà. Vì vậy danh xưng Bờ Biển Ngà được sử dụng phổ biến. Từ ý nghĩa này, nhiều ngôn ngữ khác thuộc nguồn gốc tiếng La Tinh cũng ứng dụng tương tự như: Elfenbeinküste trong tiếng Đức, Costa de Marfil của tiếng Tây Ban Nha, Costa do Marfim thuộc tiếng Bồ Đào Nha hoặc Ivoorkust theo cách gọi của Hòa Lan. 

Nhận thấy có quá nhiều cách gọi khác nhau của Tây Phương nên vào tháng 10 năm 1985, Chính Phủ Bờ Biển Ngà đã ra công văn yêu cầu tên quốc gia họ được gọi thống nhất bằng danh xưng “Côte d'Ivoire” trong mọi ngôn ngữ quốc tế. Nhưng thực tế cho thấy đây chỉ là sự thỏa thuận chung trên mặt ngoại giao, còn riêng từng quốc gia đều vẫn giữ cách gọi riêng biệt. Đặc biệt, các quốc gia sử dụng âm Hán lại có nhiều cách gọi khác nhau như tàu Trung cộng gọi là Khoa Đặc Địch Ngõa, tàu Đài Loan và Hồng Kông gọi là Tượng Ngà Hải Ngạn, tức Bờ Biển Ngà theo cách diễn giải chính xác của Việt ngữ. Mặt khác, Nhật ngữ gọi là Kotojibowaru và theo Hàn ngữ thì là Koteudibualeu, tức dùng cách đọc trại ra từ âm Côte D’Ivorire.

@On the Web

Do ảnh hưởng từ người Pháp, túc cầu du nhập vào Bờ Biển Ngà khá sớm nhưng không được hệ thống hóa cho đến khi họ giành được chủ quyền độc lập thì Liên Đoàn Túc Cầu Bờ Biển Ngà ra đời cùng năm 1960. Tuy nhiên, lúc đương thời nền tảng túc cầu của đội tuyển “bầy voi” (Les Élephants) vẫn còn trong tình trạng sơ khai, rời rạc nên phải đến 10 năm sau, họ mới bắt đầu dự tranh cuộc đua dự tuyển vòng loại khu vực. Và phải mất đến 24 năm nữa, Bờ Biển Ngà mới chính thức góp mặt cùng quần hùng thế giới tại World Cup 2006. 

Nhưng cũng từ đó, Bờ Biển Ngà đã trở thành một cái tên để lại nhiều ấn tượng trong lòng người mộ điệu qua lối chơi ảnh hưởng khá nhiều chiến thuật tổ chức, phân phối đội hình công thủ rõ nét, khác biệt với phong cách hoang dã thuần túy của trường phái Châu Phi. Điều này còn phản ảnh rất đúng với vị trí địa lý của Bờ Biển Ngà thuộc miền Tây Phi vốn có lối chơi thông thoáng và sắp xếp đội hình mạch lạc hơn các vùng lân cận của lục địa Đen.

Ngay từ biệt hiệu “bầy voi” cũng do cầu giới Pháp Quốc đặt tên với hàm ý vừa ví von sức mạnh của Bờ Biển Ngà vừa xưng tụng công lao truyền bá và hướng dẫn nâng cao trình độ túc cầu cho quốc gia cựu thuộc địa này nên các HLV của Bờ Biển Ngà đa số thường là người Pháp cũng không phải là điều ngẫu nhiên. 

@On the Web

Hiện nay, người cầm quân của đội Bờ Biển Ngà là HLV trẻ người Pháp Sabri Lamouchi, 42 tuổi, từng vẫy vùng trên các sân cỏ chuyên nghiệp của Ý và là cựu tuyển thủ đội bóng quốc gia. Dù chưa hề có kinh nghiệm chỉ đạo cho một đội bóng chuyên nghiệp nào, ông Lamouchi vẫn được cầu đoàn Bờ Biển Ngà thỉnh cầu cộng tác từ 2 năm về trước. Ông kế nhiệm cựu HLV Francois Zahoui, đã bị sa thải dù có công lao được Bờ Biển Ngà tới trận chung kết giải vô địch châu Phi năm 2012 nhưng họ để thua đối thủ “Ngựa Vằn” Zambia sau loạt đá ngũ cước luân lưu trên tử điểm 11m.

Sở dĩ ông Lamouchi được trọng dụng là do cá tính nghiêm khắc về mặt kỷ luật và dứt khoát trong mọi quyết định khi từng nhiều lần cho chú Khổng Tượng đầu đàn là tiền đạo lão tướng trứ danh Didier Drogba ra ngồi chầu rìa trên hàng ghế dự bị. Nhìn vào cách dụng quân của ông Lamouchi, giới ái mộ đều nhận thấy rõ ông luôn đặt yếu tố tinh thần kết hợp đồng đội trên nền tảng kỷ luật làm phương châm chiến đấu. Chính điều này đã đáp ứng đúng kỳ vọng của cầu đoàn Bờ Biển Ngà vì trong quá khứ hai lần tham chiến World Cup, họ đều bị loại thẳng từ cánh cửa vòng 1 dù tập hợp được nhiều nhân tuyển xuất sắc nổi bật trên chiến trường chuyên nghiệp Châu Âu nhưng lại không tạo được sức mạnh tập thể của một “bầy voi”.

Drogba @On the Web

Lần này, danh sách ra sách 28 cầu thủ ra quân của Bờ Biển Ngà ở Ba Tây cũng không gây sự bất ngờ nào khi toàn bộ các ngôi sao đang chơi ở Châu Âu đều được khởi dụng như: chân sút kỳ cựu Didier Drogba và anh em nhà họ Touré gồm hậu về Kolo Touré và tiền vệ Yaya Touré. Kế đến là cựu tiền đạo đội Chelsea, tức đồng đội cũ của Drogba là Salomon Kalou cùng Gervinho từng thuộc đội Arsenal và các danh thủ Didier Zokora, tiền vệ Cheick Tiote của Newcastle, Emmanuel Eboue của Galatasary v.v…

Nhìn chung, đa số dàn quân ứng chiến của Bờ Biển Ngà tuy có phần luống tuổi nhưng không hề sa sút thể lực và hơn nữa họ còn có nhiều kinh nghiệm từng trải nên tạo được thế tương tranh cân xứng với 3 đối thủ cùng bảng. Cộng thêm lối đá có tổ chức, kỷ luật, chắc chắn Bờ Biển Ngà sẽ tạo thành một sức mạnh đáng kể trong cuộc đua tranh “kinh thiên địa chấn, tứ mã phong ba” lần này tại bảng C.


NHẬT BẢN

“Phù Tang kiếm sĩ tung gươm
Thần Phong cảm tử chập chùng đường bay
Dâng cao cặp cánh tương lai
Túc cầu Nhật Bản ngày nay khó lường”

Nếu biết rằng tại quốc nội Nhật Bản, môn túc cầu chỉ được xếp vào hạng thứ yếu đứng sau Đấu Vật (Sumo), Dã Cầu (Basseball), Bơi Lội, Bóng Chuyền, Nhu Đạo, Kiếm Đạo thì khi xét về trình độ hiện nay của đội bóng mang biệt danh “Samurai Blue”, người ta sẽ cảm nhận được rằng con cháu Thái Dương Thần Nữ đã tiến những bước quá dài so với các quốc gia trong khu vực Á Châu. 

Tương tự như cuộc cách mạng Minh Trị Duy Tân khởi đi từ năm 1866 đưa địa vị nước Nhật vươn lên một cách thần kỳ, hiện nay đẳng cấp nhồi bóng của Nhật Bản cũng đang chắp cánh bay theo niềm ước mơ vang danh thế giới của tập truyện hoạt họa “Captain Tsubasa”, tạo sự ngạc nhiên và chú ý đặc biệt nơi cầu giới quốc tế.
@On the Web

Thật vậy, từ ý thức ngưỡng mộ trình độ đá bóng của Việt Nam Cộng Hòa ở thập niên 1960 cho đến tinh thần học hỏi sức mạnh của túc cầu Nam-Bắc Hàn, Nhật Bản đã từng ví họ chỉ là “một chiếc giày nhỏ” của đội tuyển Việt Nam Cộng Hòa và luôn chăm chỉ, cần cù hướng theo con đường tiến tới tương lai để đạt đến ước vọng qua từng giai đoạn: góp mặt cùng thế giới, đưa tuyển thủ đầu quân ở các CLB Tây Âu và  tạo thành tích trên mọi đấu trường quốc tế.

Hơn 30 năm sau khi cúi đầu trước Việt Nam Cộng Hòa, Nam-Bắc Hàn, đội tuyển Nhật Bản đã đặt chân vào vòng chung kết Thế Giới 1998 và cho đến nay đã được dự 5 lần liên tiếp, trong đó có hai lần tiến vào vòng 2 vào năm 2006 và 2010. Đồng thời, họ còn lên ngôi Cầu Vương Châu Á 4 lần. Nhưng đáng kể nhất là, với trình độ hiện nay Nhật Bản còn vượt qua cả đối thủ “cạnh tranh truyền kiếp” là Kim Chi Mãnh Hổ Đại Hàn về chiến lực lẫn chiến pháp, tinh thần cùng phong cách thi đấu trên sân. Đó là chưa kể đến về thứ hạng theo nhận định của FIFA, Nhật Bản cũng được xếp trên chân Đại Hàn.

Khởi đi từ đầu thập niên 1990, giải chuyên nghiệp quốc nội đầu tiên J-League được hình thành quy tụ một số đội bóng chập chững dự tranh đã trở thành chiếc nôi khai sinh những thế hệ tuyển thủ dám “mơ ước và thực hiện ước mơ” cũng như biểu hiện ý chí “cường hóa túc cầu” nơi các viên chức nắm giữ quyền vận hành môn “thể thao vua” trong hoàn cảnh một đất nước không có nhiều khán giả ủng hộ. 

Từ hình thức chiêu mời các thủ nước ngoài, chỉ vài năm sau Nhật Bản có tuyển thủ được khởi dụng ở Châu Âu và ngày nay chuyện cầu thủ Nhật Bản đầu quân cho các câu lạc bộ Tây Ban Nha, Đức Quốc, Anh,Ý, Pháp đã trở nên bình thường.

Ozora Tsubasa @On the Web

Trên bình diện xã hội, phong trào ái mộ môn túc cầu cũng như bước tiến nhanh chóng của nền túc cầu Nhật Bản vốn được xem là bắt nguồn từ niềm mơ ước vô địch thế giới của nhân vật Ozora Tsubasa trong quyển truyện Thủ Quân Tsubasa của họa sĩ Takahashi Yoichi. Quyển truyện tranh này luôn được coi là nguồn động lực thúc đẩy sự tiến bộ nhanh chóng trình độ túc cầu Nhật Bản khi mang lại cho giới thiếu niên những ước mơ ngẫng cao đầu trên thế giới mỗi khi điều khiển quả bóng mà người Nhật thường gọi đó là tinh thần Tsubasa. 

Chỉ cần đọc qua tên nhân vật chính trong chuyện Ozora Tsubasa (tức Đại Không Dực), nghĩa là đôi cánh trên bầu trời bao la, người đọc đã cảm nhận được niềm mơ ước của tác giả muốn vượt ra khỏi vùng trời Nhật Bản để bay khắp thế giới. Đây là quyển truyện xuất bản từ năm 1981 và tạo nên một hiện tượng kỳ lạ khi nhận được làn sóng hâm mộ không những riêng tại Nhật mà còn tỏa rộng khắp thế giới khiến rất nhiều chân sút nổi danh như Zidane của Pháp, Torres của Tây Ban Nha, Vieri, Del Piero của Ý v.v… đều nhìn nhận “Thủ Quân Tsubasa” đã tạo niềm cảm hứng và động lực cho họ thành danh. 

Với cốt truyện xoay quanh nhân vật Ozora Tsubasa mang hoài bão đưa túc cầu Nhật Bản chinh phục thế giới, cậu ta bắt đầu tiến bước từ đội bóng Trung Học vươn ra đấu trường quốc tế dành cho các lứa tuổi 16 rồi 20 và lần lượt cùng đồng đội đưa Nhật Bản giành cúp vô địch sau khi hạ Đức cùng Ba Tây. Nhưng đó vẫn chưa là giấc mơ trọn vẹn của Tsubasa vì cậu còn tiến xa hơn với giấc mơ cùng đội tuyển quốc gia nâng cúp vô địch thế giới. 

@On the Web

Lồng trong nhiều tập truyện kéo dài với những tình tiết cảm động, hào hùng, bi tránh, hình ảnh Tsubasa luôn nhẫn nhịn khi thất bại, không tự đắc khi thành công mà luôn nuôi chí lớn đại bàng chờ ngày cất cánh, đã chinh phục trọn vẹn cảm tình của độc giả lẫn khán giả truyền hình khi được chuyển thể thành phim hoạt họa. Từ đó, quyển truyện này cũng kích động lòng ái mộ môn túc cầu của người Nhật và theo xu hướng hội nhập cùng khu vực, Nhật Bản đã thành lập giải đấu chuyên nghiệp quốc nội J-League từ đầu thập niên 1990 để tiến những bước thật dài cho đến nay. 

Nếu đã từng có dịp xem qua trận đấu giao hữu giữa đội túc cầu Nhật Bản và Hòa Lan vào ngày 16/11/2013 vừa qua với tỷ số chung cuộc hòa 2-2 mà trước đó Hòa Lan chiếm ưu thế với 2 bàn dẫn điểm, có lẽ người hâm mộ cũng dễ dàng nhìn ra được trình độ nhồi bóng và chiến thuật áp dụng sức mạnh kết hợp toàn đội, đặc biệt là tinh thần chiến đấu cao độ của phía đội bóng châu Á đã tạo thế uy hiếp đối phương hầu như gần suốt hiệp 2, tức một cục diện bất ngờ khi Nhật Bản bị đánh giá là đội bóng dưới chân trước danh thủ Hòa Lan, từng 3 lần tiến vào trận chung kết giải vô địch thế giới và còn là quốc gia sáng chế ra chiến pháp “Tổng Lực” với 11 cầu thủ đồng loạt công thủ trên sân. 

Chưa hết, sau đó 3 ngày, trong lịch trình cuộc viễn chinh đá giao hữu tại Châu Âu, những chân sút Samurai còn quật ngã đội Bỉ 3-2 ngay trên đất địch tại sân Quốc Vương Boudewijn, Brussels, tức nơi mà Bỉ Quốc chưa hề nếm mùi thất bại trong suốt quá trình tham chiến dự tuyển vòng loại World Cup 2014. 

@On the Web

Nhìn về quá khứ, cách đây 4 năm Nhật Bản từng thảm bại 0-3 trước Hòa Lan cũng qua hình thức một trận giao hữu nên ít ai cho rằng họ sẽ có thể đứng vững và dư luận càng không hề nghĩ đến tình huống đội bóng xứ Phù Tang sẽ gây khó dễ cho đối phương. Thế nhưng, qua kết quả lẫn nội dung hai trận chiến trên Nhật Bản được làng cầu Hòa Lan và Bỉ Quốc hết lời ca ngợi, tán thưởng.

Dưới trướng của HLV người Ý Alberto Zaccheroni hiện nay, những cánh chim Thần Phong Nhật Bản thường ứng dụng đội 4-3-3 với 3 tiền đạo nòng cốt là “Lãnh Diện Cước” Honda Keisuke, “Tiểu Hoạt Tinh” Kagawa Shinji và “Thần Phong Cước” Okazaki Shinji nắm giữ chìa khóa vận chuyển thế công kèm theo khả năng đột phá cấm địa, ghi bàn dứt điểm rất phong phú. Sánh cùng cùng cặp bài trùng này còn có thủ quân tiền vệ Hasebe Makoto phối hợp cùng lão tướng Endo Yasuhito điều khiển hàng rào ráp nối cho thế phòng ngự phản công rất nhịp nhàng linh hoạt. Đáng kể hơn là nơi hàng hàng thủ, chân sút Nagamoto Yuto đang chơi cho đội Inter Milan có sở trường dâng cánh chớp nhoáng để gia tăng thế công từ lưỡng biên khiến cho uy lực công phá của Nhật Bản càng gia tăng ở nhiều mức độ khó lường.

Honda Keisuke @ On the Web

Nhìn thoáng bề ngoài, giới bình luận thường đi đến nhận định phong cách chiến đấu của Nhật Bản ngày nay mang cả hai dáng dấp với thế công như sóng nhồi của Đức và thế thủ kín đáo của Ý, nhưng thực ra đây chỉ là cách ứng dụng từng khả năng cầu thủ của ông Zaccheroni dựa theo phong cách đặc thù đặt trọng tâm nơi sức mạnh kết hợp đồng đội của người Nhật. 

Bởi lẽ, hàng thủ Nhật Bản vẫn còn để lộ những chỗ trống nhất định khi họ dâng quân tràn qua biên giới, cũng như nơi hàng công họ thiếu hẳn một chân làm bàn chính hội đủ yếu tố uy hiếp toàn diện cầu môn đối phương. 

Và để bù lắp khuyết điểm này, Honda Keisuke cùng Kagawa Shinji thường lui về vị trí “tiền vệ ảo” để bố trí trận pháp “đoản bóng kỳ binh, tập kích khung thành” cũng như thực hiện những cú sút trường cước từ cự khoáng cách xa  cấm địa. Tuy vậy, cũng không thể phủ định được khả năng tung lưới tuyệt nghệ của hai chân sút trẻ nơi hàng trên là Kakitani Yoichiro và Kiyotake Hiroshi với kỹ thuật chạy chỗ đón bóng để dứt điểm rất khôn ngoan.

Tóm lại, ngoài một Hy Lạp có phần lạ lẫm, nếu so về mức độ tương tính thì Nhật Bản không hề yếu kém trước các đội bóng Châu Phi khi họ từng có nhiều kinh nghiệm, hạ gục Cameroon, Nigeria và thừa sức ứng chiến các đối thủ Nam Mỹ. Cũng vì vậy mà thế trận của bảng C càng trở nên tương xứng hơn bao giờ.

©Khôi Nguyên & Hồn Việt Radio

Kỳ tới: WORLD CUP 2014 – Kỳ 4
Bảng D: Uruguay, Costa Rica, Anh Quốc, Ý Đại Lợi
Tứ Hùng Hội Ngộ Tử Thần Bảng
Kinh Thiên Địa Chấn Thế Tương Tranh

1 comment: