Thụy Sĩ, Ecuador, Pháp Quốc, Honduras
(Sóng Ngầm Ẩn Hiện Đợt Hung Hiểm
Cuồng Phong Bùng Nổ Thế Khó Lường)
Thế nhưng, đấu trường World Cup luôn là nơi nhấn chìm tất cả những dự đoán dựa vào mức độ nổi tiếng của mỗi đội bóng, hơn nữa dường như dư luận cũng quên rằng Thụy Sĩ đã từng gây ngạc nhiên với trận thắng Tây Ban Nha 1-0 tại giải đấu 2010 cách đây 4 năm và họ mới chính là đội bóng hạt giống của bảng E khi vượt qua dự tuyển vòng loại với tư cách hạng Nhất nhóm, trong khi dù có phần thua sút về chiến lực nhưng cả Ecuador và Honduras đều có lợi thế quen thuộc với khí hậu nóng bức trên sân cỏ Nam Mỹ. Do đó, trông bề ngoài bức tranh toàn cảnh của bảng E tuy có phần nhẹ nhàng yên tĩnh với hai đội bóng Châu Âu được coi là chiếm phần ưu thế nhưng bên cạnh đó luôn âm ĩ những trận cuồng phong bảo tố sẵn sàng bộc phát từ các đợt sóng ngầm hung hiểm khó lường.
THỤY SĨ:
Sau khi trải qua nhiều trận đấu quốc tế với các đội Đức, Áo từ cuối thập niên 1890 ở đẳng cấp câu lạc bộ, đến tháng 2/1905 đội tuyển quốc gia Thụy Sĩ cũng có trận ra quân đầu tiên gặp đối thủ Pháp Quốc với kết quả bị bại 0-1 và kế đến là thắng đội Đức 5-3 vào năm 1908. Tuy nhiên, Thụy Sĩ cũng gặp trường hợp như Ý bị Hungary vùi dập đến 9-0 trong trận đấu năm 1911 và đây cũng là tỷ số bại trận đậm nhất trong lịch sử túc cầu của xứ này.
@On the Web
Xuất phát từ đặc tính là một quốc gia theo chính thể trung lập, Thụy Sĩ còn là nơi tập trung nhiều sắc dân gốc Châu Âu, đặc biệt là người Đức nên tùy theo từng vùng trường phái túc cầu cũng có nhiều sắc thái khác nhau. Từ sau thập niên 1960, tại Thụy Sĩ đã cùng tồn tại 3 dòng trào lưu túc cầu tiêu biểu của Đức, Ý và Pháp. Vì vậy, tuy có nhiều bước thành công trước đây khi tiến sâu vào vòng tứ kết các giải World Cup 1934, 1938, 1954 nhưng do các HLV vốn thuộc sắc tộc khác nhau và không thể hết hợp thành một chiến pháp thuần nhất nên từ đó đến nay nền túc cầu Thụy Sĩ cũng bị phân thành nhiều nhánh đưa đến tình trạng bị tụt hậu so với những bước tiến dài của các cường quốc láng giềng.
Tính từ thập niên 2000 đến nay, tuy Thụy Sĩ đã có nhiều phương án cải cách như khởi dụng đội ngũ trẻ, tuyển chọn HLV có đầu óc thực dụng v.v…nhưng nhìn chung họ vẫn đi theo chiến thuật “dĩ thủ vi công”, tức đặt trọng tâm nơi hàng phòng ngự theo quan điểm mang tính cách truyền thống: thủ hòa với một đối thủ mạnh được coi là chiến thắng! Đồng thời, do thiếu hẳn những chân sút lừng danh quốc tế có khả năng xoay chuyển cục diện trong chớp mắt nên Thụy Sĩ thường tập trung vào lối đá kết hợp toàn đội. Chính vì vậy, tuy họ là một đội bóng tầm trung không mấy nổi tiếng nhưng cũng là một đội hình kiên cố rất ít khi bị đối phương đá thủng lưới.
HLV Ottmar Hitzfeld @On the Web
Lần này, Thụy Sĩ góp mặt tại Ba Tây dưới quyền điều động của nhà cầm quân người Đức Ottmar Hitzfeld có biệt danh “Tướng Quân” (The General) nhờ vào thành tích là một trong 4 nhà dìu dắt tạo kỷ lục giành chức vô địch Câu Lạc Bộ Châu Âu Champions League với 2 đội bóng khác nhau là Dortmund vào năm 1997 và Bayern Munich năm 2001. “Tướng Quân” Hitzfeld cũng từng dẫn dắt Thụy Sĩ tham dự World Cup 2010 nhưng bị loại ngay vòng đầu dù đã có trận mở màn gây chấn động bằng chiến thắng 1-0 trước danh thủ Tây Ban Nha. Tuy vậy, Thụy Sĩ hiện tại là một khuôn mặt hoàn toàn mới me3 khi tạo chiến tích bất bại ở dự tuyển vòng loại và được xếp thứ 8 trên bảng xếp hạng của FIFA do từng trải qua 16 trận chưa hề ngã gục vào năm ngoái.
Với tư cách là một đội hạt giống ở bảng E, có thể nhìn được vũ khí lợi hại nhất của Thụy Sĩ là đấu pháp phòng thủ kín đáo, chắc chắn qua sơ đồ 4-4-2 với cặp tiền vệ trẻ trung Valon Behrami và Gokahn Inler nhằm dễ dàng ứng chiến cho các thế trận phản công. Nơi hàng trên, niềm hy vọng ghi bàn đặt trọn vào cặp chân nhanh như sóc của tiền đạo Haris Seferovic, ngôi sao từng giúp đội tuyển trẻ U-17 của Thụy Sĩ đoạt cúp vô địch vào năm 2010.
@On the Web
Trên lý thuyết, bảng E không quá gai góc đối với Thụy Sĩ khi họ gặp Pháp vốn có phong độ thất thường trong những năm gần đây, còn Ecuador thường để lộ sơ hở nơi hàng thủ, và Honduras chỉ được coi là viên gạch lót đường. Hơn nữa, đây cũng là cuộc thử thách cuối cùng của HLV Hitzfeld do ông tuyên bố sẽ chia tay đội tuyển Thụy Sĩ sau mùa World Cup 2014 nên có lẽ ông sẽ để lại những dấu ấn đẹp. Tuy nhiên, thế tương tranh kèn cựa ở bảng E thực sự là một ẩn số ngầm với những cuộc so cước nghiêng về thế đọ sức hơn là so tài do chiến lực không cân bằng giữa 4 đội. Ngoài ra, các đối thủ như Ecuador và Honduras vốn chẳng có tham vọng to lớn cũng như không có gì để mất nên nếu nhìn ngược lại sẽ thấy được họ mới là những đội bóng ra sân với tâm lý thoải mái hơn kèm theo ưu thế quen thuộc khí hậu nóng ẩm của vùng Nam Mỹ.
Cuồng phong, sóng ngầm cũng từ đó mà bùng nổ.
ECUADOR:
@On the Web
Bốn năm sau, Ecuador lại tiếp tục gây ngạc nhiên khi đoạt vé đến Đức và đặc biệt trong quá trình dự tranh vòng loại họ còn đá bại cả cao thủ Ba Tây. Lúc đó, từ thứ hạng 71 Ecuador đã được FIFA nâng lên hạng 30, đủ cho thấy mức độ tiến bộ nhanh chóng của đội bóng mang biệt danh “Tam Sắc” (La Tricolor). Hơn nữa, tại chiến trường Đức Quốc, Ecuador cũng tạo cơn chấn động tiến vào vòng 2 nhưng cuối cùng bị “Tam Sư Anh Quốc” đẩy lui. Kế đến, Ecuador lỗi hẹn với World Cup 2010 và lần này họ đến Ba Tây với tư cách là đội bóng hạng Tư sau khi buộc cường địch Uruguay rơi xuống hạng Năm phải tranh vé vớt ở vòng play-off.
@On the Web
Lượt qua thành tích 3 lần vượt qua giai đoạn dự tuyển vòng loại sẽ dễ dàng nhận thấy được họ luôn dựa vào lợi thế địa hình sân nhà ở Quito vốn có độ cao so với mực nước biển là 2800m khiến không khí bị loãng đi nên dễ gây cho cầu thủ đối phương suy yếu thể lực. Tuy vậy, cũng khó lòng phủ nhận Ecuador có nhiều chân sút tài năng ở hàng tấn công trước đây như Angel Fernandez, Augustin Delgado, Christian Bertinez và hiện nay hai tiền vệ trẻ Antonio Valencia cùng Carlos Gruezo chính là cặp pháo thủ lợi hại trong đội hình đến Ba Tây của HLV Reinaldo Rueda lần này. Xét về mặt khuyết điểm, Ecuador thường để lộ nhiều khoảng trống chiến thuật nguy hiểm nơi hành lang lưỡng biên do đội hình 4-3-2-1 của họ có khuynh hướng dâng cao qua lối đá chủ động tấn công.
HLV Reinaldo Rueda @On the Web
Riêng về HLV Rueda là người Colombia tuy xuất thân là một cầu thủ thuộc hạng tài tử nhưng lại có tầm nhìn sâu rộng trong kế hoạch xây dựng nền móng tương lai nơi các nhân tuyển trẻ. Ông được biết đến là một nhân vật chủ yếu của chương trình đào tạo tài năng mới ở lứa tuổi thanh thiếu niên cho nền túc cầu Colombia và cũng là người giúp đội tuyển Honduras đoạt vé tham dự World Cup 2010 vừa qua. Với công lao này, ông Rueda đã được chính phủ cả hai nước Honduras và Ecuador trao tặng danh hiệu công dân danh dự.
Trở lại cục diện bảng E đối với Ecuador, họ sẽ có trận chạm trán Thụy Sĩ vào ngày 15/6 tức một thử thách không quá khó khăn vì đối phương chuyên về chiến thuật phòng thủ. Điều này có nghĩa là nếu áp dụng lối đá toan tính Ecuador vẫn có thể cầm chân Thụy Sĩ trong thế chia điểm. Nhưng cũng trong trận đấu cùng ngày 15/6 Pháp sẽ gặp đối thủ yếu kém hơn là Honduras với nhiều khả năng lấn lướt nên buộc Thụy Sĩ lẫn Ecuador phải tận sức. Thế trận của bảng E nghiêng về hình thức đọ sức hơn là so tài cũng chỉ vì lẽ này.
PHÁP QUỐC:
@On the Web
Sở dĩ đội Pháp đạt đến phong độ dâng tràn ngẫu hứng là nhờ vào một cầu thủ trụ cột để truyền đạt cho đồng đội niềm cảm hứng tột độ mà không ai khác hơn là hai chàng cựu danh thủ tiền vệ tài hoa lỗi lạc Michel Platini và Zinedine Zidane. Đầu tiên, hàng tiếp ứng của Pháp vào thập niên 1980 với Platini đeo băng thủ quân, kết hợp cùng các tiền vệ Jean Tigana, Alain Giresse, Luis Fernández tạo thành trục “Tứ Giác Ma Thuật”, làm điên đảo hàng phòng thủ đối phương. Kế đến, cầu thủ hậu bối là Zidane thống lĩnh toàn đội với tài nghệ lừa, chuyền và sút bóng ghi bàn ở đẳng cấp “Vô Ảnh Cước” nên đã đưa đội nhà trở thành một trong số Thất Hùng từng chạm tay vào cúp vàng khi đoạt ngôi vô địch World Cup 1998.
@On the Web
Do đó, sau khi Platini và Zindane giải nghệ đội Pháp đã rơi vào những khoảng trống vô định tức tình trạng thất thường do ảnh hưởng qua lớn từ vai trò của một cầu thủ mang trọng trách “truyền cảm hứng” cho toàn đội. Đặc biệt, ở hai kỳ World Cup 2010 và 2014 lần này, chẳng những đội Pháp đều phải đến “điểm hẹn” bằng cửa hậu sau khi tranh vé vớt mà còn gây nhiều tai tiếng qua sự kiện tiền đạo Thierry Henry sử dụng tay để vớt bóng từ ngoài biên vào sân đưa đến bàn thắng trước đối thủ Ái Nhĩ Lan và kế đến là cú ghi bàn của Benzema ở trong tình trạng việt vị nhưng được trọng tài làm ngơ giúp cho họ tạo cú lội ngược dòng thắng đậm 3-0 trước Ukraine nơi trận lượt về dù ở trận lượt đi Pháp để thua 0-2. Có nghĩa là nếu 4 năm trước Pháp nhờ mánh khoé “bàn tay bẩn” của Thierry Henry thì lần này họ ứng vào trường hợp “hay không bằng may”. Hơn nữa, tại World Cup 2010, Pháp còn hứng chịu thất bại chua cay với 1 hòa 2 bại phải cuốn gói về nước sớm từ vòng đầu vì gặp cảnh nội bộ bất hòa khi dàn cầu thủ bất tuân mệnh lệnh của HLV Domenech.
HLV Didier Dechamps @On the Web
Hiện nay, dưới quyền điều binh của HLV Didier Dechamps đội Pháp dù đã trải qua cuộc hành trình chông gai ở dự tuyển vòng loại nhưng vẫn được cho là có nhiều thuận lợi khi rơi vào bảng đấu gồm các đối thủ yếu thế hơn. Với dàn quân tràn đầy kinh nghiệm chiến trường trải đều ở ba tuyến gồm thủ môn Lloris; hậu vệ Koscielny, Sagna, Mangala, Evra, các tiền vệ Pogba, Sissoko và các chân làn bàn Benzema, Girou, những “chú gà trống Gaulois” được đa số dư luận đánh giá cao. Sau hai trận giao hữu gần đây thắng Na Uy 4- 0, hòa Paraguay 1-1 cũng cho thấy đội bóng Thần Kê “Les Bleus” bộc lộ những bước khởi sắc như sự phối hợp khá ăn ý giữa hàng phòng ngự, tuyến tiếp ứng và hàng tiền đạo.
@On the Web
Thế nhưng, ngay trước thềm World Cup 2014 vừa đúng một tuần lễ, đội Pháp chợt đón nhận hung tin liên tiếp khi cặp tiền vệ trứ danh là “Hung Diện Cước” Ribery cùng “Phong Lôi Cước” Clément Grenier bất ngờ bị tái phát chấn thương cũ buộc phải rút tên khỏi danh sách đội hình, đồng nghĩa với hiệu quả tấn công của Thần Kê coi như bị sút giảm gần như một nửa. Vì lẽ này, cách nhìn của dư luận cũng có phần thay đổi khi lượng giá bước tiến quân của Pháp tại Ba Tây với nhiều nỗi lo ngại vì cho dù họ có lướt qua được vòng 1 cũng khó lòng đi xa hơn.
HONDURAS:
@On the Web
Với nền tảng túc cầu thiên về lối chơi ứng dụng thể lực cho thế phòng ngự phản công như bao đội bóng thiếu vắng nhân tài ghi bàn xuất sắc, Honduras thường có khuynh hướng đi theo lối chơi khai thác các đường bóng bổng nhằm giải vây hoặc phản kích khá lợi hại với một cầu thủ duy nhất cắm cọc ở hàng trên. Trong quá khứ, họ cũng từng tham dự World Cup vào năm 1982 và 2010 nhưng vẫn chưa giành được một trận thắng nào với thành tích 3 hòa 3 thua. Ngoài ra, Honduras cũng gây bất ngờ khi có trận hòa không bàn thắng với Thụy Sĩ ở World Cup 2010 nên cuộc tái đấu lần này vào ngày 25/6 chắc chắn HLV Luis Fernando Suarez đã có kế hoạch ứng chiến.
HLV Luis Fernando Suarez @On the Web
HLV người Colombia là ông Luis Fernando Suarez dìu dắt đội tuyển Honduras từ năm 2011. Ngoài thành tích giúp đội nhà đoạt vé tham dự World Cup, ông Suarez này còn đưa Honduras tiến vào đến bán kết hai kỳ giải vô địch khu vực Bắc Trung Mỹ Gold Cup gần đây và cùng đội tuyển trẻ U-23 vào đến tứ kết Thế Vận Hội London 2012. Trước đó, HLV 54 tuổi này cũng từng có kinh nghiệm tại chiến trường thế giới khi dẫn dắt Ecuador khá thành công ở World Cup 2006.
Do đặt trọng tâm vào thế phòng thủ nên Honduras luôn có một dàn quân hậu vệ rất kiên cố kết hợp chặt chẽ cùng tuyến tiền vệ. Nhờ vậy, họ tạo được những lá chắn bảo vệ khung thành đội nhà với tỷ số bị phá lưới ít nhất so với các đối thủ cùng khu vực trong các trận dự tuyển vòng loại vừa qua. Kế đến, những ngón đòn phản công nhạy bén chính là vũ khí lợi hại nhất chính giúp họ đến Ba Tây lần này.
Trong danh sách 23 cầu thủ được ông Luis Fernando Suarez tuyển chọn, chỉ có một số khuôn mặt khá quen thuộc với cầu giới Tây Phương như Maynor Figueroa của câu lạc bộ Hull City và Wilson Palacios đang đầu quân cho đội bóng chuyên nghiệp Stoke City. Trong số này, niềm hy vọng lớn nhất của Honduras hiện nay là chân sút 27 tuổi đảm nhiệm vị trí nơi hàng tiền đạo đang khoác áo câu lạc bộ New England Revolution, Jerry Bengtson, tức mũi nhọn đã ghi đến 9 bàn thắng ở giai đoạn dự tuyển vòng loại.
Jerry Bengtson @On the Web
Như đã đề cập, với thực lực bị đánh giá yếu kém so với 3 đối thủ cùng bảng E Honduras đến Ba Tây lần này không ngoài mục đích trui rèn thêm kinh nghiệm và hoàn toàn không có một sứ mệnh nào đè nặng trên vai nên có thể khẳng định họ là đội bóng ra sân tại World Cup 2014 với tâm lý thoải mái nhất. Ngược lại, nếu tạo được một trận thắng đầu tiên nơi vũ đài thế giới cũng đủ khiến họ tự hào viết nên một trang sử mới. Dù ngày khởi tranh đã cận kề, nhưng vẫn còn quá sớm để dự đoán đường đi nước của Honduras và thay vào đó nên nhìn về trận chiến đầu tiên với Thần Kê Pháp Quốc.
@On the Web
Dựa vào chiến lực hiện nay, tuy Honduras chưa đủ trình độ để đá thắng Pháp nhưng không hẳn là không có khả chân níu chân đối thủ nhất là Pháp đang thiếu vắng hai cầu nối quan trọng là Ribery và Grenier trong thế vận chuyển đội hình. Và nếu họ thủ hòa cùng Pháp thì chắn chắn đây sẽ là kết quả tạo thành cơn sóng thần đưa đến nhiều diễn tiến khó lường.
Honduras chính là đợt sóng hung hiểm theo nghĩa này.
©Khôi Nguyên @Hồn Việt Radio
(Kỳ tới:Bảng F: Á Căn Đình, Bosnia & Herzegovina, Iran, Nigéria
Tam Cựu Nhất Tân Đồng Nghênh Trận
Ác Chiến Khổ Đấu Cuộc So Chân)
No comments:
Post a Comment