Sunday, May 11, 2014

Sài Gòn Thất Thủ: Kỳ 8: Người phóng viên miệng lưỡi và cuộc chiến thắng vô nghĩa

Bùi Tín @On the Net

Lần đầu tiên gặp gỡ ông Bùi Tín, một nhân vật cao cấp trong quân đội Bắc Việt đã làm đảo ngược sự tưởng tượng trong đầu tôi vì tác phong của ông ta thật bình dân qua cách ăn mặc xuề xòa quần áo cũ kỹ. Nhưng phải nhìn nhận rằng ông Tín rất có tài ăn nói, cũng như sự diễn tả điệu bộ của ông khi trình bày vấn đề trông thật linh động và lôi cuốn người nghe

Tuy thế, đằng sau những câu ứng khẩu đối đáp lanh lẹ, thỉnh thoảng chứa đựng những ý tưởng khôi hài dí dỏm, hoặc châm biếm mỉa mai, người ta cũng cảm nhận được một quyền lực nào đó nơi ông. Hơn nữa, kèm theo những lời nói thao thao bất tuyệt cử chỉ và hành động của ông Tín lúc nào cũng có vẻ như muốn thị uy trước đối phương nên có thể kết luận rằng Bùi Tín đã hoàn thành xuất sắc vai trò của một nhân vật tuyên truyền do phía Bắc Việt đưa ra nhằm tranh thủ dư luận thế giới lúc bấy giờ. Thế nhưng, sau khi Sài Gòn thất thủ, Bùi Tín cũng lại là một nhân vật phê phán mạnh mẽ sự mỉa mai của cuộc chiến thắng mang tính cách lịch sử này.

*

Trước thời điểm chính quyền miền Nam hoàn toàn sụp đổ khoảng hai năm, ngày 4/2/1973 với tư cách một phát ngôn viên của phái đoàn quân sự Bắc Việt mang cấp bậc Trung Tá, Bùi Tín đã hiện diện ngay tại thủ đô Sài Gòn. Bởi vì theo kết quả của hiệp định Ba Lê được ký kết vào tháng Giêng 1973, phái đoàn đại diện Bắc Việt  đã được phái vào Sài Gòn để hội đàm cùng phía Hoa Kỳ và chính quyền miền Nam về các vấn đề triệt thoái, đình chiến nhằm giải quyết cuộc chiến Việt Nam.


 
 
UBLHQS4B-Camp Davis-TSN @ On the Net

Trong những cuộc hội đàm như vậy, thông thường nhân viên của phái đoàn Bắc Việt chỉ được cho phép hiện diện trong căn cứ quân sự tại Tân Sơn Nhất, nhưng vào ngày 4/2/1973 nói trên họ đã đối diện phái đoàn Hoa Kỳ và miền Nam tại trung tâm thủ đô Sài Gòn lần đầu tiên. Và có lẽ vì trải qua những năm tháng dài của cuộc chiến huynh đệ tương tàn, đại diện của hai miền Nam Bắc đã gặp nhau lần đầu tại chốn công khai như vậy nên thái độ và cử chỉ của đôi bên kể cả những tướng lãnh Hoa Kỳ đều tỏ ra nghiêm nghị và cứng nhắc. 

Nhưng chỉ có mình Bùi Tín là khác hẳn với mọi người khi khuôn mặt ông ta lúc nào cũng tươi cười, cử động lại nhanh nhẹn ăn nói hoạt bát và ông ta dùng cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt để trò chuyện cùng các ký giả ngoại quốc cũng như những tướng lãnh đại diện của miền Nam một cách rất tự nhiên thoải mái. Lúc đó, Bùi Tín còn đến trước mặt những sĩ quan cảnh bị của miền Nam đang túc trực tại đó, vỗ vai họ rồi chìa tay ra tỏ lòng thân thiện khiến họ ngại ngùng, nghiêng qua một bên. Trông thấy tình cảnh đó, Bùi Tín liền hướng về phía những ký giả ngoại quốc nói lớn bằng một tràng tiếng Pháp sành sõi: “Chúng tôi đã tích cực như thế này để mưu tìm cách hòa hợp hòa giải dân tộc, quý vị có thấy không nào?”.

Tóm lại, Bùi Tín chẳng những đã đóng trọn vai trò của mình trong suốt quá trình hội đàm như vậy mà cho đến gần hai tháng sau đó ông ta lại diễn tiếp một màn xuất sắc. Đó là vai trò đại diện cho Bắc Việt để xác nhận sự triệt thoái cuối cùng của nhóm binh lính và các tướng lãnh Hoa Kỳ tại căn cứ không quân Tân Sơn Nhất vào ngày 29/3/1973. 


 
Bùi Tín, TSN, 1973 @On the Net

Trong khi những sĩ quan và quân nhân Hoa Kỳ đứng xếp hàng im lặng và lần lượt bước lên khu trục cơ C-141 thì Bùi Tín với bộ quân phục màu cỏ xanh, hai cầu vai và trước túi áo mang đầy những huân chương quân hàm đỏ chói, đầu đội chiếc kết thật to vừa tươi cười vừa thoăn thoắt tiến đến bên họ trò chuyện huyên thuyên. Sau khi lượt qua danh sách những quân nhân Hoa Kỳ lên máy bay đến người cuối cùng là Đại Đội Trưởng Bộ Binh, Bùi Tín còn mang tặng ông ta một tấm mành tre sơn phết nhiều màu sắc lộng lẫy và viên Đại Đội Trưởng này vừa nhận món quà kỷ niệm vừa đáp lễ lại Bùi Tín bằng những cái bắt tay thân thiện. 

Nhưng thực sự người cuối cùng bước lên máy bay chính là Đại Tá Point O’Dell Tư Lệnh căn cứ Hoa Kỳ tại Tân Sơn Nhất. Lúc đó, vừa trông thấy Đại Tá O’Dell đặt chân lên cửa hông máy bay, Bùi Tín đã nhanh chóng chạy đến bên ông đưa quà kỷ niệm và mời ông bắt tay. Tuy nhiên, Đại Tá O’Dell đã không đáp ứng gì, vừa im lặng lắc đầu vừa cuối mặt tiến lên bậc thang. Với dáng vóc cao lớn tựa như võ sĩ đô vật, nhưng lúc này Đại Tá O’Dell cũng không ngăn được dòng lệ xúc cảm và mọi người tại hiện trường đều nhìn thấy rõ quang cảnh này.

Trong khi đó, trên khuôn mặt Bùi Tín vẫn không dứt những nụ cười khoan khoái và đứng nhìn mãi theo chiếc máy bay  C-141 cất cánh bay vút lên không trung cho đến khi mất dạng trong mây. Hình ảnh này đã tạo cho Bùi Tín một tư thế tựa như một người hùng đại diện cho Bắc Việt đánh đuổi những người Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam.

*

Chưa hết, ở ngay vào thời điểm Sài Gòn thất thủ, Bùi Tín còn diễn thêm một vai trò mang tính cách lịch sử quan trọng. Ngày 30/4/1975, sau khi quân Bắc Việt tiến vào Dinh Độc Lập rồi quản thúc tất cả những viên chức, tướng lãnh cùng Tổng Thống Dương Văn Minh tại đây. Lúc đó, Bắc VIệt đã ủy thác cho Bùi Tín nhiệm vụ xác nhận sự đầu hàng của chính quyền Tổng Thống Dương Văn Minh, trong tư cách một vị tư lệnh quân đội cao cấp của họ hiện diện trong Dinh Độc Lập. 


 
Bùi Tín & Dương Văn Minh, 30/4/1975 @ AFP

Và kết quả đã được diễn tiến qua cuộc đối thoại ngắn gọn giữa hai bên như sau:

Tổng Thống Dương Văn Minh nói: “Chúng tôi đã ở đây chờ đợi từ sáng sớm để bàn giao quyền hành cho chính phủ cách mạng”. Bùi Tín đáp lại: “Các anh không có gì để mà bàn giao cả vì chính quyền của các anh đã bị đánh tan”. Sau đó Tổng Thống Dương Văn Minh được đưa đến đài phát thanh và bị ép phải đọc lời tuyên bố đầu hàng.


@ On the Net

Ở điểm này, người ta thấy rằng lời tuyên bố “chính quyền của các anh bị đánh tan” của Bùi Tín đã chẳng khác nào một lời cáo tri lịch sử nhằm gửi đến dư luận quốc tế để nhấn mạnh về sự chấm dứt của cuộc chiến tranh Việt Nam.

Riêng tại Hoa Kỳ cho đến nay nếu nói về cuộc chiến tranh Việt Nam thì ngay cả quyển sách được nhiều người đón nhận nhất là “Lịch sử Việt Nam” của tác giả Stanley Karnow cũng đề cập đến vai trò lịch sử của Bùi Tín khi hướng dẫn ông Dương Văn Minh đầu hàng. 

Dựa theo những điều căn bản trong quyển sách này, một chương trình phóng sự tài liệu truyền hình do Anh-Mỹ- Pháp hợp tác đã được thực hiện với tựa đề “Việt Nam” và trong phần cuối cùng cũng đã chiếu lại những hình ảnh lúc Tổng Thống Dương Văn Minh đầu hàng kèm theo những lời phỏng vấn của Bùi Tín. Đồng thời, ngay cả chính phía Bắc Việt cũng phải dựa theo lời tường thuật từ các bài ký sự của Bùi Tín để khẳng định cuộc chiến đã được kết thúc một cách êm đẹp qua những lời đối thoại giữa Bùi Tín và ông Dương Văn Minh. Nói cách khác, trên phương diện lịch sử Hà Nội đã chẳng có một dị luận nào đối với lời tuyên bố của Bùi Tín cả.

*

Trong ngày Sài Gòn thất thủ và tiến vào Dinh Độc Lập, Bùi Tín còn mang thêm một tư cách khác là ký giả của báo Quân Đội Nhân Dân, tức cơ quan ngôn luận của quân đội Bắc Việt. 

Trước kia, vào năm 1945 khi mới 18 tuổi, Bùi Tín cũng đã tham gia tổ chức Việt Minh trong phong trào kháng chiến chống Pháp và gia nhập đảng cộng sản VN. Bố ông Tín sinh sống tại thành phố Huế và từng giữ chức Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp trong chính quyền vua Bảo Đại do quân Nhật dựng nên trong thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến, sau đó lại tham gia hội đồng chính phủ của HCM và được bầu làm chủ tịch quốc hội. Qua phần lý lịch, cũng đã cho thấy Bùi Tín xuất thân từ gia tộc danh môn.
Bùi Bằng Đoàn trước 1945 
Bùi Bằng Đoàn sau 1945
Võ Nguyên Giáp, Hồ Chí Minh, Bùi Bằng Đoàn (1948) @On the Net

Năm 1954, Bùi Tín tham gia trận chiến Điện Biên Phủ với chức vụ đại đội trưởng và bị trọng thương, sau đó Tín được miễn công tác chiến đấu và trở thành một ký giả hoặc đôi khi làm phát ngôn viên của quân đội Bắc Việt. Vì vậy, có lẽ trong cuộc tổng công kích Sài Gòn, Bùi Tín đã kiêm nhiệm luôn vai trò vừa là ký giả vừa là một bộ đội đột nhập vào tới Dinh Độc Lập chăng?

Sau chiến tranh, Tín leo lên tới chức chủ bút tờ Quân Đội Nhân Dân rồi đến năm 1982 lại chuyển qua làm việc cho tờ báo Nhân Dân, cơ quan tuyên truyền của đảng cộng sản VN với chức vụ phó chủ bút  tòa soạn (Phó Tổng Biên tập - chú thích của HVR). Ngoài ra, về mặt quân đội Tín còn được thăng lên cấp bậc Đại Tá. Đến đây, có thể nói Tín đã tiến đến tột đỉnh của con đường thăng quan tiến chức và trở thành một trong những nhân chứng lịch sử của Bắc Việt từng chứng kiến cảnh rút quân cuối cùng của người Hoa Kỳ cũng như cảnh đầu hàng toàn diện của chính quyền miền Nam Việt Nam.


@On the Net

Nhưng bước vào thập niên 1990 thì nhà cầm quyền Hà Nội lại đột nhiên công kích họ Bùi bằng cách loan tải trên đài phát thanh quốc doanh của họ những lời lẽ như: “Bùi Tín đã tự tuyên truyền bị đặt về chuyện ông ta là người đầu tiên xác nhận sự đầu hàng của địch tại Dinh Độc Lập”, hoặc thậm chí hơn là: “Những lời tuyên truyền láo khoét của Bùi Tín chẳng khác nào ếch ngồi đáy giếng muốn phình bụng to bằng con bò”.

Chẳng những thế, Hà Nội còn tuyên bố rằng việc Tín đột nhập vào Dinh Độc Lập đã xảy ra sau khi Bắc Việt điều đình cho ông Dương Văn Minh đầu hàng và chuyện Tín bị thương trong trận Điện Biên Phủ là điều hoàn toàn bịa đặt.

Trước sự công kích của Hà Nội, Tín đã trốn sang Pháp xin tị nạn vào năm 1990 và bắt đầu phản kích lại bằng những lời tố cáo đảng cộng sản VN độc tài và đàn áp dân chúng. Trong những lời tố cáo này, Bùi Tín luôn nhấn mạnh đến vấn đề tự do chính trị, tự do kinh tế và đưa ra những tính tất yếu của chủ nghĩa dân chủ và chủ nghĩa đa nguyên.


@On the Net

Vào mùa Thu năm 1991, tôi đã gặp lại Bùi Tín tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ. Khi tôi đặt câu hỏi: “Nếu hiện nay ông thường đề cập đến tự do và dân chủ thì ông nghĩ sao về cuộc chiến tranh trước đây đã đánh tan một chính quyền từng nêu cao ý nghĩa của tự do và dân chủ tuy nó không hoàn toàn giống với giá trị quan như ông suy nghĩ?”. Và Bùi Tín đã trả lời như sau: “Cuộc chiến đó là một chiến thắng rỗng tuếch và vô nghĩa, lòng tôi vô cùng đau đớn xót xa khi nghĩ rằng có lẽ nhưng đồng đội của tôi đã hy sinh tính mạng cho sự thắng lợi vô nghĩa này."


@On the Net

©Komori Yoshihisa  & Khôi Nguyên @ HVR

(Còn tiếp)

No comments:

Post a Comment