Saturday, June 14, 2014

WORLD CUP 2014: Bảng F


Á Căn Đình, Bosnia & Herzegovina, Iran, Nigéria
Tam Cựu Nhất Tân Đồng Nghênh Trận
Ác Chiến Khổ Đấu Cuộc So Chân

Như thường lệ, sự góp mặt của đại cao thủ Nam Mỹ Á Căn Đình luôn kèm theo tư cách một ứng viên vô địch bên cạnh Ba Tây nên theo cách nhìn của đa số giới bình luận, việc vượt qua vòng 1 có lẽ không phải là nhiệm vụ quá khó khăn đối với nhà cựu vô địch từng giật giải 3 lần.
Cùng lúc, thực tế cho thấy dàn quân hùng hậu thiện chiến của Á Căn Đình với kỹ thuật làm bàn thần sầu của “Truy Hồn Cước” Lionel Messi, có lẽ một vị trí nơi vòng 2 đã dành sẵn cho họ. Vì vậy, theo nhận định của giới cá cược và các nhà bình luận, chiếc vé còn lại sẽ được quyết định sau cuộc so chân giữa 3 đội còn lại mà qua đó Iran bị coi là đội bóng có ít cơ hội nhất. Hơn nữa, sự hiện diện của tân binh Bosnia & Herzegovina thuộc dòng cước phái Đông Âu còn là tâm điểm gây chú ý khi họ chạm trán cùng Á Căn Đình ngay trận đầu tiên với lợi thế tuy có phần nghiêng về đội bóng Nam Mỹ từ yếu tố khí hậu cho đến chiến lực tương tranh, nhưng không phải là không có khả năng xảy ra những cục diện bất ngờ.

Á CĂN ĐÌNH

Chỉ cần căn cứ vào thành tích thường tiến sâu vào các giải đấu World Cup trước đây cùng 4 lần có mặt ở trận chung kết với 2 lần đoạt ngôi vô địch bên cạnh con số 14 lần lên ngôi bá tể khu vực Nam Mỹ kèm theo 12 lần đứng Nhì giải Amecira Copa, cũng đã quá đủ để nhìn nhận Á Căn Đình là một ứng viên hạng Nhất không thua gì Ba Tây tại World Cup 2014.

Với trận chiến thử lửa đầu tiên vào năm 1901 với đối thủ Uruguay, đội bóng có biệt hiệu “Albicelestes” tức “Bạch Thiên Thanh” là Á Căn Đình đã tạo chiến thắng 3-2 và chính thức gia nhập Liên Đoàn Túc Cầu Nam Mỹ CONMEBOL để khởi đầu cho những bước tiến dài sau đó tính từ cuối thập niên 1970. Trong giai đoạn này, Á Căn Đình và Uruguay dần trở thành hai thế lực lớn tại khu vực Nam Mỹ khi họ đứng ra tổ chức giải đấu Copa de Caridad Lipton vào năm 1906 với chiến thắng nghiêng về đội bóng “Bạch Thiên Thanh” và đây cũng là danh hiệu quốc tế đầu tiên của họ.


@On the Web

Sau khi dành được chiếc cúp vô địch Copa America từ năm 1921, tuy Á Căn Đình gần như liên tục lên ngôi thống trị vùng Nam Mỹ trong suốt 4 thập niên nhưng từ  giải đấu 1959 họ phải mất hơn 30 năm mới có thể tái lập thành tích vào năm 1991, 1993 rồi im hơi lặng tiếng cho đến nay.

Trong khi đó, tại giải thế giới 1978 nhờ vào phong độ xuất sắc của tiền đạo Mario Kempes cùng lợi thế sân nhà, Á Căn Đình đã chính thức ghi tên của mình vào danh sách các nhà vô địch World Cup rồi kế đến là thế hệ tiếp nối của chàng tiền vệ nhỏ thó nhưng có biệt tài lướt tốc và những cú lừa bóng thần kỳ vuợt qua 5, 6 đối thủ liên tục trên sân như trò ma thuật là Diego Maradona cũng giúp đội nhà giành cúp vô địch thế giới lần thứ 2 vào năm 1986.

Từ đó, giới ái mộ quốc nội luôn đặt kỳ vọng về sức mạnh trổi dậy của đội nhà có thể sánh ngang tầm với đối thủ truyền kiếp Ba Tây về kỷ lục đoạt cúp vàng thế giới. Nhưng sau khi Maradona giải nghệ, các thế hệ tuyển thủ sau này của Á Căn Đình vẫn chưa thể đáp ứng nguyện vọng này, ngược lại chính vì giấc mơ ảo tưởng của giới hâm mộ quá đặt nặng trên đôi chân của các tuyển thủ càng khiến họ bị áp lực. Ngay cả việc cầu đoàn Á Căn Đình chọn Maradona làm HLV từ năm 2008 đến 2010 cũng là một quyết định dựa vào bóng dáng huyền thoại tnơi sự nghiệp đá bóng lẩy lừng của ông để nâng cao tinh thần chiến đấu cầu thủ hơn là căn cứ nơi tài cầm quân của cựu tiền vệ “nhiều tài lắm tật” này.
Thêm nữa, một khuôn mặt được ví như Maradona đệ Nhị là tiền đạo trụ cột của câu lạc bộ Barcelona Lionel Messi cũng không thể giúp cho đội nhà thực hiện sứ mạng vô địch dù đã có cơ hội ra sân ở hai mùa World Cup vừa qua.


@On the Web

Cựu huấn luyện viên Barcelona là ông Pep Guardiola từng nhận xét rằng: “Messi là cầu thủ duy nhất có tốc độ chạy với trái bóng còn nhanh hơn tốc độ chạy bình thường” nên không cần luận bàn về tài năng của Messi nhưng phong độ trong màu áo đội tuyển quốc gia của anh luôn mất đi sự tương xứng so với khi ra sân chơi cho câu lạc bộ Barcelona. Đơn giản vì Barcelona là một tập thể thuần nhất, ăn ý với Messi hơn dàn quân đội tuyển Á Căn Đình. Trước thời HLV đương nhiệm Alejandro Sabella, Messi trải qua 16 trận đấu cho đội tuyển quốc gia mà không ghi nổi một bàn thắng nào. Nhưng nhờ sự thay đổi HLV đã khiến Messi lấy lại nguồn cảm hứng cho đội tuyển. Từ tháng 10 năm 2011 cho đến nay, anh đã ghi được đến 22 bàn thắng sau 23 lần khoác áo đội tuyển quốc gia nên một lần nữa, kỳ vọng lại đặt trên đôi chân của Messi.

Xét về đặc tính chiến thuật, Á Căn Đình thường sử dụng đội hình 4-3-3 hoặc 5-3-2 trong các trận đấu ở giai đoạn vòng loại World Cup 2014. Qua đó, ngôi sao Lionel Messi định vị ngay sau hai tiền đạo cắm là Sergio Aguero và Gonzalo Higuain. Nhưng cùng lúc, Angel Di Maria cũng thi đấu trong hàng tiền vệ 3 người khiến cho hàng phòng ngự của Á Căn Đình bị lộ nhiều chỗ trống nhưng HLV Sabella rất tự tin nơi hiệu quả tấn công của đội nhà nên ông không mấy quan tâm về chi tiết này. Tưởng cũng nên nhắc lại Lionel Messi, Sergio Aguero, Gonzalo Higuain và Angel Di Maria, thường được mệnh danh là “Tứ Đại Thiên Vương” của Á Căn Đình nên có lẽ ông Sabella bất chấp khuyết điểm của đội hình vốn bị mất cân bằng khá nghiêm trọng giữa hàng công và hàng thủ khi đa số các tuyển thủ chủ lực nơi hàng phòng ngự đều bị đánh giá là chưa đủ kinh nghiệm chiến trường. Điển hình như thủ thành Sergio Romero và các hậu vệ như Marcos Rojo hay Federico Fernandez thường vấp phải sai lầm khi phán đoán các đường bóng công phá từ đối phương.


@On the Web

Do đó, khi dự đoán về thế tiến quân của Á Căn Đình ở các vòng trong của giải đấu lần này, không thể không cân nhắc về vấn đề khuyết điểm nơi hàng thủ của họ. Đồng thời, nếu nhìn qua thành tích đụng độ trước đây với 3 đối thủ cùng bảng F, rõ ràng là Á Căn Đình lấn lướt hơn khi họ từng thắng Bosnia & Herzegovina 2 lần, đá bại Nigeria 6 lần và hòa Iran 1 lần nên có lẽ chiếc vé tiến vào vòng 2 khó lóng thoát khỏi tay Á Căn Đình dù cho Bosnia Herzegovina có cầm chân được họ nơi trận chiến đầu tiên vào ngày 15/6.  Thế nhưng, cho dù các dự đoán này có đúng hay sai chăng nữa thì chắc chắn Á Căn Đình cũng phải hao hơi tổn sức trước 3 đối thủ tại bảng F và đây mới chính là nỗi lo gan ruột thực sự của họ.

Quả đúng là “ác chiến khổ đấu”.

BOSNIA & HERZEGOVINA

Sau khi kết quả phân bảng vòng chung kết World Cup 2014 được công bố, đội bóng Bosnia & Herzegovina, gọi tắt là Bosnia, đã nhanh chóng trở thành điểm chú mục đặc biệt của dư luận ái mộ. Bởi lẽ, với tư cách là khuôn mặt tân binh duy nhất trong 32 đội tham chiến lần này cộng thêm lối chơi tấn công rực lửa mang tính cách tương phản với trường phái cước thuật Đông Âu truyền thống, cái tên Bosnia quả thật đang phủ đầy màu sắc bí hiểm.

Sau khi tách rời khỏi cựu Liên Bang Nam Tư và tuyên bố độc lập vào năm 1992, Bosnia lại tiếp tục trải qua một cuộc nội chiến đẩm máu trên một đất nước có diện tích nhỏ bé 51.129km2 với dân số lúc đương thời chỉ khoảng hơn 4 triệu người. Trong số này, sắc dân Bosnia chiếm 44%, còn lại là 33% người Serbia và 17% người Croatia. Từ đó, đã nảy sinh cuộc nội chiến do hai sắc dân Bosnia và Croatia ủng hộ việc duy trì nền độc lập còn người Serbia thì chủ trương phản đối nên dẫn đến những cuộc phân tranh khích liệt kéo dài hơn 3 năm với khoảng 200 ngàn người tử vong và phát sinh làn sóng tỵ nạn của hơn 2 triệu người cùng biết bao thảm cảnh đau thương mà đặc biệt là tình trạng người phụ nữ Bosnia bị quân Serbia tàn sát, hãm hiếp dã man. Đây cũng là vụ thảm sát khốc liệt nhất tại Châu Âu kể từ sau đệ Nhị Thế Chiến. Sau khi ổn định đất nước vào năm 1995, tức muộn màng nhất muộn màng nhất so với các nước từng nằm trong cựu Liên Bang Nam Tư trước đây, Hiệp Hội Túc Cầu Bosnia đã trở thành thành viên của Liên Đoàn Túc Cầu Châu Âu UAFA và đội tuyển quốc gia của họ cũng bắt đầu chính thức dự tranh dự tuyển vòng loại từ mùa World Cup 1998 cũng như mùa Euro 2000.


@On the Web

Lúc đầu tiên, thành phần đội tuyển Bosnia chỉ tuyển chọn người dân của họ nhưng từ năm 1998 trở đi các tuyển thủ thuộc 3 sắc dân đều được khởi dụng. Tuy nhiên, vốn vừa trải qua vết thương của cuộc nội chiến với nhiều cảm tình phức tạp nên giữa các tuyển thủ của 3 sắc dân cũng có nhiều xung đột buộc FIFA và UEFA phải lên tiếng cảnh cáo tước bỏ tư cách thành viên của Bosnia. Cuối cùng, Bosnia đánh chấp nhận hứng chịu biện pháp chế tài này trong hai tháng từ ngày 1/4/2011 đến 30/5/2011 do không thể giải quyết được những mâu thuẫn nội bộ.

Sau khi vượt qua trở ngại, Bosnia lập tức chấn chỉnh nhân sự và kêu gọi sự đoàn kết của đội tuyển dưới lá cờ Hoàng Thanh Bát Tinh, tức nền vàng xanh và 8 ngôi sao. Từ đó, họ tái xuất hiện trên sân cỏ trời Âu và sớm thực hiện được mơ ước so chân cùng quần hùng tại vũ đài thế giới sau khi chiếm hạng Nhất trên Hy Lạp thuộc nhóm G ở dự tuyển vòng loại khu vực với thành tích 8 thắng 1 hòa 1 bại, đoạt vé trực tiếp đến Ba Tây.

Mặc dù đây là lần tham dự World Cup đầu tiên trong lịch sử, nhưng Bosnia vẫn được đánh giá là một đội bóng lợi hại do ở giai đoạn dự tuyển vòng lọai, họ đã bộc lộ lối chơi tấn công đẹp mắt tạo nhiều hiệu quả qua chiến thuật 4-4-2 với hàng tiền vệ rất xuất sắc. Đặc biệt, sự phối hợp ăn ý của cặp tiền đạo “Sát Tinh Song Cước” Edin Dzeko và Vedad Ibisevic đã giúp Bosnia ghi được 18 thắng trong số 30 bàn tổng cộng. Hiện nay, cặp bài trùng này nằm trong danh sách những chân sút đáng sợ nhất thế giới mà Dzeko luôn được nhắc đến như một sát thủ tầm lưới điêu luyện.


@On the Web

Dzeko vừa chứng tỏ phong độ ghi bàn sắc bén bằng hai pha dứt điểm vào lưới Bờ Biển Ngà trong trận giao hữu trước thềm World Cup ngày 30/5/2014, giúp Bosnia giành chiến thắng 2-1 mà qua cú sút nâng tỷ số lên 2-0 là một tuyệt chiêu dứt điểm ngoạn mục từ ngoài vòng cấm 16m50. Tóm lại, với khả năng tung lưới bằng cả hai chân kèm theo nghệ thuật đánh đầu cùng biệt tài bắn phá từ xa, tiền đạo Dzeko chắc chắn sẽ buộc Á Căn Đình phải điều chỉnh hàng thủ.

Nếu nhìn qua sơ đồ mà HLV Safet Susic thường ứng dụng là 4-4-2 sẽ thấy được dàn cầu thủ tấn công gồm Edin Dzeko, Vedad Ibisevic và Senad Lulic là những trục di chuyển rất linh động để nhiều khoảng trống cho nhau nhờ vào khả năng kết nối của tiền vệ con thoi Miralem Pjanic ở tuyến giữa sân. Đây cũng là vũ khí lợi hại nhất của đội Bosnia khi thế tấn công của họ vừa đều đặn từng đợt sóng nhồi vừa ẩn hiện hai mũi nhọn đáng sợ là Dzeko và Ibisevic. Do đó, dư luận không mấy ngạc nhiên khi nghe HLV Susic cho biết mục tiêu đầu tiên của ông là đưa Bosnia tiến vào vòng hai và kế đó tiếp bước thành công để tiến xa hơn.



@On the Web

Đến đây, có lẽ không cần phải dự đoán Bosnia sẽ làm thế nào để vượt qua vòng 1 mà chỉ cần liên tưởng đến hình ảnh “Long Hổ Tranh Cước” giữa Dzeko và Messi cũng đã là một điều quá thú vị rồi.


NIGERIA

Sau Cameroon, Nigeria là một đội bóng Châu Phi gây được tiếng vang đáng kể trên đấu trường thế giới khi tiến vào vòng 2 tại hai giải World Cup liên tục vào năm 1994 và 1998. Đồng thời, “Thần Điêu” Nigeria với biệt danh “Super Eagles” cũng lên ngôi thống trị giải túc cầu Châu Phi CAN (Coupe d'Afrique des Nations) được 3 lần và hiện là nhà đương kim vô địch sau khi tạo nên một cơn chấn động lớn vượt qua hàng loạt ứng viên nặng ký khác như Bờ Biển Ngà, Ghana, Cameroon với một đội hình toàn những cầu thủ trẻ trung kèm theo các tên tuổi mới lạ như tiền đạo Ahmed Musa, tiền vệ Ogenyi Onazi, hậu vệ Godfrey Oboabona v.v…

Trở lại chặng đường chinh phục World Cup, Nigeria đã gặp thất bại tại hai giải đấu 2002 và 2010 với thành tích bị loại từ vòng đấu cũng như xen vào đó là việc bị xóa sổ ở giai đoạn dự tuyển vòng loại nên từ khi HLV Steven Keshi lên nắm quyền hướng dẫn, ông đã mạnh dạn đi theo đường lối trẻ trung hóa đội hình và đưa đến kết quả thành công ban đầu cho Nigeria với chiếc cúp vô địch CAN 2013. Cùng lúc, đội hình trẻ của ông Keshi cũng là một đấu thủ sánh ngang hàng với Bờ Biển Ngà qua chiến tích chưa từ bại trận nào trong suốt giai đoạn tranh vé đến Ba Tây. Do đó, đội bóng trẻ Nigeria hiện nay được dự đoán có khá nhiều triển vọng phục hồi danh hiệu “Hắc Quái Thần Điêu” như các bậc đàn anh đã tạo dựng năm xưa.


@On the Web

Qua lối chơi đơn thuần “tiến quân tấn công, rút binh phòng thủ, ấn ngữ chốt chặn, đánh thốc hai biên”, Nigeria dựa vào nền tảng thể lực sung sức của những ngôi sao trẻ với hàng tiền vệ khá vững vàng nhờ vào khả năng bọc lót và chuyền bóng kiến tạo cơ hội rất đa dạng của tiền vệ Victor Moses, một cặp chân không thể thiếu vắng trong đội hình trẻ của Nigeria từng đóng góp nhiều công sức đưa đội nhà đến đỉnh vinh quang tại giải CAN 2013.


@On the Web

Theo dư luận, Nigeria có lợi thế là không đụng phải “chàng thợ săn” Á Căn Đình ở trận đầu tiên và thay vào đó họ chỉ gặp đối thủ yếu hơn là Cộng Hòa Hồi Giáo Iran.  Vì vậy, nếu đá thắng Iran kèm theo kết quả trận chiến mang cục diện tương tàn giữa Á Căn Đình và Bosnia, Nigeria sẽ có nhiều thuận lợi về tâm lý hơn. Nơi trận kế tiếp Nigeria sẽ chạm trán Bosnia và nếu giữ sạch màng lưới thì họ có thể tiếp chiến cùng Á Căn Đình với hình thức tận dụng thể lực sung mãn trong thế “Một kèm một” và chắc chắn lúc đó cặp chân làm bàn lừa bóng của tiền đạo Messi sẽ bị khóa kín trên khắp vị trí sân cỏ.



IRAN

Từng một thời làm mưa làm gió tại khu vực Châu Á với 3 lần đoạt cúp vô địch AFC Asian Cup liên tục vào các năm 1968, 1972, 1976 và 4 lần đứng Ba, Iran được coi là một đội bóng hùng mạnh trong vùng sánh cùng Đại Hàn. Nhưng sau đó họ đã bị các thế lực trổi dậy khác như Nhật Bản, Úc, Uzbekistan lần lượt qua mặt nên giờ đây nhà cựu vô địch Châu Á không còn giữ được phong đội lợi hại như xưa. Ngoài ra, tuy đã 3 lần dự tranh World Cup nhưng Iran đều bị loại từ vòng 1 và chỉ mới dành được 1 trận thắng tại giải đấu 1998 với tỷ số 1-0 trước đối thủ Hoa Kỳ. Vì vậy, dù luôn ôm mộng phá vỡ “kỷ lục” 1 trận thắng nhưng do tình trạng xuống dốc nhanh chóng từ khi tham dự World Cup 2010 nên Iran phải chờ đợi trong 8 năm qua mới có cơ hội đến Ba Tây lần này.
Tuy nhiên, họ cũng phải hồi hộp khi trải qua dự tuyển vòng loại có phần chật vật sau 5 trận đầu tiên chỉ ghi được 2 bàn và giành vỏn vẹn 2 chiến thắng. Nhưng Iran đã thức tỉnh đúng lúc với 3 trận thắng liên tục trong giai đoạn cuối và vươn lên đứng đầu Nhóm trên cả cường địch Đại Hàn.


@On the Web

Iran đến World Cup 2014 với một đội hình chủ yếu là những cầu thủ đang thi đấu trong nước và được giới ái mộ quốc nội đặt kỳ vọng sẽ vượt qua con số “một trận thắng” nhưng xem ra trước 3 địch thủ ở tầm đẳng cấp cao hơn lối chơi đơn điệu bài bản đặt nền tảng trên thể lực của họ sẽ khó thành công trong việc bảo vệ khung thành khoan nói đến thế tấn kích.

Trong đội hình Iran hiện nay, nổi bật nhất là tiền vệ Javad Nekounam hiện đang chơi đội bóng Al Kuwait SC. Cầu thủ có biệt danh “Neku” này cũng từng khoác áo Osasuna ở Tây Ban Nha trong 6 năm. Nhờ vậy, anh được coi là chỗ dựa vững chắc cho đồng đội trong vai trò một tiền vệ phòng ngự dày dạn kinh nghiệm. Những cú sút xa của anh cũng rất lợi hại nên được giới ái mộ quốc nội ưu ái gọi bằng biệt danh “Frank Lampard của Iran”. Bên cạnh đó là ngôi sao có cái tên khá dài Reza Ghoochannejhad, một cầu thủ chào đời tại Iran nhưng trưởng thành ở Hòa Lan và hiện đang đầu quân cho câu lạc bộ Charlton. Cầu thủ 26 tuổi này tuy chỉ mới ra mắt trong đội hình quốc gia vào năm ngoái nhưng đã ghi đến 6 bàn thắng cho Iran trong  năm 2013.


@On the Web

Tóm lại, dưới trướng của HLV người Bồ Đào Nha Carlos Queiroz, đội hình của Iran được vận hành theo chiến thuật 4-1-3-2 đặt ưu tiên cho việc bảo vệ khung thành nên càng khiến vai trò của Nekounam thêm cần thiết. 

©Khôi Nguyên @Hồn Việt Radio


Kỳ tới: Bảng 
Đức Quốc, Bồ Đào Nha, Ghana, Hoa Kỳ
Duyên Hội Ngộ Tứ Hùng Tái So Cước
Hiểm Chiến Địa Chính Chân Bảng Tử Thần





No comments:

Post a Comment